Hội Xuân 2023 giới thiệu nét văn hóa đón Tết các vùng miền
- Cập nhật: Thứ hai, 9/1/2023 | 3:19:34 PM
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9/1 cho biết: “Hội Xuân - 2023” sẽ diễn ra từ ngày 10-15/1 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
|
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), mừng xuân Quý Mão. Sự kiện góp phần tạo không khí vui tươi phấn khởi, có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện tốt cho nhân dân Thủ đô, các vùng lân cận vui chơi, giải trí, qua đó giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong khuôn khổ "Hội Xuân - 2023” sẽ diễn ra triển lãm ảnh "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, giới thiệu đến công chúng khoảng 200 tác phẩm về 3 chủ đề, được trưng bày theo trình tự vùng miền, từ Bắc vào Nam.
Đầu tiên là "Mùa xuân trên các vùng miền đất nước” với những bức ảnh về lễ hội, phong cảnh mùa xuân, đón Tết của nhân dân các vùng miền trên cả nước. Trong đó, Xuân về ở vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc giới thiệu các nghi lễ, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán đón Tết vui xuân đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Tết ở Hà Nội xưa và nay gửi tới công chúng những nét đẹp văn hóa của người Thủ đô với các nghi lễ, phong tục ăn Tết, lễ Tết, chơi Tết và vui Tết đón xuân, chào năm mới. Tiếp đó là phần Huế vào xuân, giới thiệu sắc màu văn hóa Huế với các lễ hội, di tích, danh thắng, nét đẹp truyền thống; sự vươn lên của vùng đất và con người cố đô. Nội dung Xuân về trên vùng đất Tây Nguyên gợi lên hình ảnh các dân tộc Tây Nguyên vui mừng đón năm mới với các hoạt động lễ hội truyền thống, phong tục tập quán; các danh thắng, di tích lịch sử. Tiếp đó là các bức ảnh giới các hoạt động vui tươi đón xuân tại Thành phố Hồ Chí Minh; Xuân về trên miền biên giới, hải đảo với những hình ảnh thắm tình quân dân miền biên giới, hải đảo vui Tết đón xuân.
Nội dung lớn thứ 2 trong triển lãm ảnh mang tên "Xuân Quê hương” với hình ảnh đồng bào Việt Nam đang sinh sống tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về quê đón Tết, tham dự các hoạt động "Xuân quê hương" cùng hình ảnh đón Tết cổ truyền của kiều bào ta ở nước ngoài.
Tiểu cảnh "Hoa xuân” được thể hiện bằng hoa tươi với nhiều hình ảnh trang trí đẹp, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, không chỉ mang đến không khí xuân về mà còn là lời chúc năm mới đầy ý nghĩa dành cho tất cả mọi người.
Ban Tổ chức cũng tái hiện không gian văn hóa du lịch của một số tỉnh, thành phố. Đó là không gian văn hóa, du lịch Lạng Sơn với chủ đề "Kỳ hoa xứ Lạng”, trưng bày giới thiệu hoa đào - loài hoa đặc trưng của Lạng Sơn. Bên cạnh đó là không gian lễ hội, bản sắc văn hóa truyền thống của vùng biên mậu cùng với khu vực check-in vẻ đẹp vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch của Lạng Sơn.
Không gian văn hóa, du lịch tỉnh Hà Giang giới thiệu đến công chúng sắc xuân tươi đẹp của thiên nhiên hùng vĩ với sắc màu hoa của hoa cải, hoa đào, hoa mận... nở rộ trên cao nguyên đá. Nơi đây chính là một bức tranh Xuân với vô vàn cảnh đẹp thật nhiều màu sắc, một Hà Giang tươi mới, rộn ràng.
Không gian văn hóa, du lịch tỉnh Đồng Tháp lại mang đến cho công chúng nét đẹp đặc trưng miền Tây sông nước với sản vật trù phú. Đến với không gian này, du khách có thể khám phá thế giới của các loại hoa như cúc mâm xôi, vạn thọ, đại đóa, hoa sen; thưởng thức những món ăn đậm đà hồn quê dân dã như mắm cá linh, cơm lá sen, bông điên điển…
Khu vực Hội chợ Xuân trưng bày, bán các loại hoa đào đẹp nhất của Lạng Sơn như đào thất thốn, đào kép, đào bích, đào phai, đào bạch. Cùng với đó là khu trưng bày và bán các loại hoa, sản phẩm từ hoa, cây cảnh của các nghệ nhân trồng hoa huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội) như hoa hồng, ly, cúc, loa kèn, mẫu đơn, lay ơn...; các loại hoa lan quý như phi điệp, lan trúc, ngọc điểm, giáng hương. Bên cạnh đó là các gian hàng nông sản, đặc sản chất lượng cao, các sản phẩm OCOP của các vùng miền, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân…
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.