Sáng tạo từ tài nguyên di sản

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/7/2022 | 9:10:44 AM

Lâu nay với không ít người, ít nơi khái niệm di sản thường bị mặc định với công tác bảo tồn. Tuy nhiên, xã hội luôn vận động, phát triển, nếu chỉ chú trọng bảo tồn, di sản sẽ dần có nguy cơ tách rời, xa cách với cuộc sống.

Nghệ sĩ trình diễn vở Tứ phủ (đạo diễn Việt Tú) - vở diễn lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh TTXVN)
Nghệ sĩ trình diễn vở Tứ phủ (đạo diễn Việt Tú) - vở diễn lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh TTXVN)

Song song với bảo tồn, việc phát huy sáng tạo sẽ đem lại sức sống mới, khiến di sản gần gũi hơn với cuộc sống, góp phần phát huy, lan tỏa giá trị di sản và phát triển công nghiệp văn hóa. Nhưng sáng tạo thế nào để không làm tổn hại, biến dạng di sản, không làm cộng đồng hiểu sai giá trị di sản, ảnh hưởng tiêu cực đến chủ thể di sản là vấn đề đang bức thiết đặt ra.

Bài 1: Đòi hỏi tất yếu của cuộc sống

Những năm gần đây, các hoạt động sáng tạo, phát huy giá trị di sản đã và đang diễn ra sôi động, đem lại giá trị kinh tế thông qua các sản phẩm công nghiệp văn hóa; đồng thời, khẳng định bản sắc dân tộc trong các sản phẩm, tác phẩm đương đại.

Nhưng nhận thức về sáng tạo, phát huy giá trị di sản lại chưa theo kịp thực tế. Mỗi khi có những sản phẩm, tác phẩm hình thành trên cơ sở sáng tạo di sản lại xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, rất cần những nhận thức mới và các giải pháp "khơi dòng” cho hoạt động này.

Nhiều người vẫn còn nhớ, năm 2016, khi vở diễn Tứ phủ của đạo diễn Việt Tú được công diễn trên sân khấu, dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh ý kiến ủng hộ, không ít người đã e ngại đó là hành vi "sân khấu hóa” một loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là nghi lễ quan trọng, thực hiện trong không gian linh thiêng ở những đền, phủ thờ Mẫu. Theo quan niệm dân gian, các vị thánh sẽ "giáng” (nhập) vào thanh đồng.

Vở diễn Tứ phủ đã khai thác ba giá đồng tiêu biểu: Giá đệ nhị, giá Ông Hoàng Mười, giá Cô bé Thượng ngàn trong 36 giá đồng để trình diễn trên sân khấu. Đạo diễn và đơn vị sản xuất đã đầu tư hết sức cầu kỳ, từ sắp đặt không gian, cho đến dựng cảnh sân khấu và các bộ trang phục của các diễn viên.

Dù ban đầu có nhiều nghi ngại, song sau đó, thành công của vở diễn Tứ phủ ở trong nước và nước ngoài khiến nhiều người đã thay đổi tư duy, thừa nhận tính hợp lý và giá trị nghệ thuật của vở diễn. Vở diễn Tứ phủ đã được nhiều chuyên gia đánh giá là một hình thức sáng tạo đáng khích lệ với di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó, đạo diễn và các diễn viên lược đi yếu tố tâm linh, chú trọng khai thác phần diễn xướng, âm nhạc trong hầu đồng.

Tương tự như Tín ngưỡng thờ Mẫu, cồng chiêng Tây Nguyên vốn được xem là phương tiện để đồng bào giao tiếp với thần linh trong các lễ hội. Cụ thể, tương ứng với một nghi lễ, sẽ có những bản cồng chiêng riêng. Các nghi lễ lớn như đâm trâu, lễ bỏ mả hay lễ cúng bến nước, lễ cúng cơm mới, lễ dựng nhà, lễ thổi tai… đều có bản nhạc riêng.

Theo quan điểm bảo tồn thuần túy trước đây, nếu tách rời các yếu tố này khỏi không gian diễn xướng là các nghi lễ, các lễ hội thì đã được coi là "có vấn đề”. Tuy nhiên, để quảng bá, giới thiệu di sản không phải lúc nào cũng có thể đợi đến khi lễ hội hay các nghi lễ tâm linh của đồng bào diễn ra. Sử dụng những trích đoạn phù hợp rồi đưa vào các không gian phục vụ du lịch sẽ góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản đến cộng đồng.

Gần đây, một số nghệ nhân còn sáng tác những bài chiêng mới. Khi đó, cồng chiêng được sử dụng đơn thuần như một loại nhạc cụ biểu diễn. Đó cũng chính là sáng tạo di sản. Dù có những ý kiến trái chiều, nhưng đến nay, rõ ràng không thể phủ nhận sự lan tỏa, phổ biến của cồng chiêng Tây Nguyên trong cộng đồng và xã hội một phần là nhờ chính những đội biểu diễn cồng chiêng phục vụ du lịch. Chưa kể nguồn thu từ du lịch giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời thêm gắn bó, có trách nhiệm hơn với di sản của quê hương mình.

Lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, cụ thể là các di tích, việc sáng tạo tưởng chừng là điều xa lạ, khi di tích phải bảo tồn nguyên trạng, nhưng thực tế, những hoạt động sáng tạo đã và đem lại cho di tích một sinh khí mới. Như di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) từng nhiều năm hoạt động gần như đóng khung với cách khai thác: "Sáng mở-tối đóng” để phục vụ khách tham quan, thì hiện nay, di tích đã chuyển mình thành một không gian văn hóa, là nơi diễn ra nhiều hoạt động tương tác với cộng đồng để truyền tải, lan tỏa giá trị văn hóa, truyền thống hiếu học đến cộng đồng.

Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tổ chức nhiều cuộc thi ý nghĩa như: Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An, ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ra mắt dự án Không gian văn hóa Quốc Tử Giám, tọa đàm khoa học… Đặc biệt, trung tâm tổ chức nhiều chương trình giáo dục di sản cho học sinh thông qua những hoạt động vừa học, vừa chơi. Những hoạt động này đã thay đổi hẳn tính chất hoạt động của một di tích.

Mới đây nhất, trung tâm triển khai một dự án đi tìm sự kết hợp giữa nghệ thuật thư pháp và graffiti. Đây là lần đầu tiên một loại hình nghệ thuật cổ truyền của phương Đông, loại hình nghệ thuật gắn với các bậc túc Nho hay chữ "gặp gỡ” tìm tiếng nói chung với nghệ thuật đường phố, có nguồn gốc từ phương Tây như graffiti. Dự kiến, những sáng tác trên cơ sở kết hợp hai loại hình tưởng như đối lập nhau này sẽ ra mắt vào tháng 8/2022.

Cũng ở Hà Nội, một di tích đã chuyển mình thành một không gian sáng tạo thu hút nhiều du khách tìm đến là đình Nam Hương nằm trên phố Hàng Trống, nơi có dòng tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng. Sau khi được tu bổ, cải tạo, tầng 2 của đình Nam Hương là không gian tâm linh và tầng 1 nay trở thành không gian tương tác, triển lãm, giới thiệu những hoạt động văn hóa truyền thống.

Đây là nơi gặp gỡ, chia sẻ kiến thức giữa nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên với sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội trong dự án "Từ truyền thống đến truyền thống”. Sản phẩm của dự án là hàng chục bức tranh sử dụng chất liệu sơn mài, lụa lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống, khai thác các họa tiết tranh Hàng Trống.

Trong năm 2022, dự án này được nối tiếp bằng những sáng tác mới, được trưng bày trong dự án "Hổ dạo phố”. Những tác phẩm tranh lụa, tranh sơn mài khai thác những góc cạnh khác nhau của hình tượng hổ trong tranh Hàng Trống vào sáng tác mới. Tương tự, nhiều di tích như: Hoàng thành Thăng Long, Thành cổ Cổ Loa… không đơn thuần hoạt động như những di tích, mà là nơi thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục di sản. Những hoạt động này giúp di sản trở nên sống động, gần gũi với cộng đồng.

Thực tế, nhiều hoạt động sáng tạo di sản trong thời gian đầu thường bị dư luận phản ứng, nghi ngờ về thành công hay lo ngại về việc "sân khấu hóa” hay làm "biến dạng” di sản. Nguyên nhân của tình trạng này là do từ lâu khi nhiều người thường "đóng đinh” di sản với khái niệm bảo tồn. Trên thực tế, trong suốt tiến trình lịch sử của mình, bất kỳ di sản nào cũng trải qua quá trình hình thành, phát triển.

Di sản quan họ Bắc Ninh không có hàng chục làn điệu, hàng nghìn bài, với các lề lối sinh hoạt ngay từ khi ra đời. Hệ thống làn điệu, bài hát, các lề lối quan họ được bồi đắp qua năm tháng. Quá trình đó chính là sự sáng tạo của chủ thể di sản. Điều này còn rõ nét đối với những di sản là tri thức dân gian ở các làng nghề. Quá trình lao động, sáng tạo giúp cộng đồng tích lũy kiến thức, từ đó, có những điều chỉnh về kiểu dáng, mẫu mã qua từng thời kỳ khác nhau.

Làng gốm cổ Bát Tràng cũng là một thí dụ. Để có những nước men, mẫu gốm chinh phục trong nước và quốc tế, gần 10 thế kỷ tồn tại là một quá trình sáng tạo không ngừng. Nếu chỉ duy trì những mẫu mã cổ, thì chắc chắn, gốm Bát Tràng không thích ứng được với cuộc sống hiện đại ngày nay. Hay với tranh làng Sình (Huế) vốn là dòng tranh tâm linh. Nhưng những sáng tạo của nghệ nhân làng tranh đã giúp tranh làng Sình trở thành một sản phẩm lưu niệm hấp dẫn cho xứ Huế.

Nhìn sâu hơn vào lịch sử có thể thấy rằng, sáng tạo không phải điều quá mới mẻ nhưng sáng tạo di sản trong quá khứ và trong những năm gần đây đã có sự khác biệt lớn. Mỗi sự thay đổi, sáng tạo trong quá khứ, mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Trong thời đại công nghệ 4.0 hôm nay, mỗi chủ thể đều tiếp cận nhận được thông tin đa chiều, nhanh chóng, tương tác mạnh mẽ với các luồng văn hóa khác nhau trên thế giới với tốc độ chóng mặt.

Điều này khiến các nghệ sĩ, nghệ nhân tích hợp các giá trị văn hóa mới vào các sản phẩm cũ nhanh chóng và có chủ đích rõ ràng hơn. Phương thức sáng tạo cũng có những thay đổi. Nếu như trước đây, giao lưu văn hóa chưa mạnh mẽ, sự sáng tạo chủ yếu nằm trong khuôn khổ kế thừa, tiếp nối, thì ngày nay, phương thức sáng tạo di sản đa dạng hơn với các thủ pháp được ứng dụng phổ biến như: Mô phỏng hóa; nghệ thuật hóa; kết nối, xâu chuỗi các di sản, khai thác một số yếu tố của di sản để tạo ra sản phẩm, tác phẩm mới; sử dụng những kỹ thuật cổ truyền để tạo sản phẩm, tác phẩm; tái hiện, trình diễn; tích hợp những hoạt động, những giá trị mới vào di sản…

Trong số này, có những tác phẩm nghệ thuật thành công trên cơ sở ứng dụng tổng hợp nhiều thủ pháp, vừa sân khấu hóa, vừa khai thác một số loại hình di sản, vừa "trộn” các loại hình di sản để tạo ra sản phẩm, tác phẩm như các vở diễn thực cảnh: Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An. Những vở diễn này khai thác những giá trị di sản của các tiểu vùng văn hóa, dung chứa nhiều loại hình văn hóa trong một vở diễn, đem đến công chúng những trải nghiệm đắt giá cả về nghệ thuật lẫn giá trị kinh tế.

Bên cạnh đó, các di sản xưa kia thường mang tính cộng đồng, những sáng tạo cũng thuộc về tác giả là cộng đồng thì ngày nay, những sáng tạo thường mang đậm tính cá nhân.

Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Công nghiệp văn hóa được xác định gồm các lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng nhấn mạnh yêu cầu gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa.

Điều này đang đặt ra những yêu cầu nhận thức và nhiệm vụ quan trọng đối với sáng tạo di sản. Bởi chỉ có sáng tạo di sản, chúng ta mới có thể tạo ra những sản phẩm, tác phẩm của công nghiệp văn hóa mang bản sắc; đồng thời, lại có thể gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa. Mặt khác, do sự thay đổi về "tốc độ” sáng tạo, các thủ pháp sáng tạo cũng như yêu cầu về dấu ấn thương hiệu, dấu ấn cá nhân, sáng tạo di sản rất dễ dẫn đến nguy cơ làm sai lệch di sản, thay đổi nhận thức của công chúng về di sản nếu không có phương pháp đúng, nếu không định hình một "không gian” đối với loại hình sáng tạo này.

Theo Báo NDĐT (NQ)

Các tin khác
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các Trưởng đoàn nhạc sĩ tham dự Liên hoan.

Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự