NSND Doãn Hoàng Giang - “đại bàng” của sân khấu đã ra đi

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/1/2023 | 3:53:22 PM

NSND Doãn Hoàng Giang là một tên tuổi lớn của sân khấu Việt Nam hiện đại. Ông góp phần đáng kể để tạo ra thời kỳ hoàng kim rực rỡ của sân khấu giai đoạn thập niên 80, 90 của thế kỷ XX. Ông đã dừng cuộc rong chơi trần gian ở tuổi 85 trong sự thương nhớ của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả, nhưng trong trí nhớ của mọi người, hình ảnh của ông mãi trẻ trung với nụ cười không bao giờ tắt.

NSND Doãn Hoàng Giang.
NSND Doãn Hoàng Giang.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Phát Diệm, Kim Sơn (Ninh Bình), từ nhỏ NSND Doãn Hoàng Giang đã khát khao được làm nghệ thuật.

Con đường trở thành một đạo diễn tên tuổi của ông rất khó khăn, nhọc nhằn, nhưng với tinh thần lăn xả, dấn thân, vượt lên mọi nghịch cảnh của số phận, ông đã gặt hái nhiều thành công, trở thành một đạo diễn sân khấu bậc thầy. Bởi phong thái tự nhiên, dũng mãnh, quyết liệt không ngần ngại đó, ông từng được ví như một cánh chim đại bàng thênh thang sải cánh trên cánh rừng sân khấu.

"Dấu vết” Doãn Hoàng Giang để lại trong hàng trăm vở diễn của nhiều đoàn nghệ thuật khắp trong nam ngoài bắc, ở nhiều thể loại kịch khác nhau trong đó đáng kể nhất là kịch nói, cải lương, chèo.

Ông có công đi đầu trong việc cách tân sân khấu chèo, cải lương, chấp nhận hứng chịu búa rìu dư luận khi từng bị gọi là "kẻ phá chèo”, sẵn sàng bỏ đi những rườm rà không cần thiết, đổi mới cách dàn dựng, kể chuyện để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả hiện đại.

Cách làm của Doãn Hoàng Giang thành công đến nỗi, ở thời điểm rực rỡ nhất, ông làm không hết việc, đi lại như con thoi khắp bắc-trung-nam để dựng vở cho các đoàn nghệ thuật. Tên của ông là bảo chứng cho sự thành công của các vở diễn. Thậm chí có kỳ liên hoan sân khấu, nhìn đi ngó lại, phân nửa số vở diễn của các đoàn tham gia là do NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng.

Bởi phong thái tự nhiên, dũng mãnh, quyết liệt không ngần ngại đó, NSND Doãn Hoàng Giang từng được ví như một cánh chim đại bàng thênh thang sải cánh trên cánh rừng sân khấu.

Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá: "NSND Doãn Hoàng Giang là đạo diễn cuối cùng của thế hệ sân khấu gạo cội có vai trò quan trọng trong hình thành sân khấu Việt Nam hiện đại”.

Doãn Hoàng Giang cho rằng muốn sân khấu có một đời sống lâu bền trong nhân dân, thì các vở diễn phải làm thế nào vừa giữ được cái hồn cốt truyền thống, nhưng cũng phải luôn hiện đại. Vì khán giả mỗi thời mỗi khác, phải làm thế nào để họ hiểu và yêu rồi đến với sân khấu, "giữ lửa” cho sân khấu.

NSND Doãn Hoàng Giang rất chú ý đến thị hiếu công chúng khi dựng vở diễn. Ông biết khán giả muốn gì và luôn mang đến cho họ "món ăn tinh thần” hợp khẩu vị, đồng thời cũng nâng họ lên về mặt văn hóa.

NSND Doãn Hoàng Giang là đạo diễn cuối cùng của thế hệ sân khấu gạo cội có vai trò quan trọng trong hình thành sân khấu Việt Nam hiện đại
------------------

Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

Ông là bậc thầy của những mảng miếng sân khấu, đủ để cho khán giả khóc cười, thỏa mãn khi xem xong vở diễn. Tài năng, kiến thức và trí tuệ luôn giúp ông đi chênh vênh trên sợi dây đổi mới nghệ thuật, hiểu khán giả, mà không khi nào chịu chạy theo cái tầm thường, dễ dãi.

Điều này lý giải vì sao các vở diễn có tên ông trên băng-rôn treo quảng cáo thường dễ bán vé, các đêm diễn thường chật kín khán giả. Nhiều thế hệ nghệ sĩ xem ông như người thầy lớn của mình, một tấm gương về lao động quên mình vì nghệ thuật.

NSND Doãn Hoàng Giang là một người hấp dẫn. Hình ảnh của ông luôn gắn liền với trang phục bụi bặm, áo kaki quần túi hộp, mũ lưỡi trai đen, tóc dài buộc đằng sau và đôi khi là một chiếc khăn quàng cổ điệu đà. Dưới ánh đèn sân khấu, khi chỉ đạo dựng vở, ông tạo ra một niềm cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ.

Con người nhỏ bé về vóc dáng ấy luôn tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực, sáng tạo không biên giới. Ông trẻ trung đến nỗi, các nghệ sĩ trẻ nhất của đoàn nghệ thuật cũng luôn gọi ông là "anh Giang”. Còn cánh nhà báo thì thích nhất là được phỏng vấn Doãn Hoàng Giang. Dù ông nói về nghệ thuật hay bóng đá, hay thú sưu tầm bật lửa Zippo đi nữa thì phát ngôn của ông luôn thú vị, hay đến nỗi "chẳng phải sửa câu nào”.

Con người có dáng vẻ "hippie”, bên ngoài xù xù, lãng tử, có chút gì như bụi đời ấy kỳ thực lại rất hiền. Doãn Hoàng Giang xuất hiện trong các cuộc nhậu chỉ để mang một vài câu chuyện vui, chứ ông không uống bia rượu bao giờ.

Ông rộng rãi, hào hiệp, sống nhân ái với mọi người, không mấy khi quan tâm đến tiền bạc, dù thời kỳ hoàng kim ông là đạo diễn luôn nhận thù lao ngất ngưởng. Ông hay tặng quà, giúp bạn, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Có nhiều chuyện vui bạn bè còn kể về ông chẳng hạn thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi dựng vở đầu tiên được một khoản tiền, ông không mang về cho vợ mà đi tìm bạn bè, biếu một người một ít, rồi số còn lại đi mua chiếc xe đạp tặng cho người bạn khó khăn nhất. Hay có lần đi dựng vở ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông mua đồ đạc vật dụng gia đình thuê hẳn xe tải chở ra bắc, nhưng rồi dọc đường về, mỗi nơi dừng lại thăm bạn ông lại biếu tặng một vài thứ, cho đến khi ra Hà Nội thì đồ đạc trên xe cũng vừa hết.

Hào hiệp, rộng rãi như vậy nên dù bạn bè cùng thế hệ "nhà to cửa đẹp” hết rồi mà ông vẫn chưa xây được ngôi nhà riêng, vì tiền cứ để dành sắp đủ thì giá nhà đất lại vọt lên cao ngất ngưởng. Mãi sau này ông mới dành dụm xây được một ngôi nhà riêng như ý nguyện.

Doãn Hoàng Giang rất quyết liệt trong làm nghề, nhưng ông chẳng có động cơ gì ngoài việc tìm kiếm cái đẹp, tôn vinh cái đẹp. Nói như nhà văn Ngô Thảo, ông là mẫu người "nô lệ cho nghệ thuật”. Quyết liệt, thẳng thắn, sòng phẳng đến cùng nếu bàn về nghệ thuật nhưng cái danh và cái lợi của nghề thì ông rất thờ ơ. Ông không làm đơn xin xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật dù bạn bè đều thấy rằng ông rất xứng đáng. Doãn Hoàng Giang luôn giữ một thái độ vô tư với nghệ thuật.

Ở tuổi 80, sức khỏe yếu, nhưng NSND Doãn Hoàng Giang vẫn không ngừng quan tâm đến sân khấu. Ông vẫn đi dựng vở cho các đoàn khi cần thiết. Vẫn đau đáu câu chuyện làm thế nào để sân khấu quay trở lại thời hoàng kim như nó đã từng.

Trong một bài trả lời phỏng vấn bàn về sân khấu hiện nay ông xót xa: "Những người đẹp nhất không chọn sân khấu, họ chọn nghề khác, vì sân khấu không trả giá "đủ” cho nhan sắc của họ. Bao giờ sân khấu mới trở lại vàng son ư? Đó là khi cuộc đời những người làm sân khấu không bị đói khổ, họ hạnh phúc với nghề nghiệp mà mình lựa chọn”.

Những người đẹp nhất không chọn sân khấu, họ chọn nghề khác, vì sân khấu không trả giá "đủ” cho nhan sắc của họ. Bao giờ sân khấu mới trở lại vàng son ư? Đó là khi cuộc đời những người làm sân khấu không bị đói khổ, họ hạnh phúc với nghề nghiệp mà mình lựa chọn.

---------------

NSND Doãn Hoàng Giang

Nếu mỗi người đến với thế gian này mang theo một sứ mệnh để hoàn thành thì NSND Doãn Hoàng Giang có thể thanh thản trong chuyến đi cuối cùng của mình. Bởi những gì ông để lại trong sân khấu vẫn mãi truyền cảm hứng cho thế hệ làm nghề tiếp nối, với mong muốn sân khấu luôn là thánh đường tôn vinh những giá trị đẹp của đời sống. Vĩnh biệt ông - một người tài hoa, đã đến và đi với cuộc đời, với nghệ thuật, với bạn bè chân thành nồng nhiệt không tính toán.

NSND Doãn Hoàng Giang sinh năm 1938 tại Ninh Bình, mất ngày 16/1/2023.
Trước khi trở thành đạo diễn, ông học lớp diễn viên khóa 1 của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ông đã dàn dựng hàng trăm vở kịch gồm nhiều thể loại, trong đó có nhiều vở nổi tiếng như: "Hà Mi của tôi”, "Nhân danh công lý”, "Bài ca Điện Biên”, "Nàng Sita”, "Đêm trắng”, "Số đỏ”, "Nữ tướng Lê Chân”, "Người mẹ trước vành móng ngựa”...
NSND Doãn Hoàng Giang từng là Tổng đạo diễn tuần liên hoan sân khấu mang tên "Liên hoan nửa thế kỷ sân khấu” nhân kỷ niệm 50 năm sân khấu Việt Nam.
Tháng 8/2007 ông là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Ban Chấp hành Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa 6 (2014-2019).


Lễ viếng NSND Doãn Hoàng Giang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) từ 15 giờ-16 giờ 30 phút ngày 18/1/2023.

Lễ truy điệu vào 16 giờ 30 phút -17 giờ cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển, Hà Nội).
Lễ An táng vào hồi 8 giờ ngày 19/1/2023 tại nghĩa trang Thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn (Ninh Bình).

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục