Khơi dậy sức mạnh văn hóa Phát triển bảo tàng sinh thái
- Cập nhật: Thứ tư, 17/5/2023 | 10:27:29 AM
Bảo tàng sinh thái là một trong những phương cách hiệu quả để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể dựa trên sự đồng thuận tự nguyện của cộng đồng trong việc tự giữ gìn, quản lý và giới thiệu di sản của họ. Loại hình bảo tàng này có nhiều điều kiện phát triển ở Việt Nam và sẽ đưa lại hiệu quả nhiều mặt.
Tái hiện lễ ăn trâu.
|
Một loại hình "bảo tàng toàn diện”
Vì không thể tạo dựng hoặc thay thế không gian sinh tồn của di sản văn hóa phi vật thể nên việc bảo tồn trong các bảo tàng kiểu cũ là điều bất khả thi. Các bảo tàng cổ điển chỉ giữ lại "hóa thạch” các biểu đạt văn hóa vì về bản chất, các biểu đạt này luôn "sống” và thay đổi. Với tính chất không ngừng được tái tạo, đối với di sản văn hóa phi vật thể không thể áp dụng biện pháp bảo tồn "nguyên gốc” hay bảo tồn "tính xác thực” như đối với di sản vật thể. Điều cần làm trong việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể là phải vượt khỏi phạm vi các bức tường bảo tàng cũ, hướng tới bảo tồn những biểu đạt đa dạng văn hóa trong các cộng đồng.
Thuật ngữ Écomusée - Bảo tàng sinh thái, do các nhà bảo tàng học người Pháp George Henri Rivière và Hugues de Varine đưa ra bao hàm các ý nghĩa của một bảo tàng do cộng đồng địa phương đồng thuận, tự nguyện xây dựng và quản lý, trong đó, trọng tâm là sử dụng và giới thiệu di sản địa phương, cộng đồng và môi trường chung quanh chứ không chỉ là những bộ sưu tập truyền thống. Bảo tàng sinh thái không phải một công trình kiến trúc khép kín mà là một tổ hợp: lãnh thổ - di sản - ký ức - cộng đồng.
Theo các tác giả của thuật ngữ, "Bảo tàng sinh thái trở thành một tấm gương để cư dân địa phương tự soi mình vào đó và nhận ra hình ảnh của chính mình, để tìm ra lời giải thích về vùng đất mà tổ tiên, cha ông họ đã đạt được trong các lĩnh vực sinh thái”. Thuật ngữ này đặt nền móng cho một "bảo tàng toàn diện” với phương pháp tiếp cận tổng thể cuộc sống của cộng đồng cùng điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa chính trị và sự tương tác của họ với môi trường và bối cảnh sống. Các bảo tàng sinh thái bảo vệ được di sản trong lãnh thổ và cộng đồng cũng như bảo vệ được các biểu đạt văn hóa của cộng đồng trong mối liên quan với môi trường, lãnh thổ. Các bảo tàng sinh thái khẳng định tầm quan trọng của các tri thức bản địa, tập quán, cấu trúc xã hội và truyền thống văn hóa bên cạnh các bằng chứng hữu hình như phong cảnh, cấu tạo địa chất, hệ động thực vật, các công trình kiến trúc… đều được xem như những "sưu tập hiện vật” của bảo tàng.
Bảo tàng sinh thái là bước tiến mới của bảo tàng học đối diện với các vấn đề trong xu thế phát triển mang tính toàn cầu: bảo vệ môi trường sinh thái trong phát triển bền vững, bảo vệ sự đa dạng văn hóa, bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng. Bảo tàng sinh thái mở rộng chức năng của bảo tàng, điều hòa quan hệ sinh thái giữa con người và tự nhiên, góp phần phát triển xã hội và cộng đồng. Khi cộng đồng trở thành chủ nhân của bảo tàng sinh thái và được hưởng lợi để phát triển thì sự gắn kết giữa lịch sử, đương đại, tương lai sẽ làm cho bảo tàng phản ánh rõ nét diễn biến của xã hội và mang đến những nhận thức mới.
Phát triển Bảo tàng sinh thái ở Việt Nam
Phát triển Bảo tàng sinh thái cần bảo đảm hai yếu tố cơ bản: Môi trường thực hành và Cộng đồng chủ thể văn hóa. Cộng đồng vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là người tự nguyện tham gia trực tiếp vào quá trình bảo tàng hóa và cùng hưởng lợi từ hoạt động này.
Những điều kiện cần và đủ để áp dụng mô hình bảo tàng sinh thái được các nhà nghiên cứu chỉ ra là: Là một khu vực cụ thể với cộng đồng sở hữu di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; có sự tham gia đồng thuận, tự nguyện của cộng đồng chủ thể nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể; có sự phối hợp giữa chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu, cộng đồng chủ thể, khách thể trong việc vận hành bảo tàng sinh thái; có cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ phát triển du lịch để phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phục vụ phát triển cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ở Việt Nam, nhận thức chung về vai trò và sự cần thiết của việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đang bắt nhịp dần để theo kịp xu thế chung của thế giới và hoàn toàn có thể phát triển mô hình bảo tàng sinh thái cho tương lai. Trên cơ sở đối chiếu với các tiêu chí và điều kiện nêu trên có thể đề xuất thí điểm một số điểm văn hóa tiêu biểu để xác lập mô hình bảo tàng mới này. Chúng tôi đã thấy khả năng thành công gần gũi nếu triển khai xây dựng Bảo tàng cộng đồng cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở Măng Đen (Kon Plong, Kon Tum), Bảo tàng sinh thái làng Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên), Bảo tàng di sản văn hóa làng cho làng gốm cổ Phước Tích (Phong Điền, Thừa Thiên Huế)… và còn nhiều địa chỉ văn hóa khác có thể tiếp tục nghiên cứu triển khai. Các nét văn hóa đặc sắc tiếp tục "sống” trong môi trường văn hóa bản địa, cộng đồng chủ thể được hưởng lợi, kinh tế-xã hội của địa phương được nâng cao. Đó là những lợi ích hiện hữu trước mắt. Ở tầm vĩ mô, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được tôn vinh, văn hóa Việt Nam được bảo tồn, phát huy và mở rộng hội nhập bằng kênh du lịch văn hóa. Đó là những lợi ích lớn hơn nhiều và khó đong đếm.
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.