Khóc cười với giải thưởng văn chương
- Cập nhật: Thứ năm, 27/4/2023 | 2:37:01 PM
Bỏ quên những tác giả xứng đáng, giải thưởng ít có tiếng vang nhưng những lùm xùm thì ầm ĩ... là chuyện dở khóc dở cười của giải thưởng văn chương ở ta hiện nay.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận duy nhất một giải thưởng dành cho tập tiểu luận Giăng lưới bắt chim khi ông còn sống - Ảnh: HIỀN ĐỖ
|
1. Trong một cuộc trò chuyện mới đây tại Hà Nội, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên kể, trong mấy chục năm chúng ta đã tranh cãi về Nguyễn Huy Thiệp rất nhiều.
Ông nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở nước ngoài, bạn đọc trao cho ông danh xưng "vua truyện ngắn", nhưng các giải thưởng văn chương trong nước đều "quên" trao giải cho "ông vua" này.
Giải thưởng trong nước duy nhất mà ông được trao khi còn sống, nhưng lại là giải thưởng cho tập tiểu luận Giăng lưới bắt chim, do Hội Nhà văn Hà Nội trao năm 2006.
Phải sau khi Nguyễn Huy Thiệp mất, Hội Nhà văn Hà Nội mới trao cho ông tặng thưởng "thành tựu văn học trọn đời", giống như tặng thưởng hội này từng trao cho các nhân vật Nhân văn giai phẩm như Trần Dần, Phùng Cung hay Trương Tửu.
Những giải thưởng trên dẫu có chậm trễ cũng đã góp phần nhỏ bé vào việc xác nhận vị thế văn chương của những tác giả này bởi một hội đoàn nhà nước, bên cạnh "giải thưởng" lớn lao nhất là sự yêu quý của bạn đọc mà họ nhận được.
Nó cũng mang đến sự an ủi rất lớn cho gia đình những nhà văn, nhà thơ được vinh danh mà nhiều người dùng từ "chiêu tuyết". Trong những trường hợp ấy, giải thưởng văn chương Việt thật sự giá trị.
Nhưng thật không may, chuyện buồn giải thưởng lại nhiều hơn.
2. Nhiều năm liền, giới văn chương ít háo hức chờ đợi tên tác phẩm nào được xướng tại giải thưởng văn chương lớn nhất ở trong nước hằng năm là giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Bởi trong mắt không ít người đọc, giải này được cho là ít uy tín hơn, ít có tính phát hiện hơn giải thưởng của hội địa phương là Hội Nhà văn Hà Nội.
Trong một số kỳ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, có những tác giả đã từ chối nhận giải.
Thống kê sơ bộ có thể kể ra những trường hợp từ chối nhận giải thưởng này như: Hồ Anh Thái từ chối nhận tặng thưởng của hội cho tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày vào đầu năm 2003, Ly Hoàng Ly từ chối giải thưởng cho tập thơ Lô Lô năm 2006, đầu năm 2012 nhà văn Y Ban cũng từ chối nhận bằng khen của hội cho tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc...
Tất cả những người từ chối giải thưởng hầu như đều chung lý do "không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải", như Ly Hoàng Ly viết trong thư xin từ chối nhận giải thưởng.
3. Chuyện buồn khác là tác phẩm được trao giải bị tố vi phạm bản quyền.
Đầu tiên là giải thưởng cho tập thơ Sẹo độc lập mà Hội Nhà văn Hà Nội trao cho Phan Huyền Thư năm 2012. Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan sau đó đưa ra bằng chứng Phan Huyền Thư đạo thơ của bà, khiến Phan Huyền Thư phải xin trả lại giải thưởng trước khi Hội Nhà văn Hà Nội có hành động phù hợp.
Một ồn ào "đạo văn" khác là giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Cuối tháng 3-2022, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phải ký quyết định tạm thu hồi giải thưởng cho cuốn Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của tác giả Vũ Thị Trang vì những tranh cãi cuốn sách vi phạm bản quyền.
Buồn thêm khi đây lại là mùa trao giải đầu tiên và là giải thưởng cho các tác giả trẻ, tương lai của văn học nước nhà.
4. Ngoài những lùm xùm này thì vấn đề lớn nhất của các giải thưởng văn chương ở Việt Nam hiện nay có lẽ là uy tín của các giải thưởng chưa cao, theo thừa nhận của nhiều nhà phê bình.
Chẳng thế mà gần đây các tác giả được trao giải thưởng văn chương hầu như vẫn chìm nghỉm trên văn đàn. Sách được trao giải bạn đọc cũng không "ngó ngàng" như trước đây.
Góp ý một trong những giải pháp để nâng cao uy tín và chất lượng của các giải thưởng văn chương là nên khuyến khích xã hội có thêm nhiều giải thưởng của tư nhân.
Từ ba năm gần đây, chúng ta mới có giải thưởng văn học nghệ thuật "tư", đó là Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi do gia đình con trai nhà thơ này thành lập. Theo ông Phạm Xuân Nguyên, nên có thêm nhiều những giải thưởng như vậy.
Nói về giấc mơ Nobel văn chương cho người Việt, ông Nguyên và dịch giả Lê Quang đều đồng ý rằng việc quan trọng cần có, ngoài nhà văn tài năng, là phải có dịch giả tốt. Như giải Nobel đầu tiên của người châu Á là giải cho nhà thơ Ấn Độ Tagore năm 1913, do chính Tagore dịch thơ mình sang tiếng Anh. Dịch giả Lê Quang cũng cho rằng cần có chiến lược quốc gia về phổ biến văn học Việt Nam ra nước ngoài. Trong chiến lược ấy, phải quan tâm tới phát triển đội ngũ dịch giả một cách thực chất và phải nâng chất lượng đội ngũ biên tập viên văn học, chứ hiện nay hầu hết các biên tập viên chỉ làm công việc soát lỗi chính tả. |
Theo BGTV (NQ)
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.