Biết là cần nhưng vẫn băn khoăn
Chính vì cần nên từ 16 năm trước, thậm chí là trước cả thời điểm năm 2006 nhiều năm, những người làm điện ảnh đã đề cập đến Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Nhưng cũng như nhiều nghệ sĩ điện ảnh, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã luôn cười buồn khi nói đến nỗi băn khoăn của mình. Bởi theo bà, quỹ gì thì cũng phải được hình thành, duy trì và hoạt động dưới sự quy định và bảo trợ của pháp luật. Không có quỹ hỗ trợ thì dòng phim độc lập, giàu sáng tạo mang tính tiên phong, nhưng cũng dễ dàng lệch hướng, sẽ bị thả nổi, bị đối xử thiếu bình đẳng khi phải cạnh tranh với những dòng phim khác trong một liên hoan không dành riêng cho họ. Nhưng nếu Quỹ không được điều hành đúng luật, công khai, minh bạch thì tính khả thi thấp, tiêu cực xảy ra và các nghệ sĩ tài năng và tự trọng sẽ quay lưng với Quỹ.
Đồng quan điểm, đạo diễn phim Bùi Tuấn Dũng cũng đề cập đến sự minh bạch của Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Theo anh, muốn Quỹ không biến thành "gói chia chác” thì việc hỗ trợ cho các dự án phim nên được thực hiện bằng những cuộc thi công khai. Theo đó, từ khâu ý tưởng, kịch bản đến dự án sản xuất phải được xét duyệt minh bạch. Phải có người đeo bám, chịu trách nhiệm với dự án ở mỗi giai đoạn và toàn dự án. Tuy nhiên, theo Bùi Tuấn Dũng, việc đầu tư cho dự án phim cũng mới chỉ là đầu tư vào ngọn. Muốn phát triển điện ảnh bền vững cần đầu tư cho nền tảng, đầu tư gốc, trong đó đào tạo tài năng là vấn đề mấu chốt.
Là đạo diễn phim độc lập, từng lăn lộn đến "ứa máu” để tìm kiếm kinh phí cho những đứa con tinh thần của mình, đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định: "Với tôi, việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh bây giờ cũng không còn khả thi. Tại sao ư? Bởi điều này đã được nói trong suốt một thời gian dài, tới 16 năm nhưng vẫn chỉ trên giấy. Việc lập Quỹ, quản lý Quỹ rồi đầu tư vào đâu... chắc còn dài lắm! Mà Quỹ thì chắc chỉ tập trung vào phim độc lập hoặc cho các nhà làm phim trẻ, sinh viên. Cái này, có tính chất hỗ trợ phát triển ban đầu và thiếu thiết thực với thời điểm hiện tại. Tôi thấy không hợp lý nữa. Theo tôi, thay vì việc thành lập quỹ để hỗ trợ cho những bộ phim độc lập thì nên tập trung đầu tư hoặc thành lập Quỹ đầu tư cho điện ảnh để nắm bắt những cái đang có, phát triển nó lên thay vì làm từ đầu”.
Cái đang có mà đạo diễn Lương Đình Dũng đề cập là hiện tại năng lực sản xuất của tư nhân đã được nâng cao. Thay vì để họ tự bơi, tự sản xuất và khi có thành tựu thì ghi nhận đó là thành công của điện ảnh Việt, thì hãy có chiến lược để các nhà sản xuất phim được hưởng quyền lợi công bằng như nhau khi được tham gia đấu thầu những dự án phim do Nhà nước đầu tư. Đứng trước các dự án phim, mọi người đều công bằng như nhau, cạnh tranh và dành chiến thắng bởi năng lực, sự khả thi trong kế hoạch thực hiện dự án và kết quả là hiệu quả bộ phim mang lại. Thế nên, theo đạo diễn Lương Đình Dũng, hãy nhìn vào thực tế của điện ảnh Việt để hoạch định chính sách và đẩy mạnh nội dung nào trước.
Đừng để Quỹ chỉ nằm trên giấy
Dù chỉ là một nội dung trong Luật Điện ảnh bổ sung, sửa đổi là Quỹ hỗ trợ điện ảnh thì cũng phải để nội dung này có đời sống thực tế của nó. Nếu thật sự coi trọng công nghiệp văn hóa mà điện ảnh là một nội dung của nền công nghiệp không khói này thì Nhà nước nên mạnh dạn đầu tư cho Quỹ. Cấp kinh phí; cho cơ chế để huy động kinh phí và xây dựng cơ chế điều hành, quản lý quỹ một cách minh bạch. Mong ước của các nhà làm phim thì nhiều, nhưng trước giờ chưa có, 16 năm rồi vẫn nằm trên giấy thì hãy cứ làm những nhiệm vụ "be bé” là đầu tư cho các dự án phim độc lập, phim của giới trẻ.... để "thành đường” trước đã. Một khi đường đã thành, quỹ đã được vận hành dù chậm trễ, dù chật vật bởi đường xấu, nhiều vật cản... thì vẫn tạo ra những tín hiệu tích cực rằng, Nhà nước quan tâm đến điện ảnh và những điều luật được xây dựng là để thực thi trong thực tiễn chứ không phải nằm trên giấy.
Điện ảnh không đơn thuần chỉ để giải trí mà nó thật sự là ngành kinh tế mang lại lợi nhuận cho đất nước. Nó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Nó thật sự là ngành có "thế lực” trong nhóm các ngành làm nên diện mạo của nền công nghiệp văn hóa của mỗi quốc gia. Đầu tư cho điện ảnh bao nhiêu thì đủ, theo đạo diễn Lương Đình Dũng "300 tỷ đồng/năm” là con số không quá viển vông. Bởi, cái lợi mà điện ảnh mang lại rất lớn, nếu thật sự coi trọng điện ảnh, nhìn thấy lợi ích to lớn này để đầu tư bài bản từ gốc, đến ngọn. Còn nhà lý luận phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Điện ảnh ngậm ngùi: "Quỹ thì tốt rồi... Nhưng lúc này, tôi chỉ mong ngành điện ảnh có một đầu tàu thật khỏe, vận hành thật tốt...”.
Cũng băn khoăn về việc điều hành Quỹ, đạo diễn Nguyễn Trọng Hải gợi ý nên tham khảo cách làm của các nước như Mỹ, Pháp, Đức. Và dù có ngại vấn đề "xin-cho” thì việc thành lập hội đồng xét duyệt là cần thiết để bảo đảm tính khách quan đối với mỗi dự án phim được hỗ trợ đầu tư.