Người lính trở về
- Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2022 | 2:13:07 PM
Từng đám sương cuộn lên trên dải đồi toàn cây sấu đang trổ hoa. Bồng bềnh. Hoang hoải. Màu hoa vàng nhạt tươi sáng làm không gian bừng lên dưới nắng sớm. Sương bắt đầu loang ra rồi tan dần. Hiện ra giữa lớp sương bồng bềnh ấy là một người đàn ông mặc bộ quân phục cũ, đội mũ tai bèo đã sờn, khoác chiếc ba lô nặng trĩu đi rất vội.
Minh họa: Tùng Quân
|
Cái dáng đi sao mà quen thuộc, giống giống ai đó. Và người ấy đi vào xóm nhỏ, nơi có ngôi nhà cũ của bố mẹ mình. Mình nhìn ra, chao ôi, chẳng lẽ? Hay là… Có dòng nước bỏng rát chảy trong ngực áo. Tim mình đập loạn xạ… Hơn mười năm, chẳng lẽ, bây giờ anh mới về? Bà nội của con cho gọi mình vào nhà. Mình chưa kịp đi thì đã đứng chết lặng khi người lính ấy xuất hiện ở lối vào cổng nhà.
Đôi mắt kia, vẫn như lúc 20 tuổi. Mình không thể bước đi, toàn thân tê dại. Miệng ú ớ kinh ngạc và hạnh phúc. "Hậu ơi, anh đây”, người đàn ông nói vậy rồi òa khóc ôm chầm lấy mình. Mình cũng khóc, khóc bù cho hơn mười năm qua. Mình không còn biết gì nữa. Màu sương loang, màu hoa sấu phủ lên, che mờ hết cả…
- Mẹ ơi, mẹ ngủ mơ à? - người con trai đập tay vào vai bà Hậu. Bà Hậu mở mắt sực tỉnh. "Ừ, già hay mơ thế, mơ thấy hôm bố anh về”. "Thảo nào lúc thì cười, lúc thì khóc, mà mẹ là người may nhất quả đất còn gì nhỉ? Mới đi viện vài hôm đã mơ. Bố ổn, không sao cả. Cái Bảo khác cơm nước cho bố cẩn thận”. "Đã qua 30 tháng Tư chưa”? "Qua rồi mẹ, tháng Sáu rồi”. "Ừ…” - bà Hậu ừ rất khẽ rồi khép hai mắt lại, chìm vào thế giới của bà.
Hình như trước ca mổ ngày mai, bà Hậu đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc ra đi khác, có thể, bà sẽ không bao giờ được như trước nữa, không biết lấy xong khối u não thì bà có còn nhớ được chồng con của mình không. "Mẹ không sao đâu, mẹ đừng lo, khoa học giờ hiện đại lắm, chính anh Hùng con trai bác Hiên bạn bố mổ cho mẹ đấy”. "An này, bác Hiên trên Yên Thế í à”? "Vâng”.
- Anh là ai? Sao biết nhà tôi?
- Tôi là Hiên, bạn chiến đấu với đồng chí Quảng.
- Thế chồng tôi đâu?
- Tôi về qua nhà nên đến thăm gia đình đồng chí… Ông bà còn khỏe không chị?
- Cảm ơn anh, ông bà đã già rồi ạ.
- Mười năm rồi mà.
Nắng tháng Năm chứa chan, tràn khắp sân nhà. Bố mẹ chồng mình ngồi im lặng. Anh Hiên hỏi chuyện rồi biếu ông bà ít quà bánh, ấp úng một hồi mới nói: "Đơn vị cháu tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn rồi hành quân ra Bắc ngay sau 30 tháng Tư năm 1975; còn đơn vị anh Quảng về sau. Anh Quảng…”. Mình kinh hãi khi tay anh Hiên lần giở tờ giấy mang về từ chiến trường. Hai ông bà như chết trân đưa tay ôm ngực áo.
Những dòng chữ nhấp nhóa: "Chúng tôi rất thương tiếc báo tin và chứng nhận... đồng chí Trần Văn Quảng sinh 1945; Chức vụ… Đã hy sinh tại chiến trường miền Nam… được xác nhận là liệt sĩ… thi hài mai táng tại nghĩa trang mặt trận”… Gì vậy? Không thể tin được. Bố mẹ òa khóc. Còn mình tê dại toàn thân, run rẩy, đứng không vững. Không bao giờ, anh Quảng không bao giờ chết. Đâu, để mình hỏi xem, ai nhìn thấy anh ấy hy sinh.
- Anh kia, anh có nhìn thấy chồng tôi hy sinh không?
- Tôi không chứng kiến, nhưng đơn vị anh Quảng có nhiều người.
- Vậy tôi trả anh giấy kia, tôi không tin…
Mình chẳng biết đã cào cấu anh Hiên đó thế nào, bố mẹ phải gỡ tay mình ra. Thằng An bảy tuổi đứng ngơ ngác góc nhà. Nó chạy ra ôm chặt mẹ, hoảng hốt. Cả nhà như rơi từ trên núi xuống vực thẳm. Không ai ngờ, bố mẹ chồng lại là những người vững vàng nhất. Ông bà bảo, thằng Quảng hy sinh vì nước, đáng tự hào, con đừng gào khóc nữa… Mình tin rằng, anh Quảng chưa bao giờ ra đi, cảm giác của mình là như vậy, chắc họ đã nhầm lẫn…
Mùa hè năm 1969, thanh niên trong làng đăng ký đi bộ đội gần hết. Chồng mới cưới của Hậu vừa ra trường đi làm thầy giáo được hai tuần cũng viết đơn nhập ngũ. Đêm ấy, trong căn nhà tre ba gian ọp ẹp, hai vợ chồng không ngủ, nói chuyện đến sáng. Trong vòng tay anh Quảng, Hậu biết, anh đi bộ đội để đánh giặc, cứu nước, bảo vệ quê hương, rồi chiến thắng anh sẽ về. Còn Hậu sẽ ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng, cùng với hai người em chồng nhỏ tuổi trông coi vườn bãi.
"Em lo lắm, chiến tranh bom đạn, không biết bao giờ anh mới về…”- Hậu vùi mặt vào ngực chồng thổn thức. "Nhanh thôi, đừng lo, em yên tâm nhé, anh không sao đâu, rồi anh sẽ về…”. Đêm trôi trong bao cảm xúc yêu thương bịn rịn, buồn lo. Hôm sau, anh Quảng từ biệt gia đình, chòm xóm lên đường. Sau cái ôm siết chặt của chồng, Hậu chạy về nhà kho, úp mặt vào cây rơm khóc như mưa. Bố mẹ chồng cho cô em gái nhỏ ở với Hậu. Hai chị em ngày ngày đi làm ruộng cùng bố mẹ, tối tối lại cặm cụi ngồi đan len, bện chổi, nói những chuyện của chị em đàn bà con gái.
Có đêm, đứa em nhỏm dậy nhìn chị dâu mình úp cái ảnh anh Quảng lên ngực ngủ, nước mắt chảy thành dòng. Thư anh Quảng gửi về, cả nhà vui như Tết, anh kể chuyện hành quân, chuyện cùng đồng đội tham gia chiến đấu nhiều gian khổ, hiểm nguy nhưng vẫn khỏe và luôn nhớ bố mẹ, các em và Hậu. Hậu sinh cu An đầu năm sau. Đài báo đưa tin chiến tranh ác liệt, thư anh Quảng thưa dần. Mấy năm trôi qua chỉ có được vài lá thư, viết rất ngắn, thăm hỏi bố mẹ, vợ, em gái, con trai và thông báo vẫn ổn. Từ đầu mùa xuân 1975 thì không thấy anh Quảng thư về.
Anh Hiên xuất hiện đã đảo lộn cuộc sống cả gia đình. Chòm xóm, chính quyền đến thăm hỏi, chia buồn. Mẹ con Hậu lủi thủi hơn. Hậu từ chối lớp học làm y tá để đi chạy chợ buôn bán lo cho gia đình. Lạ rằng, sau ngày anh Hiên đến nhà chỉ khoảng một tháng thôi, người ta lại thấy Hậu vui vẻ, nhanh nhẹn, đảm đang lo việc nhà, việc đồng áng, chạy chợ nuôi con. Ai hỏi, Hậu cũng nói, sau này anh Quảng nhà em sẽ về. Người làng lắc đầu, chắc bị bệnh thần kinh mất rồi, khổ thân…
Cuối mỗi tuần, người ta lại thấy Hậu dẫn con trai mang một khay hoa tươi và ít trái cây lên đền Bà Cô trên núi thắp hương. Hậu buôn bán rất giỏi, vài năm đã sửa sang nhà cửa, ruộng vườn chỉn chu hơn. Ông bà nội thằng An họp cả nhà rồi nói: "Bố thằng An mất đã hơn 5 năm rồi, thằng An cũng đã lớn, con không thể ở mãi như thế này, con xem có đám nào thương thì đi lấy chồng đi, tương lai còn dài, thằng An ở với ông bà, con thi thoảng về thăm nó”. Hậu khóc: "Không, con không lấy ai đâu, con ở với bố mẹ, có thằng An là đủ rồi…”.
Ông bà nội An dứt khoát lắm, không cho ở cùng. Nước cuối, Hậu xin ra ở riêng. Mẹ con Hậu ở trên mảnh đất ngoài bãi sấu cuối làng, nơi trước kia là đồi trồng sắn của gia đình nhà chồng. Trời thương hai mẹ con thì phải, An lớn phổng phao, đẹp trai giống bố, lại ngoan và học giỏi. Hậu không đau ốm gì, chạy chợ quanh năm. Thằng An kể, tối nào, mẹ cũng thắp đèn lên rồi nói chuyện với ảnh bố Quảng rất lâu.
Nhìn ảnh, An thấy mình giống bố, trong lòng thèm khát được gặp bố, ôm bố một lần xiết bao. Đám đàn ông vẫn bám theo Hậu mọi khi nghe thấy vậy cũng rời đi. Trong mắt người làng, Hậu hơi kỳ dị, ít nói, chỉ cười, rất ngu ngơ. Hậu chăm chỉ làm ăn đến mức, không để ý đến vẻ ngoài của mình. Vẫn xinh lắm, người ta bảo thế, kệ, không cần ai ngắm hết.
Sau năm năm ở riêng, Hậu làm nhà mới. Căn nhà gỗ năm gian lợp ngói đỏ khang trang ẩn mình sau rặng xoan. Đã hơn mười năm mà anh Quảng chưa về, nếu như mãi khi thành bà già anh mới về thì sao, mà có khi, anh đã tan vào đất rồi… Hậu khóc thầm. Đàn bà sống một mình, không có chỗ dựa nhiều khi cực thân vô cùng. Bố mẹ đẻ ở làng bên nói mãi, cũng nể, tháng sau, có thể Hậu sẽ đồng ý gặp mặt một người đàn ông cũng từng là bộ đội vốn đang góa vợ. Người này là chỗ quen biết của gia đình bố mẹ Hậu.
Thợ làm nhà vừa rút, Hậu cho làm sân, sửa sang chuồng lợn, xây tường rào và chuẩn bị làm cơm mời ông bà nội ngoại và họ hàng đến chia vui. Hậu mơ thấy anh Quảng ngồi giữa sân làm diều cho con trai, nụ cười anh trắng lóa. Hậu kể lại giấc mơ, ai cũng bảo anh Quảng linh thiêng quá.
Đúng hôm lên nhà mới, khi mọi người còn chưa đến, mới sáng sớm, Hậu đang đồ xôi thì người lính ấy đi vào ngõ. Không thể tả nổi cảm xúc của Hậu lúc ấy, người như mê man đi, vui sướng đến không nói thành lời, nước mắt tứa ra ào ạt. Cỗ mừng nhà mới cũng là cỗ mừng người "liệt sĩ” trở về. Những cái ôm, nắm tay, vỗ vai, vuốt tóc, những trò chuyện ríu ran choán hết bữa cơm, ăn uống là việc phụ. Lũ trẻ con túm áo nhau rồng rắn quanh sân nô đùa rồi xúm lại ăn kẹo bánh.
Cả làng như có hội, ai cũng đến nhìn xem chú liệt sĩ Quảng bằng xương thịt thì như thế nào. Hậu ngồi nhìn ngắm chồng không chớp mắt. Anh đen và già đi, nhưng đôi mắt thì vẫn vậy, chứa chan tình cảm và ấm áp. Anh Quảng kể, đã ngủ trên nhà anh Hiên một tối xem tình hình gia đình thế nào rồi mới về đây. "Muộn tí nữa thì em lấy chồng mất nhỉ”- anh Quảng cười nói với Hậu”.
Hậu nói rất khẽ, em lúc nào cũng tin là anh sẽ về, chứ mười năm qua đâu phải là ngắn, mà các cụ còn bố trí cho người ta đến nói chuyện với em trong tháng sau đấy, em nể lắm, em cứ vâng đại đi, chứ em không lấy ai đâu, em có anh rồi”. Anh Quảng tủm tỉm cười, anh đã nhìn thấy người đàn ông tóc bạc phân nửa mặc bộ quần áo bộ đội cũ ngoài ngõ. Người ấy đến lúc rồi rời đi mà Hậu không hề biết.
Mùa hè ấy mãi mãi ở lại với cuộc đời Hậu, không bao giờ tàn phai. Cô con gái ra đời vào năm sau mang lại niềm hạnh phúc lớn cho gia đình Hậu. Anh Quảng dần khỏe mạnh hơn, quay trở lại làm thầy giáo trường xã. Cả nhà cứ tíu tít nói cười.
Người mẹ đã ngủ. Nắng hè ngoài kia rực lên. Chắc hẳn mẹ lại mơ về mùa hè nóng bỏng năm nào. An nắm bàn tay mẹ hồi lâu. Ngày mai, cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra tốt đẹp thôi. Anh tự nhủ và đứng lên kéo rèm cửa lại. Bên ngoài, rừng lá sấu xanh biếc xôn xao...
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương
Theo BGĐT (NQ)
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.