Những bức ảnh quý về một chặng đường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/3/2023 | 7:57:59 AM

80 năm sau khi Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời (1943-2023), tại Thủ đô Hà Nội vừa diễn ra một Triển lãm đặc biệt với 80 bức ảnh được tuyển chọn kỹ lưỡng. Triển lãm cung cấp cho các nhà quản lý, nhà khoa học, đội ngũ thực hành văn hóa, nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân ý nghĩa lịch sử, những giá trị trường tồn và tầm ảnh hưởng của bản Đề cương với sự nghiệp cách mạng của dân tộc suốt 80 năm qua.

Các đại biểu và khách tham quan triển lãm.
Các đại biểu và khách tham quan triển lãm.

Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế và Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương cùng đông đảo người dân. Những bức ảnh trưng bày được chụp và lưu trữ từ năm 1945 đến nay, phản ánh chân thực về sự ra đời và khẳng định tầm quan trọng của bản Đề cương-văn kiện có giá trị lịch sử vô cùng to lớn và sâu sắc của Đảng ta, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nội dung chính đầu tiên của triển lãm là ảnh tư liệu, phần lớn ảnh đen trắng. Trong đó nhiều bức ảnh quý, có giá trị lịch sử đặc biệt đang được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thư viện Quốc gia, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó là các tác phẩm ảnh từ kho tư liệu của các cơ quan thông tấn, báo chí (Thông tấn xã Việt Nam, báo Văn hóa,...).

Việc tập hợp, trưng bày ảnh gắn kết với các sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam được đánh giá là thiết thực, có sức lan tỏa. Rất nhiều khách tham quan, trong đó có nhiều thanh niên, sinh viên đã rất chăm chú và hứng khởi khi chiêm ngưỡng và nghe thuyết minh về bức ảnh chụp toàn văn bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam in trên tạp chí Tiên Phong (cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa cứu quốc) số 1, tháng 11/1945.

Trên đó, ba nguyên tắc cơ bản của Đề cương là "dân tộc hóa”, "đại chúng hóa”, "khoa học hóa” được trình bày rõ ràng, nổi bật. Theo Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Mã Thế Anh, hình ảnh này được chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, là nguyên bản với đầy vết dấu thời gian trên đó. Nhiều tấm ảnh quý về Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946), Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (năm 1948) cũng được giới thiệu và gây ấn tượng với công chúng.

Tham quan triển lãm, người xem cũng có dịp nhìn lại những khoảnh khắc xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người lúc sinh thời luôn quan tâm đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ. Như hình ảnh Bác Hồ đến dự "Triển lãm văn hóa” tại Nhà Khai Trí - Tiến Đức (góc phố Hàng Trống - Lê Thái Tổ, Hà Nội hiện nay) năm 1945; Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị sơ kết của ngành văn hóa năm 1958 và đến thăm Hội chợ tiểu thủ công năm 1958; Bác thổi khèn do nhân dân Châu Yên tặng nhân lễ kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên (1954-1959); Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn tại Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960); Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 (năm 1962) vui mừng đón Bác tới dự…

Không chỉ tham dự các sự kiện trọng đại trong nước và công tác đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành thời gian gần gũi với đời sống, động viên tinh thần các tầng lớp nhân dân ở nhiều địa phương. Điều đó thể hiện trong các bức ảnh về Bác Hồ thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động Lương Yên, thăm Trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng và chơi đàn ghi-ta; Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Thiếu sinh quân tại Việt Bắc trong dịp các cháu họp mặt mừng thọ Người 60 tuổi (năm 1950); Bác Hồ nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội (tháng 11/1961); Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ, bình thơ của các cụ phụ lão và các văn nghệ sĩ tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (tháng 2/1962)...

Những dấu mốc quan trọng khác của văn hóa Việt Nam cũng có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua nhiều thời kỳ. Các phóng viên ảnh kỳ cựu đã ghi lại được hình ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem triển lãm văn nghệ từ miền Nam gửi ra (năm 1968); hình ảnh đồng chí Lê Duẩn xem phòng trưng bày nghệ thuật dân gian tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (năm 1972); hình ảnh đồng chí Trường Chinh xem triển lãm tranh miền nam lần thứ 8 và trưng bày ảnh về Quảng Trị giải phóng năm 1972; những hình ảnh đồng chí Trường Chinh dự buổi gặp mặt kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam (năm 1973) và tặng hoa cho đơn vị đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 diễn ra cùng năm, xem Triển lãm tranh cổ động năm 1973 và nói chuyện với cán bộ, nghệ sĩ tại Triển lãm Điêu khắc năm 1974; hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Linh xem triển lãm thủ công mỹ nghệ toàn quốc lần thứ 2 tại Triển lãm Giảng Võ (năm 1987); hình ảnh đồng chí Đỗ Mười dự Đại hội Điện ảnh toàn quốc lần thứ 3 (năm 1989)...

Kho tàng ảnh tư liệu quý tiếp tục được nối dài với những bức ảnh mới đây, trong giai đoạn mới của đất nước. Đó là hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Hội thảo Văn hóa 2022 chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”; Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”...

Không chỉ có những bức ảnh báo chí mang tính lịch sử mà triển lãm còn dành một không gian cho nghệ thuật nhiếp ảnh, với nhiều tác phẩm đẹp và đa dạng của các nhiếp ảnh gia đương đại về các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam cũng như những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến Mộc bản triều Nguyễn, nghệ thuật Xòe Thái, nghệ thuật làm gốm của người Chăm... đã được UNESCO vinh danh.

Những hình ảnh là minh chứng cho việc các di sản không chỉ là niềm tự hào của riêng các cộng đồng mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau, góp phần lưu giữ và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, đoàn Việt Nam tham gia Triển lãm Thế giới Expo Dubai 2020, hay

Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) được Việt Nam tổ chức thành công năm 2022 cũng là các sự kiện nổi bật với nhiều hình ảnh đẹp mắt, ấn tượng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Triển lãm là một hoạt động thật sự ý nghĩa để kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam. 80 bức ảnh tại triển lãm tuy chưa thể phản ánh đầy đủ tất cả hoạt động phát triển văn hóa nhưng đã cho thấy từ khi bản Đề cương ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp phát triển văn hóa.

Với những định hướng, chỉ đạo đúng đắn trong đường lối phát triển văn hóa của Đảng, văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.

Theo Báo NDĐT(NQ)

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục