Bấy lâu nay, điện ảnh Việt Nam vẫn được quảng bá ra nước ngoài, tuy nhiên chưa thực sự được đầu tư bài bản và có hệ thống, hoặc có sự dẫn dắt của một gian hàng quảng bá điện ảnh quốc gia giống như nhiều nền điện ảnh khác, mà vẫn chỉ là quảng bá theo từng doanh nghiệp, đơn vị hoặc cá nhân nghệ sĩ, nhà làm phim. Đã đến lúc Việt Nam cần có những gian hàng chính thức của quốc gia tại các Liên hoan phim quốc tế lớn, dưới sự dẫn dắt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan.
Đó là ý kiến của đạo diễn Phan Đăng Di đưa ra tại Hội thảo về Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Đạo diễn Phan Đăng Di là một trong những nhà làm phim tên tuổi, từng có tác phẩm dự hoặc trình chiếu tại một số liên hoan phim quốc tế lớn. Anh cũng là một trong những nhà làm phim giàu kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, kêu gọi nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài để làm phim.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, điều quan trọng trong quảng bá điện ảnh ra nước ngoài hiện nay là có kế hoạch bài bản trong việc giới thiệu mình là ai, như thế nào với điện ảnh quốc tế. Việc tham gia nhiều các Liên hoan phim, sự kiện điện ảnh quốc tế uy tín là cách để tạo ra nhiều cơ hội giới thiệu, sản xuất hoặc hợp tác sản xuất phim.
Đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ tại cuộc tọa đàm. |
Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam vẫn chưa thường xuyên tham gia các liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế và khu vực. Đặc biệt, tại các sự kiện điện ảnh quốc tế đều chưa có gian hàng quốc gia giới thiệu về điện ảnh Việt Nam một cách chính thống và bài bản, cung cấp thông tin về tác phẩm điện ảnh Việt, các bối cảnh làm phim, điều kiện làm phim, chính sách ưu đãi trong hợp tác sản xuất phim… để các nhà làm phim nước ngoài biết đến và xúc tiến hợp tác. Trong khi đó, nhiều nước đều có gian hàng quốc gia giới thiệu điện ảnh của mình một cách bài bản. Nhiều nền điện ảnh trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines… đều có gian hàng quốc gia tại các hội chợ như vậy.
Thế nhưng Việt Nam phần lớn lại thiếu vắng gian hàng quốc gia, nếu có hiện diện tại các Liên hoan phim hoặc hội chợ, sự kiện điện ảnh quốc tế lại theo phương thức nhỏ lẻ, cá nhân hoặc theo đơn vị sản xuất, được mời… "Việt Nam không có sự xuyên suốt, năm đi năm không, không có gian hàng quốc gia, chỉ duy nhất 1 gian hàng của BHD. Thông tin về điện ảnh Việt Nam gần như không có hoặc nếu có thì cũng chỉ là những thông tin không cần thiết” – đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, đây là một điều rất đáng tiếc bởi vì một gian hàng quốc gia có thế giới thiệu một cách tổng thể và chính thống về điện ảnh nước nhà tới các nhà làm phim, khán giả nước ngoài, những thông tin mà các nhà làm phim quốc tế cần nếu muốn hợp tác hoặc quay phim tại Việt Nam. Theo anh, Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải làm những việc này ngay. Điều quan trọng nhất là cung cấp thông tin và có những chính sách thông thoáng dành cho các nhà làm phim.
Phản hồi lại ý kiến của đạo diễn Phan Đăng Di, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, cũng là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực điện ảnh cho biết, ông ủng hộ ý kiến cần phải có gian hàng quốc gia tại các liên hoan phim, hội chợ, sự kiện điện ảnh quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã có nền tảng về pháp lý, Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua năm 2022 đã có nhiều điều mới, xét trong cả so sánh với luật cũ và so sánh chung với các nền điện ảnh trong khu vực. "Luật đã có, quan trọng là chúng ta kết nối với khu vực, với quốc tế như thế nào, triển khai ra sao” – Thứ trưởng nói.
Thứ hai, về Luật Hợp tác công tư, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, vẫn chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa vào phát triển điện ảnh, nếu có thì sẽ tạo thêm được nhiều nguồn lực để quảng bá, tổ chức các gian hàng điện ảnh của Việt Nam, đưa diễn viên, nhà sản xuất, phim đi giới thiệu tại các liên hoan phim, sự kiện… Thu hút thêm nguồn lực cũng vô cùng quan trọng đối với các hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực. Đây là điều mà các cơ quan quản lý sẽ xúc tiến, xây dựng, tìm hướng triển khai phù hợp.
Điện ảnh Việt vẫn đang nỗ lực tìm đường ra quốc tế. Năm qua, đã có nhiều điểm sáng trong các phim Việt tìm được chỗ đứng ở đấu trường quốc tế như "Tro tàn rực rỡ”, "Những đứa trẻ trong sương”… Mong rằng với sự chung tay của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị, doanh nghiệp điện ảnh, phim Việt sẽ sớm bước ra "con đường lớn”.
Theo Báo NDĐT (NQ)