Theo khu vực, châu Âu ghi nhận doanh thu tốt nhất vào năm 2022 với gần 550 tỷ USD (520 tỷ EUR), tương đương 87% so với mức trước đại dịch. Châu Phi đã phục hồi 75%, Trung Đông đạt 70% và châu Mỹ đạt 68% doanh thu trước đại dịch. Do đóng cửa biên giới kéo dài, các điểm đến châu Á chỉ đạt được khoảng 28% mức doanh thu năm 2019.
Nguy cơ với sự phục hồi
Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký UNWTO đánh giá: "Những tháng đầu tiên của năm nay một lần nữa cho thấy khả năng phục hồi nhất quán của ngành du lịch. Ở nhiều nơi, lượng khách đến gần bằng hoặc thậm chí cao hơn mức trước đại dịch. Tuy nhiên, chúng ta phải cảnh giác với những thách thức khác nhau, từ mất an ninh địa chính trị, thiếu hụt nhân sự và tác động tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với ngành du lịch. Chúng ta phải bảo đảm lợi nhuận từ ngành du lịch một sẽ có trách nhiệm như một giải pháp cho tình trạng khẩn cấp khí hậu và là động lực của sự phát triển toàn diện”.
Kết quả quý 1 năm 2023 phù hợp với các kịch bản của UNWTO trong năm, dự báo lượng khách quốc tế sẽ phục hồi từ 80% đến 95% so với mức trước đại dịch. Hội đồng chuyên gia của UNWTO bày tỏ sự tin tưởng vào một mùa cao điểm mạnh mẽ (từ tháng 5 đến tháng 8) ở bắc bán cầu, được phản ánh trong Chỉ số niềm tin mới nhất của UNWTO, cho thấy hiệu suất trong giai đoạn này thậm chí còn tốt hơn so với năm 2022.
Tuy nhiên, sự phục hồi của du lịch cũng phải đối mặt với một số thách thức. Theo Hội đồng chuyên gia UNWTO, tình hình kinh tế vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phục hồi hiệu quả của du lịch quốc tế vào năm 2023 khi lạm phát cao và giá dầu tăng dẫn đến chi phí vận chuyển và ăn ở cao hơn. Do đó, khách du lịch dự kiến sẽ ngày càng tìm kiếm các điểm đến có chi phí rẻ và gần hơn. Sự không chắc chắn bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và những căng thẳng địa chính trị gia tăng khác, cũng tiếp tục là những rủi ro tiêu cực với sự phục hồi của ngành du lịch trong năm.
Theo Báo NDĐT (NQ)