Bắc Giang xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hút khách
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2022 | 10:06:09 AM
Nhằm thu hút khách du lịch, thời gian qua, ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh Bắc Giang và đơn vị làm du lịch đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Khách du lịch nước ngoài thăm vườn vải và trải nghiệm hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn).
|
Điểm đến của du khách
Vụ vải thiều năm nay, huyện Lục Ngạn đón hơn 90 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó có nhiều đoàn khách du lịch, doanh nhân ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh và khách quốc tế đến từ Nhật, Anh, Australia, Trung Quốc.
Đây cũng là năm huyện Lục Ngạn đón lượng khách du lịch lớn nhất trong các mùa vải từ trước đến nay. Chương trình du lịch "Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” do UBND huyện tổ chức đã thu hút du khách về tham quan, trải nghiệm, thưởng thức những trái vải thiều thơm ngon; du ngoạn hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, hồ Làng Thum, bản Bắc Hoa, vãn cảnh chùa Am Vãi.
Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng phối hợp UBND các xã, thị trấn, tổ chức đoàn thể, hợp tác xã du lịch cộng đồng làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn, đưa đón khách chu đáo, tạo ấn tượng tốt với du khách.
Ở Khu du lịch (KDL) sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), vào ngày nghỉ cuối tuần, nơi đây đón khoảng 1 nghìn lượt khách đến vui chơi, vãn cảnh. Nửa đầu năm nay có khoảng 120 nghìn lượt khách đến KDL. Ông Dương Văn Học, Trưởng Ban Quản lý KDL sinh thái Suối Mỡ cho hay từ cuối tháng 4 đến nay khách tăng mạnh.
Đơn vị đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội về KDL; thường xuyên vệ sinh giữ cảnh quan sạch, đẹp; bổ sung các biển chỉ dẫn; liên kết chặt chẽ với các công ty lữ hành đưa khách về tham quan.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là một trong những giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh được chính quyền, ngành chức năng các địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu, điểm du lịch được nhiều du khách biết đến như: KDL tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), KDL sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), đền Xương Giang (TP Bắc Giang).
Các điểm du lịch cộng đồng tại Khe Rỗ, Đồng Cao (Sơn Động), bản Ven (Yên Thế), vườn cây ăn quả (Lục Ngạn) cũng thu hút nhiều khách tham quan. Kể từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, khách đến Bắc Giang có xu hướng tăng, 6 tháng đầu năm 2022 có hơn 900 nghìn lượt; trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 11 nghìn lượt. Công suất sử dụng phòng lưu trú đạt hơn 75%.
Khai thác các nguồn lực phát triển du lịch
Dù đạt được kết quả bước đầu song sản phẩm du lịch của một số địa phương chưa thực sự hấp dẫn du khách. Ở các di tích, lượng khách đi du lịch chủ yếu vào đầu xuân. Nhiều khu, điểm du lịch thiếu bãi đỗ xe, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ ẩm thực, khu mua sắm.
Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng ở một số nơi còn manh mún, chưa chuyên nghiệp; nhiều tuyến đường giao thông còn hẹp; thiếu nhà vệ sinh. Đơn cử như ở Khe Rỗ-một thắng cảnh đẹp tại xã An Lạc (Sơn Động), dù HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc được thành lập song chỉ có 7-8 thành viên tham gia; quy mô nhỏ.
6 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến tỉnh Bắc Giang đạt hơn 900 nghìn lượt; trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 11 nghìn lượt. Công suất sử dụng phòng lưu trú đạt hơn 75%. |
Nếu lượng khách từ 70- 80 người có nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi, HTX khó bố trí địa điểm phục vụ. Do không có dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn, khách thường đi trong ngày, ít lưu trú, mức độ chi tiêu thấp. Đường từ đình Xuân Lung đến khu du lịch bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) dài khoảng 2km, nếu 2 xe khách 45 chỗ đi ngược chiều rất khó qua.
Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, Địa điểm chiến thắng Xương Giang, chùa Bổ Đà-những nơi đã được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh song chưa có những mô hình trưng bày, biểu diễn thực cảnh hoặc dịch vụ tiện lợi đi kèm.
Trong Kế hoạch 298, ngày 28/6/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 112, ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định phát triển 4 sản phẩm du lịch chính của tỉnh gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf; du lịch cộng đồng.
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch Tây Yên Tử, gắn với "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; xây dựng phát triển "Du lịch Tây Yên Tử” thành thương hiệu du lịch của Bắc Giang. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án KDL sinh thái, nghỉ dưỡng Khe Hang Dầu (Yên Dũng). Mời gọi đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao tại TP Bắc Giang, các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lục Ngạn.
Thu hút đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, phát triển du lịch golf... Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phát triển du lịch tỉnh cho biết, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu vào năm 2025 đón khoảng 3 triệu lượt khách du lịch. Tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch.
UBND tỉnh tập trung các nhiệm vụ, giải pháp như: Thuê chuyên gia tư vấn có uy tín trong nước, quốc tế lập quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm có tiềm năng lớn; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch.
Chỉ đạo các đơn vị liên quan bồi dưỡng tập huấn về nghiệp vụ lữ hành; kỹ năng giao tiếp, ứng xử, quản lý, điều hành du lịch cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch.
Được biết, tháng 6/2022, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng KDL tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). Theo đó, KDL kết hợp tổng hòa các yếu tố văn hóa, lịch sử, sinh thái của vùng Tây Yên Tử, tạo điểm nhấn du lịch của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.
Không gian của KDL phân thành 7 khu với những công trình tiêu biểu, khu vui chơi, nghỉ dưỡng độc đáo như: Công viên Phật giáo thế giới; sa bàn con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông; các khu dịch vụ văn hóa, ẩm thực dân tộc; khu cắm trại ngoài trời không gian mở; khu nghỉ dưỡng cao cấp bên suối, trong rừng; sân khấu thực cảnh.
Với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cùng sự chung sức đồng lòng của doanh nghiệp và người dân, Bắc Giang đang nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch sức hấp dẫn hơn đối với du khách. Từ đó góp phần tạo việc làm cho lao động các địa phương, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Theo Báo BGĐT (NQ)
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.