Kiểm soát chặt chẽ kịch bản phim nước ngoài quay ở Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/5/2022 | 5:21:10 PM

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để có thể sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam thì các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải cung cấp kịch bản phim đầy đủ bằng tiếng Việt, điều này sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ hơn nội dung phim và bảo đảm các yêu cầu về chính trị, quốc phòng và an ninh.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) góp ý kiến vào dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). (Ảnh: LINH KHOA)
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) góp ý kiến vào dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). (Ảnh: LINH KHOA)

Chiều 26/5, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Trong đó, quy định về kịch bản phim trong việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài và vấn đề thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu.

Cần cung cấp kịch bản phim đầy đủ bằng tiếng Việt để thẩm định

Điều 13 dự thảo Luật quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài, đưa ra 2 phương án thẩm định kịch bản phim quay bối cảnh tại Việt Nam, đó là yêu cầu kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết phân cảnh quay tại Việt Nam bằng tiếng Việt (phương án 1), hoặc kịch bản đầy đủ bằng tiếng Việt (phương án 2).

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đồng tình với phương án 2 quy định yêu cầu kịch bản phim đầy đủ bằng tiếng Việt. Đại biểu lý giải việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất cần thiết, điều này sẽ tạo điều kiện cho giới chuyên môn được tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm việc phim chuyên nghiệp để học tập kinh nghiệm, nhất là những sự tiến bộ và thay đổi không ngừng của điện ảnh. Qua đó, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, chuyển tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, kịch bản tóm tắt chưa thể hiện hết nội dung phim, và việc thẩm định kịch bản với nội dung đầy đủ mới có thể bảo đảm các yêu cầu chính trị, quốc phòng và an ninh.

Cũng theo đại biểu, để thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam, các chính sách về ưu đãi, thủ tục minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng cũng là những yếu tố cần quan tâm để để đưa Việt Nam và điện ảnh Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế nhưng đồng thời vẫn bảo đảm những vấn đề về an ninh, chính trị.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nhấn mạnh cần quy định kịch bản phim đầy đủ bằng tiếng Việt để có thể xem xét, đánh giá tổng thể, qua đó kiểm soát được việc quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam có phù hợp với lịch sử, văn hóa, chính trị, an ninh, quốc phòng hay không.

Kiểm soát chặt chẽ kịch bản phim nước ngoài quay ở Việt Nam -0
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ băn khoăn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: LINH KHOA)

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm rõ, việc xây dựng các phương án kiểm soát phim của tổ chức, cá nhân nước ngoài quay bối cảnh tại Việt Nam dựa trên quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là những vấn đề gì đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm thì cần được cụ thể hóa bằng luật.

Bộ trưởng cho biết, trong thực tiễn, có một số đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam quay phim, phân cảnh nhưng không gửi kịch bản chi tiết bằng tiếng Việt mà chỉ đưa kịch bản tóm tắt nội dung, nên không kiểm soát được. Bộ trưởng nêu dẫn chứng về bộ phim "Đồng cảm” của Mỹ quay ở Việt Nam, phân cảnh quay ở Việt Nam thì tốt nhưng khi sang Mỹ thì hoàn toàn là một nội dung phi chính trị và không đúng với lịch sử Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải mất rất nhiều công sức để ngăn chặn, tháo gỡ nội dung này. Chính vì vậy, việc nhiều đại biểu lựa chọn phương án 2, yêu cầu kịch bản phim đầy đủ bằng tiếng Việt là hợp lý, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nội dung phim.

Cần làm rõ nguồn thu của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

Tham gia góp ý kiến về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được quy định tại Điều 42, 43 và 44 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu băn khoăn: Luật Điện ảnh năm 2006 đã có quy định về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, đến nay qua 16 năm nhưng Quỹ vẫn chưa được thành lập do không bảo đảm được nguồn thu. Đại biểu cho rằng quy định như trong dự thảo luật còn mang tính chất chung chung, không xác định rõ được nguồn thu của quỹ này.

Bên cạnh đó, một số quy định tại Điều 43 dự thảo Luật trùng với nhiệm vụ chi được quy định tại khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật. Trong khi đó, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước cũng như Nghị định 163 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, một trong những điều kiện để một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được cơ quan cơ thẩm quyền xem xét, hỗ trợ vốn điều lệ là có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị làm rõ lý do tại sao đến nay Quỹ chưa được thành lập mặc dù đã được đề xuất trong Luật Điện ảnh 2006 và đã qua hơn 10 năm thực hiện Luật.

Kiểm soát chặt chẽ kịch bản phim nước ngoài quay ở Việt Nam -0
 Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). (Ảnh: quochoi.vn)

Nhấn mạnh trong những năm gần đây, hầu hết các luật ban hành đều hạn chế quy định việc thành lập quỹ trong luật, đại biểu cho rằng việc thành lập Quỹ cần cân nhắc kỹ và phải bảo đảm không làm tăng bộ máy và biên chế, bảo toàn vốn điều lệ, bảo đảm nguồn thu để chi trả cho các khoản chi, nguồn thu không trùng với các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước.

Trước nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc đã có quy định về Quỹ này từ năm 2006 nhưng từ đó đến nay vẫn không thực hiện và vẫn tiếp tục đề nghị duy trì, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua Quỹ gặp khó khăn về nguồn thu để thành lập Quỹ do chưa được quy định trong Nghị định. Ngoài ra, cơ chế quản lý Quỹ cũng chưa xác định rõ ràng là do đơn vị sự nghiệp thực hiện hay các các doanh nghiệp, tổ chức tài chính khác triển khai.

Bộ trưởng khẳng định, đầu tư cho điện ảnh là đầu tư cho văn hóa và đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững. Chính vì vậy, nếu không được quan tâm đầu tư thì sẽ rất khó thực hiện. Việc hỗ trợ ban đầu của Nhà nước là rất cần thiết.

 
Theo Báo NDĐT (NQ)

Các tin khác
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các Trưởng đoàn nhạc sĩ tham dự Liên hoan.

Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự