Nét văn hóa lễ cúng Tết Đoan Ngọ
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2022 | 10:19:39 AM
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, y dược dân gian sử dụng chủ yếu thực vật. Vậy nên, ngày Tết Đoan Ngọ người dân sẽ thường dùng các yếu tố thực vật để làm cỗ cúng.
![]() |
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.
|
Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống diễn ra vào 5/5 Âm lịch hàng năm. Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày 3/6 Dương lịch. Phong tục ăn Tết Đoan Ngọ có mặt ở nhiều quốc gia phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ
Nói về ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, theo truyền thuyết dân gian, Tết Đoan Ngọ gắn liền với một vị thần y có tên là Biển Thước - ông tổ của y học phương Đông và các hoạt động mang tính y dược, phòng bệnh.
Quan niệm về khí tượng dân gian phương Đông coi ngày 5/5 Âm lịch là ngày cực dương (đỉnh của khí dương) - ngày nóng nhất trong năm. Khi ấy, cây cỏ, con người trong hệ sinh thái cũng ở trạng thái cực dương. Ngày này, người ta thường tìm những dược liệu vào đúng giờ Ngọ - cực dương của dương để hái về làm thuốc.
Ngoài ra, Tết Đoan Ngọ còn gắn với truyền thuyết về Khuất Nguyên, một nhà thơ, nhà văn, nhà triết học lớn thời nước Sở. Ông đã tự trầm mình trên sông Mịch La vào ngày mồng 5/5 Âm lịch vì không thể giúp cho Sở Hoài Vương cứu nước vào cuối thời Chiến Quốc. Vậy nên, ngày này còn là ngày giỗ của Khuất Nguyên, được người dân tưởng nhớ hàng năm.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ
"Ở Việt Nam, ý nghĩa ngày giỗ Khuất Nguyên mờ nhạt dần đi, yếu tố y dược dân gian nổi trội hơn hẳn trong văn hóa đón Tết Đoan Ngọ. Vào ngày 5/5 Âm lịch, người dân có nhiều tục lệ như giết sâu bọ bằng cách ăn hoa quả, hoặc xông, tắm để gột sạch cơ thể.
Người Việt đặc biệt chú ý đến việc sửa soạn các mâm cúng. Để chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ, nhà nào cũng mua sắm các loại quả như mận, vải, dưa hấu, bánh tro, rượu nếp, thịt vịt…. Ở một số nơi lại không thể thiếu xôi, chè hạt sen, nếp cẩm…
Khi được hỏi vì sao mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường có những vật phẩm như mận, vải, chè, cơm rượu, bánh tro… nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ lý giải: Y dược dân gian sử dụng chủ yếu thực vật. Vậy nên, trong ngày 5/5 Âm lịch, người ta sẽ dùng các yếu tố thực vật để làm cỗ cúng. Bên cạnh đó, do văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của Phật giáo nên cỗ cúng ngày này cũng mang tính chất chay là chính.
Ngoài ra, theo quan niệm của ông bà xưa, ăn rượu nếp có thể giết sâu bọ vì vị nồng cay của rượu nếp có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp "chuốc say", tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua, chát sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.
Còn bánh tro hay gọi là bánh ú tro, bánh gio vị nhạt, tính mát, thường ăn với đường hoặc mật, có tác dụng giải nhiệt cơ thể trong tiết trời oi bức. Thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, dù xã hội ngày một phát triển nhưng Tết Đoan Ngọ vẫn được người dân quan tâm như cách bảo tồn một hình thức lễ nghi phổ quát và rộng rãi, bảo lưu nét đặc sắc văn hóa so với phương Tây.
Tất cả ý thức, hành vi của người dân trong ngày này vẫn hướng đến việc kiêng kị, việc thực hành làm thuốc, bảo vệ sức khỏe.
Trước câu hỏi, cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ nào là hợp lý, ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, cúng Tết Đoan Ngọ đẹp nhất là vào giờ Ngọ - 12 giờ trưa ngày 5/5 Âm lịch.
"Tuy nhiên, nếu điều kiện công việc, thời gian không cho phép, người dân chỉ cần thắp hương cúng lễ trong sáng 5/5 Âm lịch là được, lưu ý không nên vượt quá giờ Ngọ. Về tư tưởng chung nên hướng về y dược, ẩm thực, tích lũy thuốc thang để cầu mong một cuộc sống an khang", nhà nghiên cứu này nói.
Các tin khác

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, vào lúc 6 giờ ngày 1/7/2025, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trên cả nước đã đồng loạt cử hành ba hồi chuông, trống Bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng, phát triển con người Việt Nam, cùng với tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Tại Đại hội Đảng bộ Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã đưa ra nhiều nội dung đóng góp, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện trong nhiệm kỳ mới, trong đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc gia tăng sức mạnh mềm quốc gia thông qua văn hoá.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.