Tăng tốc phục hồi ngành du lịch Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/4/2023 | 7:49:16 AM

Sau ba năm 2020-2022 bị ngưng trệ vì đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang hối hả tăng tốc phục hồi, với mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Nhiều hoạt động quảng bá du lịch được tổ chức trong thời gian qua. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều hoạt động quảng bá du lịch được tổ chức trong thời gian qua. Ảnh: HẢI NAM

Tín hiệu tích cực

Thời gian gần đây, ngành du lịch Việt Nam liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023 trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) có sự giảm tốc, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng nhẹ 2,52% (đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% (làm giảm 4,76% GDP); tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 11,9%... thì khu vực dịch vụ tăng 6,79%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP nền kinh tế, đóng góp tới 95,91% vào tăng trưởng chung.

Trong bức tranh sáng của khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với quý I/2022 và thậm chí còn cao hơn mức 1.188 nghìn tỷ đồng của quý I/2019, thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19. Trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 28,4%, vận chuyển hành khách tăng 28,8%, khách quốc tế đến nước ta tăng gấp 29,7 lần.

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ba tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,7 triệu lượt khách, tăng gần 30 lần so cùng kỳ năm 2022 và đã đạt một phần ba mục tiêu cả năm 2023 là 8 triệu lượt khách.

Trước đó, năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt hơn 101,3 triệu lượt, vượt xa mục tiêu 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm và cũng cao hơn cả con số kỷ lục 85 triệu lượt của năm 2019. Tổng thu du lịch năm 2022 ước đạt 495 nghìn tỷ đồng. Du lịch Việt Nam đã nhận được 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam từ sau khi Việt Nam chính thức mở cửa sau đại dịch (ngày 15/3/2022) cho đến nay đã phát huy hiệu quả.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành một số chính sách miễn giảm thuế phí cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ những đối tượng chịu tác động bởi đại dịch. Sau ngày 15/3/2022, ngành du lịch đã tập trung tái khởi động các hoạt động sôi nổi theo hai chương trình "Live fully in Vietnam” hướng tới thị trường khách quốc tế và "Du lịch an toàn, Trải nghiệm trọn vẹn” hướng tới thị trường khách nội địa. Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện nỗ lực và cam kết hội nhập với sự phục hồi của thị trường du lịch toàn cầu.

Tăng tốc phục hồi ngành du lịch Việt Nam ảnh 1

Du khách quốc tế tham quan Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: ANH HẢI

Còn nhiều dư địa để cải thiện

Tuy đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, song có một chỉ tiêu kế hoạch của ngành du lịch đang gây ít nhiều băn khoăn là con số 8 triệu lượt khách quốc tế phải đạt được trong năm 2023.

Trước đó, lượng khách quốc tế tăng từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 18 triệu lượt năm 2019 (bao gồm 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc); song lại giảm mạnh trong giai đoạn ảnh hưởng bị dịch bệnh 2020-2022, chỉ đạt lần lượt 3,84 triệu; 0,16 triệu và 3,66 triệu.

Sở dĩ ba tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế tăng gấp gần 30 lần so quý I/2022 là vì mức nền thấp nêu trên. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, một số quốc gia bắt đầu bước vào chu kỳ suy thoái, Trung Quốc mới dỡ bỏ chính sách "Zero Covid” nên lượng khách từ Trung Quốc chưa thể phục hồi như cũ…, mục tiêu 8 triệu khách quốc tế quay lại Việt Nam trở nên khá thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp rất quyết liệt.

Ông Dương Minh Đức, Phó Giám đốc Kinh doanh tiếp thị, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho hay, tại nhiều hội nghị mà ông tham gia, một số ý kiến tỏ ra không lạc quan triển vọng hút khách du lịch quốc tế năm 2023 bởi các lo ngại về xung đột chính trị, suy thoái kinh tế ở các nước phương Tây sẽ ảnh hưởng đến lượng khách du lịch inbound đến Việt Nam.

Ông Đức cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch (thí dụ như phối hợp với các hãng hàng không tạo ra những sản phẩm du lịch giá rẻ, liên kết với các địa phương để hình thành tour tuyến liên vùng nhằm khai thác thế mạnh đặc trưng về văn hóa xã hội từng vùng…) thì rất cần sự nỗ lực của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành du lịch phát triển đồng bộ.

Tại một buổi tọa đàm bàn về các giải pháp hút khách quốc tế trở lại Việt Nam được tổ chức mới đây, TS Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam "hiến kế” rằng: "Hãy để những du khách trở thành đại sứ du lịch Việt Nam, kể các câu chuyện về Việt Nam với bạn bè họ, lan tỏa và trở lại”.

Theo ông Nuno F. Ribeiro, Việt Nam cần có chính sách, chiến lược tiếp cận từ lần đầu đến và lặp lại trong các lần tiếp theo đối với khách quốc tế để làm sao họ chuyển kế hoạch du lịch ngắn hạn thành dài hạn hơn, mỗi khách quốc tế chi tiêu nhiều hơn. Sau khi về nước, họ không chỉ muốn quay trở lại mà còn truyền miệng cho bạn bè người thân cũng đến Việt Nam.

Cụ thể, ông kiến nghị nên dành ngân sách để quảng bá Việt Nam tại các thị trường nước ngoài, cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, chiến dịch truyền thông về du lịch cần thay đổi, hạn chế xuất hiện những thông tin "du lịch Việt Nam chi phí thấp”, "làm thế nào để đến Việt Nam chỉ tiêu ít hơn 100 USD”... vì khách nước ngoài ít quay lại những nơi du lịch giá rẻ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho rằng, chính sách thị thực của Việt Nam đang có tiến bộ với 80 nước được cấp visa điện tử, 25 nước được miễn visa, kéo dài thời gian lưu trú lên 30 ngày. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có rào cản với những nước không có visa điện tử và không được miễn visa du khách đến Việt Nam cần phải có người ở trong nước đưa đi, theo sát hành trình trong thời gian họ ở Việt Nam.

Bà Hương cho rằng, cần xem xét lại gỡ bỏ rào cản này bởi với những nhóm nhỏ du khách muốn đến Việt Nam nhưng không có ai quen ở Việt Nam họ sẽ không đến Việt Nam đi du lịch.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, chúng ta đã có chiến lược và giải pháp phát triển du lịch, quan trọng nhất là phải quyết liệt thực thi đầy đủ, kịp thời các giải pháp này. Bên cạnh việc đặt chỉ tiêu 8 triệu du khách quốc tế, cần phải có tư duy làm thế nào để đạt được điều đó.

Lấy dẫn chứng từ Thailand, du lịch của họ đã thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (mang về 3.000 tỷ bath năm 2019, chiếm 18% GDP cả nước, riêng khách quốc tế đóng góp 2.000 tỷ bath, tương đương với 12% GDP), ông Hiếu nói rằng Việt Nam nên học họ cái tư duy làm du lịch, đặc biệt học họ sự quyết tâm (sau Covid, họ đặt đồng hồ đếm ngược để quyết tâm mở cửa trong 180 ngày).

Ông Hiếu cũng lưu ý thêm, Việt Nam có tiềm năng không thua kém gì thế giới, cần có tư duy làm những chính sách du lịch mà người khác cần đến Việt Nam để học hỏi. Muốn vậy, chính sách phát triển ngành du lịch cần tư duy trên diện rộng, không chỉ là sự di chuyển của con người, mà đòi hỏi các chính sách phát triển khác như phát triển hạ tầng liên quan để khách đến có thể nghỉ ngơi, vui chơi dài hơn, chi tiêu lớn hơn.

Được biết, hiện Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Bước đột phá cởi mở cho chính sách thị thực là miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử, đề xuất mở rộng diện các quốc gia được cấp thị thực điện tử, đề xuất nâng thời hạn từ 30-90 ngày giá trị thị thực điện tử từ một lần lên nhiều lần bảo đảm người nước ngoài có thể xuất nhập cảnh nhiều lần, kéo dài thời gian tạm trú với người được miễn thị thực đơn phương từ 15 ngày lên 30 ngày…. Dự kiến dự luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp diễn ra vào tháng 5/2023.

Một tin vui nữa là ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hai hội nghị quan trọng là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam (tháng 12/2022) và Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” vào ngày 15/3/2023 - đúng một năm sau ngày Việt Nam mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch. Nhiều ý kiến đóng góp xây dựng du lịch đã được người đứng đầu Chính phủ ghi nhận với những chỉ đạo quyết liệt để phát triển ngành du lịch trong tương lai.

Theo Thời Nay (NQ)

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục