Hồi sinh nhiều điệu chèo cổ
- Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2022 | 3:26:46 PM
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, thời gian qua, nhiều câu lạc bộ (CLB) hát chèo trên địa bàn tỉnh được Nhà hát Chèo Bắc Giang tổ chức dạy hát, diễn xuất, phục dựng nghệ thuật chèo từng bị mai một, thu hút đông đảo người yêu thích chèo tham gia.
Trích đoạn "Nàng dâu hiếu thảo" trong vở chèo "Trương Viên" do CLB Chèo xã An Hà (Lạng Giang) biểu diễn.
|
Say mê luyện tập
Phóng viên có mặt tại nhà văn hóa xã An Hà (Lạng Giang) đúng lúc CLB Chèo của xã đang tập luyện trích đoạn "Nàng dâu hiếu thảo" trong vở chèo "Trương Viên". Các thành viên đều làm ruộng, dù việc đồng áng bận rộn song mọi người vẫn bố trí thời gian tập luyện.
Vở chèo "Trương Viên" ca ngợi lòng hiếu thảo của nàng dâu với mẹ chồng, tình phu thê và mẫu tử. Trong trích đoạn, bà Nguyễn Thị Hợi (SN 1961), thành viên của CLB vào vai Thị Phương-một nàng dâu hiếu thảo dắt mẹ chồng chạy giặc lưu lạc suốt mười tám năm, hy sinh một phần thân thể để cứu mẹ chồng. Lời ca và lối diễn xuất của các diễn viên thể hiện trong trích đoạn khá chuyên nghiệp, gây xúc động người xem.
Bà Nguyễn Thị Sỹ, Chủ nhiệm CLB Chèo xã An Hà chia sẻ: "CLB thành lập năm 2016, hiện có gần 30 thành viên, tuổi đời từ 30 đến 75. Cả 3 chị em ruột nhà tôi đều tham gia CLB, có những gia đình, cả mẹ và con đều là thành viên”. Cách đây vài tuần, Nhà hát Chèo Bắc Giang cử các nghệ sĩ, diễn viên về hướng dẫn, truyền dạy cách hát và diễn xuất cho CLB.
Hơn 3 tuần, các thành viên đều có mặt tại nhà văn hóa xã để tập luyện. Nhờ chịu khó học hỏi, giờ đây, mọi người trong CLB hát, diễn xuất khá chuyên nghiệp. Đến nay, CLB có thể biểu diễn 5 trích đoạn của các vở chèo và gần 20 làn điệu chèo lời cổ.
Thực hiện Đề án Phát triển Nhà hát Chèo Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2025, thời gian qua, Nhà hát Chèo Bắc Giang phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức mở các lớp truyền dạy, phục dựng nhiều làn điệu, trích đoạn chèo truyền thống.
Cùng đó, các CLB còn được hướng dẫn phương pháp tổ chức hoạt động, kế hoạch ôn luyện. Trên nền của những vở chèo cổ, các CLB sáng tạo, vận dụng vào thực tiễn địa phương với nhiều chủ đề cần tuyên truyền, như: Xây dựng nông thôn mới, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; đồng thời phê phán các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, hướng con người tới những điều tốt đẹp, văn minh.
Từ đầu tháng 6/2022 đến nay, Nhà hát Chèo Bắc Giang tổ chức 7 lớp dạy hát chèo ở 7 huyện, TP, mỗi lớp từ 40-50 người là những hạt nhân văn nghệ, có năng khiếu biểu diễn nghệ thuật chèo ở cơ sở; hỗ trợ, hướng dẫn CLB Chèo xã An Hà (Lạng Giang) và CLB Hát dân ca và Chèo TP Bắc Giang.
Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang đánh giá: "Qua những lớp truyền dạy hát, cách diễn xuất, hóa trang, mọi người rất phấn khởi, tích cực tập luyện. Tuy là những diễn viên không chuyên song chất lượng nghệ thuật của các CLB có sự tiến bộ vượt bậc.
Đặc biệt, hoạt động này thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở nhiều miền quê trong tỉnh. Một số nhà văn hóa ở các xã, thôn với vài trăm ghế ngồi luôn kín khán giả mỗi khi các CLB diễn chèo. Điều đáng mừng là hoạt động của các CLB chèo đã có sự tham gia của nhiều học sinh, như ở các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lạng Giang.
Sức lan tỏa mạnh
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 30 CLB Chèo được thành lập với hơn 800 thành viên. Ngoài ra, nhiều CLB văn hóa, văn nghệ ở xã, thôn cũng có những hạt nhân chèo nòng cốt, thường xuyên tham gia các hội thi, liên hoan, giao lưu.
Không chỉ xuất hiện, phát triển ở vùng nông thôn; ở những khu vực thành thị-nơi mà trước đây nghệ thuật chèo chưa được khơi dậy, đánh thức thì nay hoạt động này đã được chính quyền, ngành chức năng quan tâm hơn, có sức lan tỏa trong nhân dân.
Một số nhà văn hóa rộng lớn ở các xã, thôn với vài trăm ghế ngồi luôn kín khán giả mỗi khi các CLB diễn chèo. Điều đáng mừng là hoạt động của các CLB chèo đã có sự tham gia của nhiều học sinh ở các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lạng Giang". Nghệ sĩ Ưu túTạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang |
CLB Hát dân ca và Chèo TP Bắc Giang được thành lập năm 2020. Ban đầu, CLB chỉ có hơn 10 người, đến nay quy tụ gần 30 thành viên tham gia với nhiều thành phần khác nhau (công chức, cán bộ hưu trí, kinh doanh tự do). Chủ nhiệm CLB là bà Bùi Tú Lệ (SN 1965), phường Hoàng Văn Thụ, làm nghề kinh doanh.
Từ chỗ các thành viên còn bỡ ngỡ về nhịp, phách, luyến láy ca từ, lấy hơi, được các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Bắc Giang tận tình hướng dẫn, đến nay, CLB đã có thể biểu diễn nhiều làn điệu, trích đoạn, như "Đò đưa", "Đào Liễu", "Luyện Năm Cung", "Lý trưởng mẹ Đốp", "Tấm Cám"… Ngoài trực tiếp tham gia sinh hoạt, CLB còn thành lập trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook dành cho những người yêu chèo với gần 1 vạn người theo dõi.
Bắc Giang là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, còn lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống, trong đó có hát chèo. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử song nhiều CLB, làng chèo vẫn duy trì, phát triển. Năm 2019, Liên hoan Chèo toàn quốc tổ chức tại TP Bắc Giang đã đọng lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, thu hút hàng vạn người yêu chèo đến xem và cổ vũ. Điều đó cho thấy sức hút mãnh liệt, hấp dẫn của nghệ thuật chèo đối với công chúng Bắc Giang.
Được biết, tới đây, Nhà hát Chèo Bắc Giang sẽ tổ chức Liên hoan các CLB Chèo không chuyên; định kỳ 2 năm/lần thành lập mới từ 3-4 CLB chèo mỗi năm. Đồng thời mở các lớp truyền dạy nghệ thuật chèo cho 500 đến 600 hạt nhân tại các CLB chèo trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng giáo án, phương pháp thực hiện chương trình đưa sân khấu chèo vào các trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trước mắt, từ năm 2022-2025 sẽ thí điểm dạy chèo ở một số trường học tại TP Bắc Giang và các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên. Nghiên cứu đưa nghệ thuật chèo biểu diễn tại các điểm di tích; khu, điểm du lịch; các lễ hội tiêu biểu của tỉnh.
Theo BGĐT(NQ)
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.