Đường trường thử nghiệm
Ở cuộc họp trực tuyến giữa Cục Nghệ thuật Biểu diễn và 12 nhà hát Trung ương vào ngày 6/7 vừa qua, nhiều ý kiến cho thấy, hầu hết các đơn vị sân khấu đều đang nỗ lực "tấn công" vào thị trường biểu diễn, ngay khi dịch bệnh vừa bị đẩy lùi. Và trong nỗ lực ấy, tất nhiên không thể bỏ qua việc đưa sân khấu tiếp cận với du khách quốc tế, ở thời điểm du lịch đang được kích cầu và bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
Trong thực tế, vấn đề này vẫn luôn được đặt ra trong nhiều năm qua như một bài toán quan trọng của sân khấu - đặc biệt là tại phía bắc, nơi tập hợp hầu hết các đơn vị sân khấu truyền thống lớn. Bởi, ai cũng rõ, với khách quốc tế, sân khấu truyền thống mới là món ăn "lạ miệng" - thay vì loại hình kịch nói được chính phương Tây du nhập vào Việt Nam.
Dù vậy, cũng ngần ấy năm, ngoại trừ một Nhà hát múa rối nước Thăng Long khá thành công khi đón khách quốc tế, nhiều sàn diễn chuyên tuồng, chèo, cải lương... vẫn lận đận trong hành trình này.
Đã có những ý kiến giải thích sự khác biệt ấy bằng vị trí nằm cạnh Hồ Gươm của Nhà hát múa rối nước Thăng Long - nơi được coi là cái "hom giỏ" gom hết khách quốc tế của Thủ đô. Nhưng, cũng nằm ngay trong quần thể phố cổ, các Nhà hát Cải lương Hà Nội tại Hàng Bạc, hay Nhà hát Tuồng Việt Nam với rạp Hồng Hà, lại không hề phát huy được lợi thế.
Đáng nói, hai đơn vị này cũng đã cho thấy những nỗ lực đặc biệt khi thử nghiệm xây dựng những chương trình hướng tới khách du lịch. Theo đó, từ nhiều năm trước, Nhà hát Tuồng Việt Nam từng làm các tờ giới thiệu in nhiều thứ tiếng để phát cho khách quốc tế trước đêm diễn, thậm chí làm cả bảng phụ đề chiếu song song với chương trình. Kỳ công hơn, Nhà hát Cải lương Hà Nội từng dịch trọn vẹn toàn bộ lời thoại và làn điệu của vở "Mệnh đế vương" ra tiếng Anh và cung cấp tai nghe cho du khách.
Còn riêng với nghệ thuật chèo, Nhà hát Chèo Hà Nội giai đoạn những năm 2000 còn tổ chức cả những chiếu chèo giới thiệu các trích đoạn kinh điển chọn lọc cho khách quốc tế tại khu vực đền Ngọc Sơn. Tương tự, Nhà hát Chèo Việt Nam từng nhiều lần làm việc với các công ty lữ hành để xây dựng các suất diễn với thời lượng linh hoạt theo nhu cầu du khách, linh hoạt từ 15 phút-30 phút-45 phút hay 60 phút, thậm chí còn sẵn sàng lấy giá "tượng trưng" trong giai đoạn đầu.
Những thử nghiệm ấy đều chưa có kết quả như mong muốn. Điển hình, tại rạp Chuông Vàng ngay phố cổ Hàng Bạc, cũng đã có "ông Tây bà đầm" tò mò mua vé, nhưng chủ yếu là xem... kiến trúc cổ của rạp rồi quay ra khi các vở diễn còn dở dang.
Nhu cầu nay đã khác
Có lẽ, quãng thời gian gián đoạn biểu diễn gần hai năm vì dịch Covid-19 đã giúp nhiều lãnh đạo nhà hát có cơ hội tìm hiểu, suy ngẫm về lộ trình xóa bỏ khoảng cách giữa sân khấu truyền thống và khách du lịch quốc tế. Đơn cử, trong một cuộc tọa đàm "bỏ túi" về vấn đề này vào tháng trước, khá nhiều kinh nghiệm đã được đưa ra.
Ở đó, điều dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi ngày càng rõ về nhu cầu xem biểu diễn trong bối cảnh "thời gian là vàng" của du khách. Khi tiếp xúc với các tour lữ hành, nhiều nhà hát đã bối rối trước những yêu cầu thẳng thắn. Điểm đến phục vụ du khách không chỉ thuận tiện, gần trung tâm mà còn phải đẹp, ấn tượng, vừa là nơi xem biểu diễn vừa là nơi phục vụ các nhu cầu ăn uống, giải trí và cả mua sắm. Thậm chí, các kịch mục cần có sự đa dạng về loại hình, để mỗi du khách có thể thoải mái lựa chọn. "Nền công nghiệp giải trí hiện đại đang hướng tới những tổ hợp hay quần thể như vậy. Tại đó, nghệ thuật biểu diễn chỉ là một thành phần cấu thành, thậm chí nguồn thu từ những dịch vụ khác có thể san sẻ để bù lại cho nghệ thuật", NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, nhận xét. "Quan niệm của người làm du lịch rất khác với người làm nghệ thuật, chúng ta phải chấp nhận điều này. Nhưng, đặt ra kế hoạch về một quần thể đồ sộ được đầu tư bài bản như vậy lại là chuyện quá sức với mỗi nhà hát". Bởi một quần thể biểu diễn quy mô như vậy chỉ có thể được hình thành từ sự chủ trì và các cơ chế thu hút vốn đầu tư của ngành văn hóa. Nhưng, đây là điều không hề đơn giản. Thực tế, từ cuối những năm 2000, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã rất tâm đắc ý tưởng thành lập một Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Quốc gia theo mô hình hiện đại này, thậm chí xây dựng hẳn một đề án với địa điểm được đề xuất gần Khu đô thị An Khánh (Hoài Đức) nhưng sau đó đành bỏ dở.
Bởi thế, trong giai đoạn trước mắt, ngành quản lý và các nhà hát có sự kết nối, hỗ trợ để các đơn vị sân khấu có cơ chế luân phiên khai thác những rạp diễn tại khu vực trung tâm Hà Nội - vốn ít khi đỏ đèn đủ ba tối cuối tuần. Bên cạnh đó, việc tổ chức và nâng cao các tiện ích phù hợp với khách du lịch cũng cần được tính toán.
"Đơn cử như chuyện ẩm thực. Sẽ khó chấp nhận nếu chúng ta để khách ăn uống khi xem nghệ thuật. Nhưng lại là rất hay nếu ở một đêm diễn giữa phố cổ, khách Tây được mời dùng trà, thưởng thức nhẹ nhàng một vài món quà Hà Nội như bánh cốm, oản, bánh xu xê... nhận một món đồ lưu niệm nhỏ khi ra về" - một giám đốc nhà hát phân tích.
Hãy tự thay đổi
Vẫn cần nhắc tới một nghịch lý oái ăm: dù khó bán vé nhưng khi mang các tiết mục nhỏ lẻ vào biểu diễn miễn phí tại phố đi bộ của Hà Nội thì tuồng, chèo, cải lương lại luôn nhận được sự trầm trồ, hưởng ứng từ du khách nước ngoài. Có nghĩa, câu chuyện đang nằm ở cách khai thác vốn di sản quý giá mà các nhà hát đang nắm giữ.
Thực tế, dịch song ngữ, gắn phụ đề, hoặc biên soạn lại các tiết mục truyền thống là "thực đơn" quen thuộc mà các nhà hát phục vụ cho khách du lịch những năm qua. Và như khẳng định của nhiều chuyên gia, cách làm ấy dù dễ triển khai nhưng không thể thay thế cho việc đầu tư chất xám để dàn dựng những chương trình thật sự chuyên phục vụ khách quốc tế.
"Ngoại trừ nghệ thuật múa rối nước có những đặc thù riêng, các chương trình sân khấu truyền thống hiện nay đều không thể bê nguyên xi lên sân khấu cho khách du lịch xem. Làm vậy, có chăng họ chỉ đến một lần" - Đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam nhận xét - "Những sản phẩm nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch bây giờ cần được tính toán rất kỹ để vừa giữ được tinh hoa của truyền thống, vừa có sự chế tác cho phù hợp".
Và vị đạo diễn này cũng đang ấp ủ một kế hoạch đặc biệt: Biến khu vực Hội quán Quảng Đông tại 22 Hàng Buồm thành một sân khấu thực cảnh của cải lương. Theo đó, trong thời gian tới, quần thể kiến trúc cổ này sẽ là nơi diễn ra các chương trình ngắn với thời lượng khoảng một tiếng, phục vụ từ 50-70 khách. Toàn bộ hệ thống hậu cung, sân, cột, cửa sổ, đường dẫn... tại đây sẽ trở thành sân khấu biểu diễn cho khán giả ngồi xếp bằng tròn thưởng thức giữa ngôi nhà.
"Nói cách khác, diễn viên sẽ diễn, sẽ hát... ngay bên cạnh người xem. Và các chương trình được tính toán xây dựng để vừa giữ được những đặc trưng của cải lương, vừa có nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ cảm với khách trong nước và quốc tế" - anh nói. "Đó là một thử nghiệm với quyết tâm cao của anh em trong Nhà hát. Dù có thể thất bại, nhưng chúng tôi vẫn phải hành động, thay vì cứ ngồi im và lo lắng, e dè".
Nói như một đạo diễn gạo cội khác, vài chục năm trước, rối nước tại Hà Nội cũng gặp khó khăn hệt như nhiều đơn vị sân khấu truyền thống bây giờ. Các nghệ sĩ rối nước khi ấy cũng phải cắn răng chấp nhận hoàn cảnh để dần tạo được thói quen thưởng thức rối nước của khách du lịch. Đó là hai bài học mà sân khấu truyền thống cần tiếp thu trong chặng đường tìm tới khách du lịch: kiên nhẫn và bình tĩnh.
Hội quán Quảng Đông có thể trở thành không gian phục vụ du khách trong tương lai. Ảnh trong bài | ĐÔNG MAI |
Cần có cơ chế "mở” để bảo trợ
Sân khấu truyền thống trước tiên vẫn phải hướng tới việc giữ gìn các vốn nghệ thuật tinh hoa của dân tộc. Bởi thế, xét cho cùng, chỉ khi có sự bảo trợ tốt, các đơn vị này mới có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ, cũng như dũng cảm thử nghiệm để tiếp cận khách du lịch.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam nên nghiên cứu một cơ chế phổ biến trên thế giới: các tập đoàn, doanh nghiệp lớn được Nhà nước khuyến khích bảo trợ, thậm chí khai thác các chương trình sân khấu truyền thống vào mục đích phát triển thương hiệu. Bù lại, họ sẽ nhận về các ưu đãi về thuế, tài chính, hoặc trong quá trình hoạt động kinh doanh của tập đoàn.