Bắc Giang: Phát lộ nhiều di vật quan trọng trong quần thể di tích Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2022 | 9:38:10 AM
Ngày 29/9, tại Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp với Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại các chùa: Nghĩa Trung, xã Nghĩa Trung (Việt Yên); Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương; chùa Cao, xã Khám Lạng (Lục Nam).
Quang cảnh hội nghị.
|
Di tích chùa Nghĩa Trung (chùa Phượng Hoàng) nằm trên lưng chừng và đỉnh núi Phượng, thuộc thôn Yên Sơn. Tại đây, các nhà khảo cổ đã mở hai hố khai quật với tổng diện tích 500m2, phát hiện tổng số 9 di tích, gồm 4 di tích thời Trần (kiến trúc tháp, nền sân gạch, bó nền kiến trúc và bậc lên xuống) và 5 di tích thời Lê Trung Hưng (bồn hoa, rãnh nước, móng tường, cụm gốm).
Một số di vật được phát lộ sau đợt khai quật tại chùa Nghĩa Trung. |
Trong đó, tiêu biểu là di tích kiến trúc tháp và kiến trúc phụ thời Trần còn lại tại đây là minh chứng cụ thể, rõ nét cho một số công trình vào thế kỷ XIII-XIV. Các di tích phát hiện được cho thấy, chùa Nghĩa Trung có vị trí quan trọng trong hệ thống các di tích ở phía tây dãy núi Yên Tử với giá trị lịch sử quan trọng, phản ánh quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc với sự xuất hiện của di vật trải qua các thời kỳ lịch sử liên tục.
Hố khai quật tại chùa Hồ Bấc được mở trên phần lớn diện tích cấp nền trên cùng và khu vực phía Bắc cấp nền ba. Căn cứ vào diễn biến địa tầng và hệ thống di vật thu được cho thấy, chùa Hồ Bấc được xây dựng từ thời Trần, được trùng tu, tôn tạo vào thời Lê Trung Hưng và tiếp tục tồn tại đến thế kỷ XIX. Đợt khai quật đã cung cấp những tư liệu chân thực, bù đắp những thiếu hụt, giúp làm rõ diễn biến hình thành và tồn tại cũng như cấu trúc, quy mô, sự biến chuyển của ngôi chùa qua các thời kỳ.
Trong đợt khai quật chùa Cao, các nhà khảo cổ đã phát lộ nhiều loại hình di tích gồm: Di tích kiến trúc, móng bó nền, bó nền, rãnh nước, nền đầm, cụm gốm. Trong đó, quan trọng nhất là làm xuất lộ 3 kiến trúc thời Lý (thế kỷ XI, XII). Đây là những tư liệu quan trọng để khẳng định các kiến trúc xây dựng ở trung tâm vùng đất Châu Lạng mang đầy đủ các yếu tố và tính chất của cung điện, hoàng gia do triều đình xây dựng.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, đợt khai quật tại 3 di tích (kéo dài từ ngày 10/4 đến 29/5/2022) đã tìm ra nhiều dấu tích quan trọng, bổ sung tư liệu lịch sử, văn hóa để xác định diễn biến tầng văn hóa, quy mô của các địa điểm trong quần thể di tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn trao đổi tại hội nghị. |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội cho rằng, một số hố khai quật trong đợt này có sự xáo trộn và tác động mạnh của các hoạt động xây dựng, san lấp, canh tác trong thời kỳ hiện đại. Điều này làm mất đi cơ bản lớp văn hóa thời Trần và phá hủy trực tiếp lớp văn hóa thời Lý. Do vậy, ông đề nghị tỉnh Bắc Giang quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch di tích, có định hướng nghiên cứu phù hợp nhằm bảo đảm tính toàn vẹn của di tích trên mặt bằng kiến trúc văn hóa.
Đại diện các đơn vị chủ trì hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đề nghị đoàn khai quật khẩn trương hoàn thiện báo cáo, củng cố hồ sơ, bảo đảm tính toàn diện, xác thực, phù hợp của các nguồn tư liệu sau đợt khai quật. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ các hố khai quật trong thời gian chờ kế hoạch bảo tồn di tích cụ thể; xem xét mở rộng diện tích khai quật, giúp phát lộ thêm nhiều di tích, di vật có ý nghĩa, bổ sung tư liệu cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tương lai.
Được biết, đợt khảo cổ các di tích này là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Tây Yên Tử là Di sản thế giới của tỉnh Bắc Giang và hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương.
Theo BGĐT (NQ)
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.