Mưa sang xuân
- Cập nhật: Thứ ba, 3/1/2023 | 3:45:07 PM
Chiều cuối năm. Anh bần thần đứng lặng trên bờ đê cao. Nắng cuối chiều đang lụi dần, hiu hắt một màu vàng nhạt trải mỏng mảnh trên dòng sông quê. Cây si cổ thụ già nua trầm ngâm buông râu chấm xuống tận nước sông. Núi con Rùa thấp thoáng mờ xa trong khói lam chiều kéo anh về với ký ức một thời nhớ nhung da diết.
Minh họa: Hà Mi.
|
Bến sông Vân vắng khách, con đò con hững hờ neo bến đậu, quán nước bà Tèo dưới gốc cây si không còn nữa làm cho anh nuối tiếc, hoài niệm khắc khoải tuổi thơ. Vậy là anh đã về bến sông xưa, về làng Yên Hạ sau mười lăm năm phiêu du nơi đất khách quê người.
- Đò ơ... ơ... ơi.
Dòng sông im ắng, ủ ê trong chiều vắng bỗng bừng lên vọng lại tiếng gọi đò của anh. Một con chim lẻ đàn đi kiếm ăn xa đang về vụt cánh bay lên chấp chới trên mặt sông quê. Người đàn ông lái đò gầy đen lạ hoắc chống cây sào đẩy thuyền rời bến. Một cái mũ cối bộ đội chụp trên đầu, kéo sập xuống trán anh ta tùm hụp. Anh đã thoáng bắt gặp ánh mắt anh ta sáng lên khi chạm phải cái nhìn của anh.
- Bác lái đò ngang lâu chưa? - Anh hỏi.
- Ô. Dễ bác lần đầu qua đây? Năm, sáu năm nay em vẫn cầm chèo lúc rỗi rãi. Nhưng mà cũng sắp nghỉ rồi.
- Sao vậy? Hay là bác chán đò?
- Thế ra bác không để ý à. Vật đổi sao dời rồi. Con đò rách của em cũng sắp đến ngày làm củi. Người ta đang xây cầu vĩnh cửu kia kìa.
Anh nhìn lên phía thượng nguồn sông Vân. Cách bến đò ngang vài trăm thước, mấy mố cầu đang xây lấp lóe ánh lửa hàn. Thợ làm cầu chiều cuối năm chưa nghỉ. Một cái ca nô đang rẽ nước dạt vào bờ sông đổ đá hộc. Không chỉ tiếng gọi đò của anh lan trên mặt sông mà anh còn cảm nhận được dưới đáy con sông quê đang có sóng và cả sóng ở trong lòng anh nữa.
- Tết năm nay, người đi xa có trở về làng nhiều không bác?- Anh lại hỏi.
- Về hết. Thằng cu Tũn đi du học ở Úc về chiều hôm qua. Nó cao, to to là, mặc đồ tây com lê, thắt ca la vát xuống đò mà em không nhận ra. Thằng Cột, thằng Kèo, con Hĩm, con Na, thằng Ổi, con Mít đi làm ăn tận Sài Gòn, Tây Nguyên cũng lần lượt qua đò về làng. Chỉ còn thằng Cò con ông Vạc là chưa về.
Lòng anh bỗng thắt lại. Câu chuyện của người lái đò cứ như những mũi kim chích vào tim anh thon thót. Anh muốn kêu lên: Thày Vạc ơi! U Vạc ơi! Con đã về đây rồi. Nhưng cổ họng anh cứ nghẹn lại. Còn người lái đò thì cứ như vô tình với nỗi đau của anh.
- Thằng ấy bỏ bố mẹ, bỏ làng đi từ cái năm vỡ đê sông Vân; dững mười lăm năm rồi. Tết năm nào mẹ nó cũng khóc. Cứ chiều ba mươi là bà Vạc ra bến sông đứng ngóng con về. Một năm, hai năm... mười năm, rồi mười hai năm…, bà ấy chờ đến chuyến đò cuối cùng của chiều cuối năm. Thôi đò chiều kịch bến rồi. Có dễ bác là người sang đò muộn nhất chiều nay.
Lúc này thì lòng anh rưng rưng. Anh vội lén quay mặt đi lau nước mắt. Anh nhảy vội lên bờ, bước đi như bước trên không trung. Bao năm qua, biền biệt làm ăn nơi đất khách quê người, lúc ở nơi này lúc đến chỗ kia. Ngày nghe tin u ra đi anh đã không kịp trở về.
Mắt anh nhòa đi. Những tháng ngày còn bé bên u đã xa vụt trở về. Chợ ba mươi Tết họp từ sáng đến chiều. U đội thúng cau tươi, thày trảy từ hôm trước. Anh lũn tũn chân trần chạy theo sau. Tiếng trống cơm, nhị hồ, đàn bầu, tiếng hát xẩm lẫn tiếng vịt quác, lợn kêu, tiếng người đi chợ mua bán huyên náo. Thì ra, dưới gốc cây đa cổ thụ ngay đầu chợ đang có một gánh hát xẩm. Người đàn ông mù rất khéo, tay kéo hồ, chân gõ mõ, lúc thì bỏ hồ gảy đàn bầu, đánh trống; có khi còn há hốc miệng hát đế theo ư ử. Một mình ông ta chơi thạo hết các nhạc cụ, biểu diễn bằng cả một dàn nhạc vậy. Người đàn bà cầm một cây nhị kéo và nhẳng dài cổ như cổ cò hát những làn điệu sẩm đượm buồn. Thằng bé chắc cỡ tuổi anh, nhưng mặt già cấc và người nhỏ như nắm cơm, tay cầm cái nón mê ngửa ra xin, nó đi quanh vòng người đã đan kín mít. Thằng bé chỉ chịu quay về chỗ người đàn bà hát khi người đàn ông tom chát rồi gõ dùi vào tang trống báo hiệu chuyển một làn điệu mới. Không hẳn là một cách kiếm tiền mà còn là một hình thức sinh hoạt dân gian lâu đời gắn liền với chợ quê; hình ảnh gánh hát sẩm cứ ám ảnh và đi theo anh suốt những năm tháng dài ở trời Tây. Thằng bé cầm nón mê xin tiền cho gánh hát sẩm ngày xưa, chẳng biết bây giờ số phận nó ra sao? Nó đã lấy vợ và chắc chắn không còn đi hát sẩm nữa, vì khắp cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng không còn ai hát sẩm. Có thể nó đã đi bộ đội và chưa biết chừng đã trở thành sĩ quan cấp tá rồi.
Anh còn nhớ trong lúc u ngồi bán cau tươi và lá trầu không thì anh cứ lân la, rụt rè bên hàng tò he. Sau này ở trời Tây, ngồi một mình trong phòng đón giáng sinh, anh lại nhớ mẹt đựng tò he đến phát khóc. "Thằng này đi chơi cho tao bán hàng ”- Ông lão mặc áo nhuộm củ nâu vừa nặn vừa bán tò he ngày ấy đã gắt lên mỗi khi anh đến gần. Mẹt tò he với những hình người dị biệt và các con giống nhuộm phẩm đủ sắc màu là cả một thế giới lung linh, kỳ ảo trong đầu anh. Anh ước ao u mua cho anh hai con, ba con... không, u mua cả mẹt tò he cho anh chơi cơ. Nhưng ước mơ cũng vẫn là ước mơ. Bán cau xong, u cởi bao tượng móc tiền xu mua cho anh một cái bánh đa và chỉ mua một con tò he. U bảo: "Chơi vậy thôi, nhà mình nghèo, để dành tiền cho u còn sắm Tết”. Về đến nhà, anh đã thấy thày đang sửa soạn và cầm phất trần làm bằng lông gà trống phẩy bụi ở bàn thờ. Thày còn bày bộ tranh Đông Hồ: Gà trống rồi Xuân - Hạ - Thu - Đông ra treo lên tường. Trong lúc chờ làm cơm cúng tất niên, anh tót ra sân đình chơi tò he với thằng Ton con ông Tèo người họ Trần to nhất làng. Ông Tèo chở đò, còn bà Tèo bán quán dưới gốc cây si ở bến sông nên nhà ông có đồng ra đồng vào. Tết đến năm nào thằng Ton cũng có cả mẹt tò he để chơi con nọ đánh con kia. Còn anh chỉ có một con lẻ đàn cô đơn trong túi áo.
Tết năm ấy, thằng Ton thua cả mẹt tò he. Nó tiếc của, tiếc đồ chơi, đòi lại. Lời qua tiếng lại rồi hai đứa đánh nhau. Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ cái trưa ngày ba mươi Tết, bà Tèo dọn hàng về thấy con thua hết tò he, bà tiếc của nên gào từ sân đình về nhà: "Mày ăn kẽo tò he của con bà thì mày phải trả nhá. Không thì bà hò hổng cho hết chiều ba mươi, hết đêm giao thừa, sang ngày mùng một đến ngày mùng hai, hết tháng rộng ngày dài đến năm cùng tháng tận nhá...”. U biết, u bảo anh đem trả, anh lại khóc um lên. Rồi u cũng khóc. U tức mình, u gắt: "Không thèm, đem trả ngay”. Rồi u bớt tiền bán trầu sắm Tết, u bảo chị Gái chạy nháo ra chợ trưa mua hết mẹt tò he của ông lão mặc áo nhuộm củ nâu đem về cho anh.
Đêm giao thừa năm ấy, anh lại thấy u thỉnh thoảng lấy tay áo chùi nước mắt. Còn thày ngồi uống rượu trầm ngâm như suy ngẫm sự đời. Một lúc sau, thày bảo:
- Chuyện trẻ con, đàn bà, chấp làm gì.
- Ông đừng tưởng thế đâu. Cái họ Trần với con dâu họ ấy xưa nay vẫn vậy. Cậy thế họ to, giàu có bắt nạt họ bé, nghèo túng.
U vẫn còn ấm ức.
- Nghèo nhưng thanh bạch, không hèn mới không là kẻ tiểu nhân. U mày chấp với người ta làm gì.
- Nhưng mà tôi không chịu nhục. Tôi rất khoát không để người ta khinh họ nhà ông.
Lần ấy, anh biết như thế nào là giàu sang, nghèo hèn. Càng lớn lên anh càng thấy họ Hoàng nhà anh lép vế. Chỉ mười ba hộ, hơn ba chục đinh họ nhà anh lọt thỏm vào tám chục đinh họ Vũ, ba trăm đinh họ Trần trong làng...
Những năm bôn ba ở trời Tây, anh vẫn nhớ cái hôm ra đi. Hội làng Yên Hạ mở đến ngày thứ ba. Cờ phướn, đuôi nheo, tua rua bay rợp trời cắm dọc con đường từ chùa Cháy đến sân đình. Thày lại dặn dò:
- Con đã lớn rồi. Mọi sự ở đời tùy con định liệu. Thày nói ít. Con hiểu nhiều.
Bác trưởng họ thì bảo:
- Làng này chưa có ai tiến sĩ, giáo sư. Bác giao nhiệm vụ cho cháu Cò. À quên cháu Công. Hừ chúng mày học lên cao là cứ đổi tên lung tung. Bác nói này, học xong đại học ở nước ngoài, cháu phải phấn đấu lấy cái bằng tiến sĩ về cho bác. Cả họ trông mong vào cháu. Cháu phải làm vẻ vang dòng họ Hoàng, lúc cháu về cho cả cái làng Yên Hạ trông vào cháu phải lác mắt. Các họ phải kiềng mặt họ nhà ta.
Cầm tay nải đưa cho anh, u bảo:
- Năm nay, làng bảo: Họ Hoàng tùy tâm mà đóng tiền tế lễ. Còn bao nhiêu các họ khác bổ nhau chịu. U nghe mà đứt cả ruột. Thà họ cứ nói toạc ra là họ nhà mình nghèo, đóng được bao nhiêu thì đóng; còn cho dự ké hội làng cũng đỡ tức. Nhưng mà thôi, u không mong anh mang nhiều tiền của về. U chỉ mong anh học hành đến nơi đến chốn, đi chín về mười là u mừng. Tiền của bao nhiêu ăn tiêu cũng hết. Chỉ có con người là quý nhất thôi.
Chị Gái chả nói gì, chỉ thút thít khóc.
U và chị Gái tiễn anh ra đến tận bến sông Vân. Mới ra giêng, mưa xuân lất phất bay. Dòng sông lững lờ trôi. Anh nhìn trời, nhìn đất, nhìn dòng sông Vân, rồi nghĩ về làng với bao kỷ niệm buồn vui. Buổi chợ và những con tò he, cái nghèo, sự giàu sang với các họ trong làng. Thằng Ton chở đò thay cho thày nó đi hội làng. Đôi vai u lên, cổ ngắn tũn, nó chẳng nói chẳng rằng câu nào, cứ lặng lẽ quẫy chèo. Lúc anh bước khỏi thuyền lên bờ, nó mới bảo:
- Chuyến này mày đi Tây lúc về giàu lắm nhỉ.
- Ừ. Không giàu tao nhất quyết không về làng.
Lúc đó anh đã bật lên lời thề như vậy. Thằng Ton bảo:
- Tao mong mày giữ được lời thề.
Nói rồi nó quay đò, lao sang bờ bên kia. Anh trèo lên bờ đê cao, nhìn về làng Yên Hạ. U và chị Gái vẫn đứng ở bến sông nhìn sang trong buổi sáng tháng Giêng mưa xuân vời vợi nhớ thương.
Những năm sau này, anh cũng không nghĩ rằng mình lại xa quê lâu đến thế. Anh vừa học đại học vừa đi làm thêm để lo cho cuộc sống. Dù học giỏi được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh nhưng anh đã không học lên cao. Bươn trải nơi đất khách, cuộc sống khó khăn quá nên anh chưa thể về làng. Thấm thoắt đã mười lăm năm xa xứ. Bây giờ thì anh đã về đây, về làng Yên Hạ.
- Ối giời ơi! Ai như...
- Chị... chị là ... Ôi! Chị Gá... Gái - Anh nghẹn ngào.
- Cậ... ậ... Cậu...Cò- Giọng chị Gái cũng run lên, ngỡ ngàng.
- Vâ... vâng! Em đây.
- Ông ơi! Nhà ơi! Các con ơi! Cậu Cò về. Cậu Cò về đây này- Chị mếu máo.
- Chị chẳng còn nhận ra. Thế mà người ta cứ đồn cậu tham giàu, đã lấy vợ Tây, ở hẳn bên Tây.
Chẳng mấy chốc người trong họ kéo đến đầy nhà. Ai cũng mừng vui, khen anh ăn cơm tây béo tốt ra. Chỉ phải cái già hơn ngày ra đi nhiều quá. Anh thấy nôn nao trong lòng. Bác trưởng họ giờ đã thành một ông già tóc râu bạc trắng. Ông gật gù:
- Khá. Thằng Cò khá. À quên giờ phải kêu là anh Cò. Mang cái bằng tiến sĩ ra đây bá cáo. Tôi đã định rồi, ngày mười hai ta giỗ họ làm phe là anh phải mang cái tiến sĩ để bá cáo với các cụ ở nhà thờ họ. Ngày xưa là phải vinh quy bái tổ ấy chứ. Vậy là họ Hoàng nhà ta xứng rồi.
- Nhưng chưa bằng họ Trần có anh Tôn đi bộ đội về làm xã đội trưởng đấy. Ông trưởng họ ạ.
Có tiếng của ai đó chen vào.
- Thì họ ta có chị Gái làm chủ tịch xã. Hơn đứt họ Trần cái anh tiến sĩ này. Ra giêng là tôi tổ chức xây nhà thờ họ. Anh Cò là phải đóng phần kinh phí lớn đấy.
Anh không dám nói rằng anh chỉ có bằng đại học thôi, anh bỏ làm tiến sĩ đi buôn bán kiếm sống ở xứ người nên cứ vâng vâng, dạ dạ. Cho đến khuya, mọi người đã về hết thì anh mới nói chuyện với thày. Thày già quá, còn già hơn cả ông trưởng họ. Thày làm mặt giận. Thày bảo:
- Đành rằng anh là người có chí, quyết ra đi tìm cuộc sống mới. Nhưng bây giờ anh có mang bao nhiêu ngọc ngà châu báu về thì u anh cũng mất rồi.
Chị Gái năn nỉ:
- Thôi, con xin thày. Đằng nào thì cậu Cò cũng đã về rồi. Đến mai con đưa cậu đi viếng mộ u.
Anh biết thày giận nhưng thày vẫn thương anh. Anh cứ lặng im nghe thày nói. Và anh lại nhớ đến u, nhớ đến buổi chợ sáng ba mươi Tết ngày trước bên mẹt tò he...
Sắp đến giao thừa, anh hỏi thày:
- Năm nay thày có ra điếm cúng không?
- Anh cũng còn nhớ cơ à? - Thày hỏi lại.
- Con bấm đèn pin cho thày đi nhá.
- Ừ. Ngày trước chỉ có đèn chai thôi.
Thày đi trước, anh xách đồ cúng đi sau. Chị Gái dặn chồng ở nhà vớt bánh chưng ra ép để kịp cúng giao thừa. Tiện đường chị đi cùng đến trụ sở ủy ban để đi chúc Tết Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Phía trước cũng loang loáng ánh đèn pin. Những bước chân tới gần, rồi tiếng chào hỏi, chúc sức khoẻ sớm. Chị Gái giới thiệu anh với xã đội trưởng Tôn. Xã đội trưởng Tôn bảo:
- Chúng tôi gặp nhau lúc chiều ở bến sông rồi.
- Thế ra anh là người đàn ông chèo đò?
- Vâng. Thày tôi giờ yếu rồi. Thỉnh thoảng tôi cũng cầm chèo đỡ cho thày tôi. Như người tập thể dục, lại muốn trở về với ngày xưa.
- Vậy là anh tên là Ton. Ngày xưa anh béo thế, bây giờ thì gầy quá. Anh còn nhớ chơi tò he với tôi, chở đò cho tôi qua sông dạo tôi đi học ở nước ngoài không?
- Thì vưỡn. Tôi nhận ra anh, còn anh thì... Nhưng mà thôi, anh thấy làng xã có thay đổi nhiều không? Anh đã về rồi. Sang xuân tôi sẽ đến chơi. Chúng ta đang có nhiều việc phải làm lắm, chị Gái nhỉ?
Lúc anh và thày anh ở điếm về đến nhà thì tiếng trống đồng trong vô tuyến truyền hình đã vang lên, giao thừa đến. Trên trời có một vệt pháo sáng vụt lên. Ngoài bến sông Vân, phía thượng nguồn vẫn lấp loé ánh lửa hàn. Thợ làm cầu không nghỉ, đón giao thừa trên sông. Ngoài trời bụi mưa đã lất phất bay. Đã bao năm đi xa anh bức bối, chưa được thấy mưa xuân quê nhà. Anh ngửa mặt đón những bụi mưa bay. Lòng anh chợt da diết, bâng khuâng trong tiếng cựa mình rất khẽ của chồi non bật dậy đón mưa sang xuân.
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.