Chú trọng nhân điển hình cơ quan, doanh nghiệp văn hóa
- Cập nhật: Thứ ba, 2/8/2022 | 10:01:57 AM
Xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” là phong trào thi đua đang được triển khai tích cực. Phong trào góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công việc, xây dựng môi trường làm việc văn minh, thân thiện.
Công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
|
Hướng đến lợi ích người dân, công nhân lao động
Phong trào xây dựng "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đạt chuẩn văn hóa" là một trong những nội dung quan trọng của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Công nhân làm việc tại Trung tâm mẫu, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG. |
Để được công nhận đạt chuẩn văn hóa, cơ quan, đơn vị phải có 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt danh hiệu Lao động tiên tiến trở lên; không mắc tệ nạn xã hội; không hút thuốc lá nơi công sở; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở, nội quy, quy chế làm việc, cải cách hành chính; cơ quan xanh-sạch-đẹp.
Đối với DN phải hoàn thành chỉ tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đề ra hằng năm; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người lao động; tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội…
Cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) có 31 cán bộ, công chức, người lao động. Để đạt danh hiệu cơ quan văn hóa, phường quán triệt mỗi cán bộ, công chức, người lao động thực thi nghiêm văn hóa công vụ, trong ứng xử, giao tiếp với công dân, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chấp hành nội quy, giờ giấc làm việc.
Bộ phận một cửa của phường niêm yết thủ tục hành chính để người dân theo dõi, nắm bắt; treo bảng cam kết "5 không" (không gây phiền hà, không kéo dài thời gian giải quyết, không cửa quyền hách dịch, không gợi ý đòi hỏi bồi dưỡng, không đùn đẩy trách nhiệm) của cán bộ công chức, viên chức. Phường bố trí khu vực đọc sách phục vụ công dân trong lúc đợi làm thủ tục. Nhiều năm liền, cơ quan được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Bà Nguyễn Thị Tần, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Hằng tháng, cơ quan kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, xếp loại thi đua lao động của từng cá nhân, đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những việc còn hạn chế.
Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) là DN nhiều năm đạt danh hiệu văn hóa. DN hiện có hơn 4 nghìn công nhân đang làm việc. Công đoàn thường xuyên phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Các ngày làm việc, công ty duy trì tặng sữa cho công nhân để tăng cường sức khỏe.
Môi trường làm việc tại các xưởng sản xuất văn minh, có đầy đủ ánh sáng, quạt mát. Công nhân được nghe những bản tin phát thanh phổ biến kiến thức hôn nhân, gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống dịch Covid-19; phòng, chống cháy nổ.
Anh Trịnh Quang Hiếu, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Hiện 6 xí nghiệp của DN đều có công đoàn bộ phận với 130 tổ trưởng luôn bám sát hướng dẫn của công đoàn cấp trên, triển khai các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên. Thu nhập bình quân của người lao động từ 8-9 triệu đồng/người/tháng.
Lan tỏa phong trào
Để phong trào thực sự lan tỏa, Ban chỉ đạo (BCĐ) Phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và Công tác gia đình" các cấp quán triệt nghiêm các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Đầu năm, các đơn vị đều đăng ký danh hiệu phấn đấu, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, gắn với việc đăng ký thi đua của mỗi cá nhân, làm căn cứ để đánh giá, bình xét.
Các đơn vị đều chú trọng xây dựng nền nếp làm việc trong cơ quan, phong cách làm việc của cán bộ, nhân viên gắn với các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sở Nội vụ là đầu mối triển khai và thẩm định để công nhận "cơ quan đạt chuẩn văn hóa” đối với các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn TP Bắc Giang với tổng số gần 80 đơn vị.
Năm 2021, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, DN được công nhận chuẩn văn hóa đạt 74% (tăng 3% so với năm 2020). Đặc biệt, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đã tuyên truyền, vận động được 33 DN nước ngoài tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng DN đạt chuẩn văn hóa.
Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đã tuyên truyền, vận động được 33 DN nước ngoài trong các khu công nghiệp tỉnh tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng DN đạt chuẩn văn hóa. |
Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 1,9 nghìn cơ quan, đơn vị, DN đăng ký đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ gần 85%. Phong trào đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần khích lệ, động viên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng môi trường làm việc văn minh.
Theo Đề án nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó tiếp tục quan tâm xây dựng các mô hình điển hình cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa để tạo sức lan tỏa, làm động lực thúc đẩy phong trào.
Tổ chức phát động xây dựng DN văn hóa, đặc biệt quan tâm đến các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đưa nội dung xây dựng "Cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa” vào tiêu chí bắt buộc để đánh giá xếp loại người đứng đầu và xét thi đua, khen thưởng hằng năm đối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương. Toàn tỉnh xây dựng từ 10% cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu trở lên.
Nhằm nhân rộng phong trào, các điển hình, ngoài danh hiệu các cơ quan, đơn vị đạt các tiêu chuẩn theo quy định; mỗi năm, Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng tối thiểu 10 cơ quan, đơn vị, 20 trường học, 10 DN đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu do BCĐ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa và Công tác gia đình" các huyện, TP đề nghị, đồng thời tổ chức tuyên dương các điển hình phù hợp với tình hình cụ thể.
Theo BGĐT (NQ)
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.