Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch
- Cập nhật: Thứ tư, 15/3/2023 | 2:47:35 PM
Sáng 15/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”.
Quang cảnh hội nghị.
|
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các tập đoàn, doanh nghiệp chủ chốt; điểm cầu trực tuyến trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương cả nước, ngành Du lịch đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng. Lượng khách du lịch nội địa thiết lập kỷ lục mới, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên bình diện quốc tế tăng đáng kể và nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành Du lịch trong nền kinh tế sau thời gian hơn 2 năm dịch bệnh có chuyển biến tích cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. |
Những năm vừa qua, ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trước dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đã tăng 2,3 lần trong vòng 4 năm, từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 22,7%/năm.
Theo các báo cáo hằng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đây là mức cao hàng đầu thế giới. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Thái Lan, Malaysia), tăng trưởng 16,2%, cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á và Thái Bình Dương (4,6%).
Trong khi đó, khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 triệu lượt (năm 2015) lên 85 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 10,5% năm. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của ngành Du lịch lên đến 9,2%. Du lịch góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. |
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cầu hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng phát triển; hệ thống sản phẩm du lịch đã và đang được hình thành, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam ngày càng được cải thiện, xếp hạng 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2019, tăng 17 bậc so với năm 2011. Năm 2021, xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, Việt Nam là một trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch cao nhất.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành Du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, công suất buồng bình quân cả nước chỉ đạt 20%; 52% lao động du lịch mất việc làm; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã bước đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Năm 2021, Việt Nam đón khoảng 3.800 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, công suất buồng bình quân ước chỉ đạt khoảng 5%, chỉ có 25% lao động du lịch được tham gia công việc toàn thời gian, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ 2020.
Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa.
Về lượng khách và doanh thu du lịch: thị trường nội địa có tốc độ phục hồi nhanh và tăng trưởng ngoạn mục, là bệ đỡ khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam, khẳng định vai trò của mình đối với sự phát triển chung của ngành Du lịch trong bối cảnh hoạt động du lịch quốc tế phạm vi toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. |
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so kế hoạch. Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch quốc tế đã thể hiện ý chí, nỗ lực của toàn ngành nhằm "phá băng” sau gần 2 năm đóng cửa. Trong bối cảnh nhiều điểm đến đối thủ cạnh tranh và thị trường còn đang đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế, đây có thể nói là những tín hiệu khả quan để phục hồi của Du lịch Việt Nam.
Với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được UNWTO đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực. Ngay sau khi mở cửa, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường toàn cầu của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt khách và lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4/2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại…
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể các quý vị đại biểu dự Hội nghị Du lịch toàn quốc lần thứ 3. Nhìn lại sau hội nghị du lịch năm 2020, chúng ta phải đối mặt với đại dịch Covid-19 khốc liệt, gây thiệt hại đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã vượt qua đại dịch. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, nắm bắt tình hình để đưa ra đối sách quan trọng.
Chính vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ để có thêm bài học kinh nghiệm để đối phó với những vấn đề mới nổi lên. Khi đại dịch xảy ra, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa hiểu biết hết về virus, do đó phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch bằng các Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Lúc đầu, biện pháp này có hiệu quả khi quy mô lây lan chưa nhiều, nhưng khi dịch bùng phát lớn hơn, thì chúng ta đã chuyển trạng thái chống dịch bằng biện pháp hành chính sang biện pháp chuyên môn bằng Chiến lược vaccine, nhờ đó đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Tháng 3/2022, Chúng ta đã quyết định mở cửa trường học, mở cửa du lịch… Đến bây giờ, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi đó là hết sức đúng đắn. Đó là bước ngoặt có tính chiến lược trong quá trình chống dịch. Nhìn lại 2 năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành Du lịch bị thiệt hại nặng nề. Thủ tướng đặt vấn đề là Việt Nam là nước mở cửa sớm, chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, cũng là nước đông dân, là nền kinh tế đang phát triển, đang chuyển đổi.
Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch. Hội nghị này là dịp để nhìn lại phát triển ngành Du lịch trong và sau đại dịch 1 năm, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở tham khảo bài học kinh nghiệm quốc tế, từ đó đưa ra nhiệm vụ giải pháp thời gian tới để có cách vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, tận dụng những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ngành Du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.
Chúng ta cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu xem phát triển ngành Du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương chưa?
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như xung đột Nga-Ukraine, vậy đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà trong tiêm chủng, Việt Nam "đi trước về sau”, còn du lịch mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm”, tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số? Chính sách gì để chúng ta có đột phá trong thời gian tới, vấn đề hạ tầng như thế nào, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Rồi vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa đã hợp lý chưa?…
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Chúng ta phải phát huy tối đa những cái đã làm được, những kinh nghiệm hay, bài học quý, phát triển văn hóa gắn với du lịch, phát triển công nghiệp giải trí. Thủ tướng khẳng định du lịch không thể phát triển một mình được, du lịch không phát triển được nếu văn hóa, công nghiệp giải trí không phát triển. Chúng ta cần xem kinh nghiệm các nước chung quanh làm nông thôn? Trách nhiệm của các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân và cả Chính phủ như thế nào? Tất cả phải chung tay phát triển ngành Du lịch.
Du lịch không thể phát triển một mình được, du lịch không phát triển được nếu văn hóa, công nghiệp giải trí không phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Không ai đổ lỗi cho ai mà chúng ta phải tìm ra hướng đi bằng chính đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc. Thủ tướng gợi ý cân nhắc hình thành phong trào tất cả chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế-xã hội và du lịch bền vững được không?
Thủ tướng nêu rõ, cần phải nỗ lực phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Sau hội nghị này, cần phải ban hành một Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch, nếu cần cả Nghị định hoặc trình Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi luật liên quan.
Thủ tướng mong các đại biểu hiến kế để chọn việc trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó. Quy hoạch và chương trình vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, nguồn lực thì phải phù hợp khả năng.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung: chúng ta phải chú ý đặc điểm đất nước đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó không cầu toàn, không nói vội, nhất là đối với ngành Du lịch. Nhìn lại 1 năm mở cửa, mà rộng hơn là giai đoạn từ 2016 tới nay, có thể đánh giá sự phát triển ngành du lịch của chúng ta phát triển do điều kiện đặc thù, nhất là ngành Du lịch của Việt Nam phát triển sau so với các nước trong khu vực do hoàn cảnh chiến tranh lâu dài. Muốn phát triển nhanh phải bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh để nhận thức rõ khó khăn, thách thức, khắc phục hạn chế để vươn lên.
Thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập, tồn tại hạn chế trong phát triển du lịch, Thủ tướng chia sẻ một số quan điểm sau: phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế-xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có” sang "cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà khách cần”; xây dựng và phát triển du lịch nhanh và bền vững, từ du lịch "một mùa” sang "bốn mùa”, sang du lịch bền vững, hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần để khách du lịch cảm thấy an toàn, lành mạnh, hạnh phúc; để khách cảm nhận được tình cảm con người Việt Nam chân thành, mến khách, nồng ấm.
Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế biển. Phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên kết hình thành chuỗi giá trị du lịch, đa dạng hoá chuỗi cung ứng; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.
Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Về phương châm hành động và những nhiệm vụ trọng tâm "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” như chủ đề Hội nghị này, Thủ tướng lưu ý thêm một số nội dung sau: tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới nhưng giữ vững bản sắc riêng.
Phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Tất cả các chủ thể liên quan từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân phải chung tay, chung sức, đồng lòng phát triển ngành Du lịch phục hồi nhanh, bền vững, văn minh, hiệu quả, hội nhập. Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch; coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, hạ tầng sản phẩm là nền tảng, các dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển du lịch.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: đối với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.
Tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó, tham mưu, báo cáo đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch (hệ thống sân bay, bến cảng; phương tiện vận chuyển, dịch vụ du lịch có quy mô lớn; hệ thống chỉ dẫn công cộng theo hướng hiện đại...). Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp nhu cầu và biến động của thị trường du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, nhất là mời các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới vào Việt Nam. Hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế; Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an và một số bộ, ngành sửa đổi quy định liên quan visa; nghiên cứu theo hướng các chủ thể, cá nhân, đối tượng đủ điều kiện thuận lợi, tiêu chuẩn du lịch thì không cần giới hạn, hoặc giới hạn ở mức độ nào đó để cải tiến, cân bằng hài hoà, lệ phí hợp lý, thúc đẩy phát triển du lịch.
Xây dựng sản phẩm du lịch xanh, bền vững, tài trợ kinh phí cho các hoạt động du lịch. Xây dựng kế hoạch cạnh tranh du lịch đối với các thị trường khác; mở rộng cấp visa điện tử, các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước phải quán triệt vấn đề này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Xây dựng sản phẩm du lịch xanh, bền vững, tài trợ kinh phí cho các hoạt động du lịch. Xây dựng kế hoạch cạnh tranh du lịch đối với các thị trường khác; mở rộng cấp visa điện tử, các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước phải quán triệt vấn đề này. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, "Hội tụ trí tuệ, lan toả lợi ích”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa; tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường tiềm năng, có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh. Tăng cường nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và phản ứng chính sách nhanh, phù hợp. Triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ phát hỗ trợ phát triển du lịch. Phát triển công nghiệp văn hoá, giải trí.
Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tích cực chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại. Việc này rất cần thiết trong bối cảnh chưa có Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài; giải quyết nhanh, kịp thời các thủ tục liên quan visa điện tử; triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về phát triển ngoại giao kinh tế, trong đó có du lịch.
Bộ Công thương cần lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ chủ trì ở trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển du lịch nông thôn, các sản phẩm du lịch liên quan nông nghiệp, đồng quê, nông dân. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch; thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật.
Đẩy mạnh hợp tác công-tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm môi trường sinh thái, vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn; hướng dẫn khách du lịch trên nền tảng công nghệ số.
Đối với Hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch: Hiệp hội du lịch Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, cánh tay đắc lực của cơ quan quản lý nhà nước. Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch, giúp đỡ doanh nghiệp thực sự.
Các doanh nghiệp hoạt động du lịch: tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa, lành mạnh, bền vững. Nhân viên phải cởi mở, vui vẻ, lịch sự, thể hiện lòng mến khách; góp phần đào tạo nguồn nhân lực thông qua hợp tác công tư. Về phía Chính phủ phải tăng cường quản lý nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói”, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường. Đồng thời, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người; là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết hữu nghị hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.