Hàng loạt di tích cổ xuống cấp nghiêm trọng, Hội An lên phương án tu bổ
- Cập nhật: Thứ năm, 6/10/2022 | 3:47:10 PM
Sau khi phát hiện 45 di tích đang xuống cấp, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) đã đưa ra nhiều giải pháp tu bổ, chống đỡ nhằm đảo bảo an toàn cho hàng loạt di tích này.
Trước nguy cơ Chùa Cầu có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vì xuống cấp, TP.Hội An đã phải chống đỡ dưới gầm cầu
|
Ngày 6.10, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An (TP.Hội An) cho biết từ đơn vị đã phối hợp cùng các địa phương, đội ngũ cộng tác viên bảo tồn di sản rà soát danh mục các di tích xuống cấp trong khu phố cổ, đánh giá tình trạng xuống cấp của từng di tích để đề xuất các giải pháp chằng chống các vị trí xuống cấp hoặc di dời, hạ giải các di tích có nguy cơ sụp đổ để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2022.
Qua khảo sát tại phố cổ Hội An, đơn vị phát hiện 45 di tích xuống cấp. Trong đó, có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng và 13 di tích xuống cấp nhẹ.
Sau khi khảo sát, trung tâm hỗ trợ chống đỡ 5 di tích (nhà số 65, 68, 50/9 đường Trần Phú, nhà số 71/4 Phan Châu Trinh, sửa chữa cổng vào nhà 56/10 Lê Lợi) trước mùa mưa bão. Ngoài ra, các chủ nhà tự chống đỡ bổ sung 27 di tích.
Ngoài những di tích xuống cấp được chống đỡ, trung tâm đề nghị hạ giải 13 di tích vì không còn khả năng chống đỡ, hiện nay xuống cấp rất nghiêm trọng, không còn giải pháp khả thi để tiếp tục chống đỡ.
Ngoài ra, trung tâm đề nghị UBND các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong thông báo đến các chủ di tích thuộc diện xuống cấp, có biện pháp chủ động kiểm tra, tự chống đỡ cho di tích của mình; đồng thời tiếp tục rà soát các di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trên địa bàn quản lý.
Trong trường hợp các chủ di tích phát hiện có sự xuống cấp ngoài danh mục đã khảo sát, cần thông báo đến trung tâm để có kế hoạch khảo sát kịp thời, đề xuất phương án chống đỡ cho di tích đó.
Đối với 13 di tích được đề xuất hạ giải, trung tâm đã làm việc cùng với các phòng, địa phương liên quan để thống nhất hướng xử lý phù hợp. Tuy nhiên, việc hạ giải di tích là khó khả thi, sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu phố cổ nên đơn vị đã có phương án cụ thể trình báo lên các cấp có thẩm quyền.
Cũng theo Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong số các di tích xuống cấp nghiêm trọng, không còn giải pháp chống đỡ để duy trì sự ổn định lâu dài cho di tích (nhà 71/24 Phan Châu Trinh, nhà 56/10 Lê Lợi, nhà 12/11 Bạch Đằng, nhà 76/18 Trần Phú).
Trung tâm cho rằng, ngoài cơ chế hỗ trợ tu bổ di tích đã được quy định, UBND TP.Hội An cần đề xuất thêm cơ chế đặc biệt để thực hiện việc tu bổ cho các di tích trong thời gian sớm nhất và hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ.
Theo thống kế, hiện toàn khu phố cổ Hội An hiện có hơn 1.100 nhà cổ hàng trăm năm tuổi.
Chuyên gia Nhật Bản giúp tu bổ Chùa Cầu
UBND TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức lễ ký kết hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.
Tỉnh Quảng Nam cho rằng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, chắc chắn rằng di tích Chùa Cầu sẽ được tu bổ tốt nhất. Những giá trị của di tích sẽ được bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai.
Chùa Cầu được người Nhật dựng xây ở phố cổ Hội An vào đầu thế kỷ 17. Trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp từng ngày.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ di tích Chùa Cầu với tổng cộng giá các gói thầu gần 20 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP.Hội An bố trí 50%.
UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt, đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.