Khơi dậy năng lực của những cây bút trẻ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2022 | 1:48:02 PM

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 năm 2022 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa khép lại với nhiều suy ngẫm, trăn trở, kỳ vọng đặt vào thế hệ người viết trẻ. Bên cạnh các cuộc gặp gỡ, giao lưu, kết nối… liệu người viết trẻ sẽ thu lượm được những gì từ hội nghị để có thêm sự vững vàng, sớm khẳng định tài năng và trách nhiệm xã hội trên những trang viết.

Trao đổi tại hội thảo thơ
Trao đổi tại hội thảo thơ "Vì sao chúng ta viết".

So với các kỳ hội nghị gần nhất đã diễn ra, điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 là đối thoại giữa Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam với các đại biểu xoay quanh các chủ đề: Ðào tạo chuyên ngành viết văn; Chiến lược số hóa tư liệu văn học; Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới… Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chia sẻ, nhiều quốc gia trên thế giới có nền văn hóa phát triển đều chú trọng tới đào tạo viết văn. Ðó có thể là những trường học hoặc khóa học, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn.

Hiện nay, văn học được coi là bộ môn quan trọng bậc nhất trong các bậc học phổ thông và chúng ta cũng có trường lớp đào tạo chuyên ngành này. Trong giai đoạn tới, Ðảng và Nhà nước sẽ tăng cường, ưu tiên việc đào tạo cho những cây bút trẻ. Trước mắt, khi chưa có nhiều trường lớp chuyên sâu, chính các nhà văn, đặc biệt là những cây bút trẻ cần trở thành "sứ giả" của văn chương, mang những giá trị tốt đẹp đến với các trường học nhằm tạo ra sự lôi cuốn, lan tỏa để thắp lên ngọn lửa đam mê cho thế hệ kế cận của mình. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng hàng đầu vẫn là tài năng của từng cá nhân, còn việc đào tạo sẽ góp phần phát hiện và khơi dậy năng lực của từng cây bút.

Về chiến lược số hóa tư liệu văn học một cách bài bản, dài hạn, Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta đã có chiến lược, đề án, chương trình cụ thể. Trong giai đoạn tới, Ðảng và Nhà nước sẽ quan tâm sát sao, dành nguồn lực nhiều hơn để thúc đẩy sự phát triển của văn học, đặc biệt là vấn đề quảng bá tinh hoa văn học Việt Nam ra thế giới.

Hội thảo Thơ và Hội thảo Văn xuôi với chủ đề "Vì sao chúng ta viết?" cũng là những nội dung quan trọng được triển khai trong khuôn khổ hội nghị. Các đại biểu trẻ được giao lưu với nhiều nhà văn, nhà thơ lão thành từng có những cống hiến quan trọng cho văn học nước nhà. Những vấn đề nổi cộm được đưa ra bàn luận, chia sẻ, gồm: Vốn sống với người viết trẻ, sự tự do trong tư duy và sáng tạo, văn học dân tộc thiểu số trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam… Tại Hội thảo Thơ, hầu hết các cây bút trẻ đều băn khoăn về chủ đề vốn sống, trải nghiệm, một trong những yếu tố được coi là nền tảng trong sáng tạo.

Tác giả Lê Tuyết Lan (Bình Dương) chia sẻ, chị đã không ngại tham gia nhiều công việc, từ dạy học, làm công nhân trong nhà máy… và thu lượm được nhiều trải nghiệm cũng như cung bậc cảm xúc để thể hiện qua trang viết. Tác giả Lê Ðỗ Lan Anh (Vĩnh Long) được đào tạo và hoạt động về chuyên ngành mỹ thuật; sáng tác thơ ở độ tuổi ba mươi, chị cho rằng vốn sống rất quan trọng bởi cuộc sống luôn chứa đựng những vẻ đẹp bí ẩn và kỳ diệu mà nhà văn phải chạm vào.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều có những chia sẻ mang chiều sâu, gợi mở. Có những nhà thơ vĩ đại của thế giới dù không trải nghiệm nhiều về sự dịch chuyển, thay đổi, họ gần như chỉ sống và ngẫm ngợi mà vẫn có tác phẩm lớn, bởi quan trọng là họ đã không ngừng suy tưởng về hiện thực. Nhà thơ mang sứ mệnh lưu trữ khoảnh khắc của đời sống và gọi ra thông điệp của nó thông qua nghệ thuật. Một thi sĩ nổi tiếng thế giới từng ví von, không có trí tưởng tượng, thì không thể bắc cây cầu hiện thực chạm tới bến bờ của thi ca.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết, người viết trẻ hiện nay có đặc điểm chung là sự tự do, phóng khoáng trong sáng tạo, cho nên người đọc tìm thấy ở họ những chân dung tâm trạng riêng. Trải nghiệm quan trọng, nhưng tất cả đều phải được "tâm hồn hóa" để biến thành tâm trạng, nỗi niềm thì tác phẩm mới sâu được. Viết gì, cảm nhận cuộc sống ra sao, cuối cùng vẫn phải để lại dấu ấn riêng biệt, không trùng lặp… Ông cũng thẳng thắn chỉ ra điểm yếu cơ bản của các cây bút trẻ hôm nay là "các bạn còn giống nhau quá". Mỗi người viết phải bộc lộ cho người đọc thấy "đặc sản tâm hồn" của họ, đó mới là diện mạo văn chương xác lập vị trí của từng cá nhân. Cùng quan điểm này, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định, người viết có thể có vốn sống trực tiếp hoặc gián tiếp. Song, vốn sống trực tiếp ngồn ngộn vẫn là chất liệu quý báu.

Hội thảo Văn xuôi diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về sự tự do trong tư duy và sáng tạo. Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, đã có những cuốn sách chạm đến những vấn đề gai góc của cuộc sống xuất hiện. Việc công bố sách hiện nay không khó, nhà văn hãy cứ viết, con đường văn học mênh mông, không có rào cản nào cả, vấn đề là hãy viết thật hay. Tiếp nối chủ đề này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có chung quan điểm, người cầm bút hãy tập trung vào việc viết, quan trọng là phải viết tốt. Các đại biểu trẻ đề xuất, nên có thêm nhiều cuộc thi, giải thưởng, ấn phẩm dành cho người viết trẻ để họ được tự tin thể hiện mình và có cơ hội được thừa nhận. Ngoài ra, các hoạt động đi thực tế, đầu tư sáng tác theo đầu sách, mở các lớp bồi dưỡng viết văn tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước… cần được đẩy mạnh thành phong trào sôi nổi.

Ðiểm nhấn xúc động trong hội nghị lần này là cuộc gặp gỡ các em nhỏ mồ côi sau đại dịch Covid-19, hiện đang học tập, lưu trú tại ngôi trường "Hy vọng" của Tập đoàn FPT. Ðây là cơ hội giúp người viết trẻ nhìn nhận rõ hơn vai trò, sứ mệnh, cảm hứng của mình cần tiếp tục được nâng lên một tầm mới bằng trách nhiệm với đồng nghiệp, bạn đọc, xã hội.

Bên cạnh những dư âm đẹp, vẫn còn đó đôi điều tiếc nuối. Bảy tham luận trên tổng số 138 đại biểu trẻ theo danh sách tham dự hội nghị là con số khiêm tốn, cho thấy người viết trẻ vẫn chưa mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, đóng góp của mình cho chủ thể chính của hội nghị. Trong các hội thảo, người viết trẻ vẫn còn dè dặt, chưa thật tự tin đưa ra những trao đổi, kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng sáng tác để khẳng định tài năng và trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc sống đa dạng, phong phú và nhiều thách thức hiện nay ■

 
Theo Báo NDĐT (NQ)

Các tin khác
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các Trưởng đoàn nhạc sĩ tham dự Liên hoan.

Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự