Hiến tặng hiện vật cho bảo tàng để đời sống văn chương nối dài
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/4/2023 | 8:38:54 AM
Bảo tàng Văn học Việt Nam vừa tổ chức lễ tri ân và tiếp nhận hiện vật năm 2023 để ghi nhận sự đóng góp của các nhà văn cùng gia đình cho bảo tàng. Phía sau những hiện vật quý được lưu giữ, nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ, giúp công chúng hiểu thêm về cuộc đời tác giả và số phận tác phẩm góp phần làm nên nền văn học Việt Nam đương đại.
Lễ tri ân và hiến tặng hiện vật tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
|
Lần hiến tặng hiện vật này có sự đóng góp của 27 gia đình nhà văn và cá nhân. Đó là gia đình các nhà thơ, nhà văn: Quang Dũng, Lưu Trọng Lư, Ngô Văn Phú, Dương Thị Xuân Quý, Hữu Mai, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Phạm Hổ, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Triệu Bôn, Phong Thu,... và các nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Thanh Nhàn, Ngô Thảo, Thanh Quế, Lại Hồng Khánh…
Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ, bảy năm kể từ khi bảo tàng đi vào hoạt động đánh dấu sự cống hiến, đóng góp của nhiều gia đình, cá nhân các nhà văn. Bảo tàng vẫn đều đặn tiếp nhận hiện vật nhưng vì nhiều lý do mà chưa tổ chức được lễ tri ân như nguyện vọng của đội ngũ quản lý, vận hành "ngôi đền văn chương”. Cùng với nghi thức trao-nhận đầy trang trọng, cuộc gặp mặt, trò chuyện thân tình giữa các văn nghệ sĩ còn mang đến niềm xúc động, câu chuyện nhân văn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bồi hồi kể lại ký ức khi ông ở tuổi đôi mươi, luôn tò mò rằng, trong ngôi nhà của các nhà văn như thế nào, họ ngồi sáng tác ở đâu, ánh đèn thế nào, có những vật dụng gì, viết về những điều gì... Bởi lẽ này mà khi các nhà văn không còn nữa, hiện vật sẽ góp phần đáng kể khắc họa chân dung đời sống của từng nhà văn. Mỗi hiện vật đều chứa đựng lịch sử, thời gian, văn hóa, hồn cốt... và cả những câu chuyện chưa từng có trong trang sách.
Cũng theo ông, hiện vật khi được cất giữ, bảo vệ trong kho, bằng sở hữu của cá nhân, gia đình dù rất an toàn và cũng có những ý nghĩa riêng nhưng thế giới tinh thần của hiện vật không được mở ra. Việc mở rộng cách tiếp cận các hiện vật mà Bảo tàng Văn học Việt Nam đang thực hiện giúp cho thế giới tinh thần ấy mở thêm nhiều chiều kích, để đời sống văn chương được nối dài ngay cả khi nhà văn đã khuất.
Thay mặt cho gia đình cố nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hữu Việt đã trao tặng bảo tàng nhiều hiện vật quý như bản thảo viết tay của dịch giả Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu dịch tiểu thuyết "Ông cố vấn” cùng nhiều tác phẩm nổi tiếng và bức tượng đồng tạc chân dung nhà văn Hữu Mai. Nhiều chi tiết xúc động được chia sẻ tại buổi lễ, từ câu chuyện dịch giả Chúc Ngưỡng Tu sang Việt Nam, trao tặng bản thảo thì khi ấy nhà văn Hữu Mai đã qua đời.
Ông đã tới nơi an nghỉ của nhà văn và rơi nước mắt. Không ai ngờ cuộc hội ngộ giữa nhà văn và dịch giả lại là sự chia cách đầy nghiệt ngã giữa hai thế giới âm-dương. Sinh thời, dù là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, được các nhà xuất bản tái bản nhiều lần, song nhà văn Hữu Mai luôn căn dặn con cái dành sự quan tâm, ưu tiên cho Nhà xuất bản Quân đội nhân dân bởi ông là một người lính.
Bà Bùi Phương Thảo, con gái cố nhà thơ Quang Dũng tặng bảo tàng nhiều tài liệu, hiện vật trong đó có những bức tranh do chính nhà thơ vẽ. Bà xúc động bày tỏ về công tác tổ chức, cũng như sự tận tụy, tận tâm của các cán bộ bảo tàng trong việc sưu tầm và lưu giữ các kỷ vật của gia đình bà, cùng nhiều nhà văn khác. Dịp này, nhà văn Lê Phương Liên cũng hiến tặng rất nhiều kỷ vật bà lưu giữ nhiều chục năm, qua bao lần chuyển nơi ở. Đó là những bức ảnh, tác phẩm, tư liệu gắn bó với cuộc đời bà, bắt đầu từ khi cầm bút viết cuốn "Những tia nắng đầu tiên” (cách đây hơn 50 năm).
"Không thể nói hết được những cảm xúc lưu luyến khi chia tay các kỷ vật. Nhưng rồi, tôi nghĩ trước sau sẽ đến ngày tôi từ giã tất cả. Tôi tin tưởng gửi đến bảo tàng, đó là nơi lưu giữ tốt nhất các kỷ vật gắn liền với sự nghiệp sáng tác của mình”, bà nói. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng hiến tặng bức tranh chân dung ông do một nhà thơ Hàn Quốc vẽ, bức tranh "Người thổi sáo”, đồng hồ, cây sáo... cùng nhiều hiện vật gắn bó, gần gũi với đời sống hằng ngày của ông.
Dịp này, các văn nghệ sĩ và công chúng cũng có thêm cảm nhận mới về "ngôi đền văn chương” sau nhiều nỗ lực vận hành, quảng bá. Lần đầu tiên bảo tàng vận hành một tour du lịch mang tên "Chữ Tâm chữ Tài” được tổ chức vào những ngày cuối năm 2022.
Bảo tàng Văn học Việt Nam với diện tích khoảng 3.000m2, trưng bày hơn 3.454 hiện vật tiêu biểu được chọn từ gần 60.000 hiện vật sau thời gian gần như "ngủ quên” đã được đánh thức bởi nhiều hoạt động phong phú. Đại diện bảo tàng cho biết, ngoài tiếp nhận hiện vật được hiến tặng, bảo tàng này sẽ là ngôi nhà lưu giữ, bảo quản hiện vật giúp các văn nghệ sĩ khi họ chuyển nhà, thay đổi cuộc sống... Trong thời gian gần nhất, bảo tàng sẽ tiến hành số hóa để bắt nhịp vào bối cảnh hội nhập và phục vụ công chúng tốt hơn.
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.