Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc - Bài 1: Sức sống, giá trị của bản đề cương đầu tiên

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/2/2023 | 10:01:29 AM

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương vào tháng 2/1943.

Gác chuông cổ làm bằng gỗ lim, các mái lợp ngói mũi hài trong đền Thái Vi, thuộc quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN
Gác chuông cổ làm bằng gỗ lim, các mái lợp ngói mũi hài trong đền Thái Vi, thuộc quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN

Với tính chất là một bản đề cương ngắn gọn, ra đời trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng 80 năm qua, những tư tưởng, quan điểm vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc. Từ 3 nguyên tắc "Dân tộc hóa - Khoa học hóa - Đại chúng hóa", hiện nay, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của "Đề cương văn hóa Việt Nam" năm 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết "Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc" nhằm khẳng định sức sống, giá trị của bản đề cương, đồng thời cũng phản ánh thành tựu của đất nước trong hành trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Bài 1: Sức sống, giá trị của bản đề cương đầu tiên

Có thể nói, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến. Đây cũng là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp - Nhật, chỉ ra đường lối văn hóa cách mạng và nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân. Những tư tưởng, quan điểm trong Đề cương đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc.

Soi đường cho quốc dân đi

Theo Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010): Để chống lại chính sách văn hóa phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc,... năm 1943, Đảng ta đưa ra bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943.

Bản Đề cương gồm 5 phần: "Cách đặt vấn đề"; "Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam"; "Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp"; "Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam" và "Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam".

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu: "Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp; nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới. Đề cương đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa – tư tưởng; xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng, cùng với hai mặt trận chính trị và kinh tế.

Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: Cho đến nay, nhiều luận điểm, nguyên tắc, chủ trương của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị, có thể kế thừa, phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Một số giá trị cốt lõi của Đề cương đã được Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan đúc rút. Đó là đặt nền móng lý luận cho sự phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam, góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng, định hướng học thuật cho những người làm văn hóa, tạo nền tảng cho đường lối văn hóa văn nghệ sau này. Thứ hai, Đề cương khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới. Thứ 3 là khả năng dự báo chính xác, tầm nhìn vượt thời gian về tương lai, tiền đồ, sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Tiếp theo, Đề cương đã lôi cuốn, quy tụ, tập hợp được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sỹ tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Đặc biệt, Đề cương có giá trị thực tiễn lớn lao khi chỉ ra ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, đồng thời làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện.

Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan cho rằng: Thực tế đã chứng minh, ba nguyên tắc nêu trên đã góp phần biến nền văn hóa Việt Nam từ một nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân, nô dịch trở thành nền văn hóa độc lập, tự chủ, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sau này.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: Nhìn lại chặng đường lịch sử 80 năm sau khi Đề cương ra đời, chúng ta nhận thấy rằng, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng với những nguyên tắc như dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã thực sự "soi đường cho quốc dân đi", tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia, dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Văn hóa trong kháng chiến là sự kết tinh của tinh thần yêu nước, quyết tâm giải phóng dân tộc, diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, giặc dốt... Đến thời kỳ hòa bình, độc lập, hội nhập quốc tế thì đó là khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, văn hóa làm nên "sức mạnh mềm", bản lĩnh và sự tự tin Việt Nam. Văn hóa cũng kết tinh thành các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, dẫn dắt sự phát triển của mỗi con người và toàn dân tộc, lan tỏa niềm tin, niềm tự hào Việt Nam.

Tiếp theo Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI) được xem là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam. Các văn kiện này đã cụ thể hóa 3 nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương. Trong đó, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sự kế thừa gần gũi nhất của Đề cương, "tiên tiến" thể hiện nguyên tắc khoa học, đậm đà bản sắc dân tộc bổ sung giá trị cho nguyên tắc dân tộc trong Đề cương...|

Xây dựng nền văn hóa độc lập, tự cường và tự chủ

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau Đề cương về văn hóa Việt Nam, năm 1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh quan điểm "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ". Đây là chủ trương vô cùng xác đáng trong bối cảnh đất nước ta vừa giành được độc lập, tự do.

Từ đó đến nay, quan điểm này chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Toàn ngành cũng phấn đấu không ngừng để thực hiện lời dạy của Người.

Ngay từ những ngày đầu, chủ trương độc lập, tự cường và tự chủ đã được toàn ngành quán triệt. Kế thừa "Đề cương văn hóa Việt Nam" năm 1943 với ba nguyên tắc lớn dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa, thì dân tộc hóa chính là cách thức để xây dựng một nền văn hóa độc lập, tự cường và tự chủ. Thực hiện "dân tộc hóa" là nhằm chống lại mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, phá bỏ mọi xiềng xích để văn hóa Việt Nam phát triển độc lập và đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới.

Chủ trương này đã được ngành văn hóa triển khai thực hiện kiên trì, bền bỉ, liên tục. Từ những ngày đầu muôn vàn khó khăn trong công tác "diệt giặc dốt", xây dựng "đời sống mới", xây dựng "con người mới" đến những năm tháng chiến tranh gian khổ chống Pháp, chống Mỹ. Khi hòa bình xây dựng đất nước, các thế hệ trí thức, văn nghệ sỹ, người làm công tác văn hóa đã nỗ lực cống hiến tài năng, trí tuệ, tâm huyết để xây dựng một nền văn hóa độc lập, tự cường và tự chủ, góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc, chống lại tư tưởng tự ti và miệt thị văn hóa dân tộc.

Nhờ đó, một nền điện ảnh cách mạng đã xuất hiện với hàng loạt bộ phim kinh điển có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các Liên hoan phim quốc tế. Còn có một nền âm nhạc cách mạng vừa giàu tính chiến đấu, vừa đậm chất nhân văn, trữ tình; một nền văn học lớn với nhiều cây bút nổi tiếng, không chỉ trong nước mà cả trên văn đàn thế giới. Bên cạnh đó là các thành tựu trong các lĩnh vực sân khấu, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, xuất bản, báo chí, truyền thông…, giúp văn hóa Việt Nam ngày càng khởi sắc, giữ được bản sắc dân tộc trong cơn lốc toàn cầu hóa, vững vàng trước những làn sóng "xâm lăng văn hóa" từ bên ngoài. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, ngoài độc lập, tự chủ, chúng ta cũng chú trọng xây dựng một nền văn hóa tự cường. Để cường thịnh một cách tự tin, chúng ta cũng đã tích cực hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu cho văn hóa dân tộc. Công cuộc giao lưu, hợp tác quốc tế đã giúp văn hóa Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của văn hóa thế giới, tiệm cận với sự phát triển của văn hóa nhân loại, đồng thời quảng bá, nâng cao vị thế của văn hóa dân tộc trên trường quốc tế.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ" và "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", ngành văn hóa tích cực tác động tới nhận thức, tư tưởng, hành động của các Bộ, ngành khác và toàn xã hội về vấn đề này. Cụ thể, với nhận thức "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", ngành văn hóa đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông tổ chức các hình thức giáo dục, góp phần nâng cao trình độ dân trí Việt Nam. Ngành cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao văn hóa, văn hóa đối ngoại để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đồng thời liên kết với các ngành an ninh và quốc phòng trong công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao lòng yêu nước, khí phách anh hùng, độc lập, tự chủ, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.|

Từ những thành quả đã đạt được, toàn ngành luôn tiếp tục phát huy "sức mạnh mềm" của văn hóa, hợp lực cùng các sức mạnh khác để tạo thành sức mạnh quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài 2: Thúc đẩy sự tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc

Theo Báo Tin tức (NQ)

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục