Chương trình truyền hình “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” khắc sâu tình đoàn kết, hữu nghị Việt-Lào
- Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2022 | 2:15:21 PM
Chương trình truyền hình đặc biệt “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” góp phần giúp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ 2 nước Việt Nam và Lào, thấu hiểu và cảm nhận rõ hơn về tình cảm mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có của 2 đất nước, 2 dân tộc Việt-Lào anh em.
Tiết mục biểu diễn tại chương trình. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
|
Tối 29/8, tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022), Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Lào, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình truyền hình đặc biệt "Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Chương trình nhằm tôn vinh tầm vóc và giá trị đặc biệt của mối quan hệ Việt-Lào, tri ân công lao của Đảng, Nhà nước, chiến sĩ và nhân dân 2 nước trong sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập nước nhà, đồng thời nhắc nhớ truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Tham dự chương trình có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Lào; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị của Quốc hội.
Cùng dự còn có các cựu chiến binh Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào; các cán bộ, chuyên gia đã và đang công tác tại Lào của Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng; các học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Lào hiện đang học tập tại Việt Nam...
Là 2 nước láng giềng gần gũi, cùng uống chung dòng nước sông Mê Công, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, Việt Nam và Lào có truyền thống bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của 2 dân tộc.
Cùng cháy bỏng khát vọng độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong cùng các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của 2 nước đã chung tay gây dựng, gìn giữ và dày công vun đắp cho tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết gắn bó chặt chẽ và liên minh chiến đấu của cách mạng 2 nước.
Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt đối với mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào, là năm được lãnh đạo 2 Đảng, 2 Nhà nước chọn làm "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam”, nhằm thiết thực kỷ niệm sự kiện trọng đại 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022).
Tiết mục biểu diễn tại chương trình khắc họa tình đoàn kết, chiến đấu chung một chiến hào của quân dân 2 nước Việt-Lào anh em. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Chính vì vậy, chương trình truyền hình đặc biệt "Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” là một trong những hoạt động thiết thực góp phần để nhân dân 2 nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tình cảm mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có của 2 đất nước, 2 dân tộc anh em.
Chương trình truyền hình đặc biệt "Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” gồm 5 phần: Tình hữu nghị trăm năm; Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho quan hệ Việt-Lào; Liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào - biểu tượng của mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt; Hợp tác giáo dục đào tạo-du học sinh; Tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện.
Tại chương trình, khán giả được thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc do các nghệ sĩ Nhà hát Ca, múa, nhạc quân đội biểu diễn, ca ngợi tình cảm thủy chung, son sắt, của 2 dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, cùng gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong những năm tháng đấu tranh chống thực dân, đế quốc, cũng như trong quá trình đổi mới, hội nhập ngày nay.
Bên cạnh đó, khán giả cũng được gặp gỡ với các khách mời tại trường quay, những nhân chứng sống về mối quan hệ mẫu mực, trong sáng, thủy chung, gắn bó giữa Việt Nam và Lào. Đó là Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, năm nay dù đã 103 tuổi nhưng vẫn nguyên vẹn những cảm xúc khi nhắc đến những câu chuyện về nước bạn Lào, về những năm tháng gian khó nhưng đầy hào hùng khi chiến đấu bên cạnh các đồng chí, đồng đội trong quân đội Pathet Lào.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương và Tiến sĩ Singthong Singhapannha chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Đó là Tiến sĩ Singthong Singhapannha - Trưởng Ban phụ trách Bảo tàng Kaysone Phomvihane, người có nhiều năm nghiên cứu về mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, cùng vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane trong đặt nền móng cho quan hệ 2 nước.
Đó cũng là những câu chuyện xúc động của ông Tào Văn Thái, nguyên Tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Lào trong hơn 8 năm công tác, với nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều thế hệ lãnh đạo Lào, đều là những người đã kề vai sát cánh với quân tình nguyện Việt Nam trong khói lửa, đạn bom.
Chương trình cũng đem đến cho người xem những khoảnh khắc xúc động trên sân khấu, khi các lưu học sinh Lào tại Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến gian khó được gặp lại các thầy cô của mình sau nhiều năm xa cách. Những gì còn lưu lại trong ký ức của các lưu học sinh Lào thuở ấy không phải là những khó khăn, vất vả, mà là tình cảm rất đỗi nồng hậu, là sự sẻ chia, đùm bọc của những thầy giáo, cô giáo Việt Nam.
Hình ảnh những cô gái Sầm Nưa được khắc họa trên sân khấu chương trình. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Xen kẽ các tiết mục biểu diễn và các câu chuyện của khách mời tại trường quay là những phóng sự được thực hiện tại nước bạn Lào, khắc họa đậm nét tình hữu nghị trăm năm giữa 2 nước, tình cảm của người dân Lào với Bác Hồ kính yêu, những ký ức xúc động của các cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào khi thăm lại chiến trường xưa, cùng những kỷ niệm không bao giờ quên trong hành trình của các lưu học sinh Lào trở về Việt Nam.
Việt Nam và Lào không chỉ là 2 nước láng giềng, mà là "2 nước anh em, đồng chí" như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Những thành quả hợp tác to lớn đạt được của quá khứ và hiện tại chính là hành trang quý báu của 2 dân tộc, là cơ sở vững chắc để các thế hệ Việt Nam-Lào hôm nay và mai sau tiếp tục phát huy, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.