Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023: Mùa giải bội thu 'vượt dự đoán'
- Cập nhật: Thứ tư, 31/5/2023 | 4:01:23 PM
Đây là một mùa giải phong phú, vượt dự đoán, khi có 7 giải thưởng và tặng thưởng được trao, trong đó có 2 tác giả là thiếu nhi; và lần đầu tiên sau 2 năm vắng bóng, đã tìm được “Hiệp sĩ Dế Mèn”.
Nhà văn Trần Đức Tiến tại CLB đọc sách.
|
Chiều 31/5/2023, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023.
Đây là một mùa giải phong phú, vượt dự đoán, khi có 7 giải thưởng và tặng thưởng được trao, trong đó có 2 tác giả là thiếu nhi; và lần đầu tiên sau 2 năm vắng bóng, đã tìm được "Hiệp sĩ Dế Mèn”.
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn là giải thưởng nghệ thuật thường niên, do báo Thể thao và Văn hoá sáng lập từ năm 2020, nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của” thiếu nhi, hoặc "vì” thiếu nhi.
Các hạng mục của giải gồm: 1 Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight); một số giải đồng hạng mang tên Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire), cùng các tặng thưởng khác do Hội đồng Giám khảo đề xuất từng năm.
Trải qua ba mùa giải, đã có 1 giải Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (năm 2020) và 14 giải Khát vọng Dế Mèn được trao cho các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có 4 tác giả là thiếu nhi.
Mùa giải lần thứ 4 năm nay đã có sự tham gia của 121 tác phẩm/chùm tác phẩm được sáng tác, hoàn thiện hoặc công bố trong khoảng thời gian từ 1/1/2022 - 20/4/2023. Qua hai vòng chấm (từ 25/4 - 11/5), Ban sơ khảo gồm 8 thành viên đã thảo luận và cho điểm để công bố Top 10 tác phẩm xuất sắc nhất vào Vòng Chung khảo.
Ngày 22/5/2023, Hội đồng Giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ tịch, cùng 5 thành viên gồm: PGS - TS Văn Giá, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, hoạ sĩ Thành Chương, hoạ sĩ Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành (Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa), đã tổ chức phiên chấm chung khảo cuối cùng, thảo luận về từng tác phẩm và cho điểm để chọn ra các giải thưởng.
Đa dạng giải thưởng
Giải Dế Mèn năm nay đã phát hiện và vinh danh hai tác giả nhí, với những tác phẩm được đánh giá cao, với những phẩm chất sáng tạo chuyên nghiệp sớm được bộc lộ.
Họa sĩ "nhí" Hoàng Nhật Quang giành giải "Khát vọng dế mèn".
Về bộ tranh của Hoàng Nhật Quang (11 tuổi), họa sĩ Thành Chương, thành viên Hội đồng Giám khảo, nhận xét: "Tôi xem bộ tranh này hơi bất ngờ. Bởi tạo hình cũng như các ý tưởng của tác giả nhí này rất phong phú. Không nghĩ cháu còn ít tuổi như thế. Việc đánh giá cháu ở hiện tại chỉ là một phần nhỏ, cái chính là thấy được tương lai cháu sẽ phát triển. Với họa sĩ nhí này, năng lực (năng khiếu) về tạo hình, trí tưởng tượng cũng như sự làm việc với những bức tranh lớn, tôi nghĩ cháu sẽ còn đi rất xa. Đây là trường hợp tôi đánh giá rất cao và tôi rất thích loạt tranh của cháu”.
Tác phẩm "Rong chơi" của Hoàng Nhật Quang (acrylic,150x360cm, 2022).
Với các tác phẩm của Thụy Phương (10 tuổi), nhà phê bình, PGS-TS Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo, nhận xét: "Thụy Phương có sức viết đáng nể so với độ tuổi, văn phong chỉn chu, kỹ lưỡng, với những câu văn chững chạc, chuyên nghiệp. Đây cũng là tín hiệu đáng quý cho tương lai của tác giả nhí này".
Tác giả "nhí" Đoàn Lữ Thụy Phương, 10 tuổi, giành giải "Tặng thưởng của Hội đồng giám khảo" với chùm bản thảo "Tôi, bố tôi, và…" và "Từ những bức thư".
Họa sĩ nhí Xèo Chu (sinh năm 2007) từng đoạt giải Khát vọng Dế Mèn lần 2 - 2021, nghe tin năm này có hai tác giả nhí đoạt giải, đã nhờ mẹ trích từ tiền bán tranh để gửi tặng mỗi tác giả 10 triệu đồng. Điều này cho thấy sức lan tỏa, sự đồng hành, chia sẻ của những tác giả từng có dấu ấn với giải Dế Mèn.
Đáng chú ý nữa, sau giải Hiệp sĩ Dế Mèn đầu tiên (lần 1 - 2020) được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, và sau 2 năm liên tiếp (2021 - 2022) không tìm được "Hiệp sĩ", thì năm nay đã có giải Hiệp sĩ Dế Mèn thứ 2 được trao nhà văn Trần Đức Tiến.
Nhà văn Trần Đức Tiến, sinh năm 1953, tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, hiện đang sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông viết cho cả thiếu nhi và người lớn. Khá nhiều tác phẩm của ông đã được đưa vào sách giáo khoa như "Giọt sương đêm" (Ngữ Văn 6, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo), "Cá chuồn tập bay" (Tiếng Việt 2, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo), "Bạn nhỏ trong nhà" (Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Kết nối tri thức), "Hoa cúc áo" (Tiếng Việt 4, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo), "Chân trời cuối phố" (Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Kết nối tri thức)…
Tác phẩm "A lô!... Cậu đấy à?" của nhà văn Trần Đức Tiến.
"A lô!... Cậu đấy à?", tác phẩm mới nhất của ông được đưa vào xét giải Dế Mèn năm nay (lọt vào Top 10 chung khảo), là sáng tác tiếp theo của cuốn đồng thoại nổi tiếng "Xóm Bờ Giậu "(2019). Theo tiêu chí của giải Dế Mèn được công bố trong Báo cáo Tổng kết của Hội đồng Giám khảo mùa giải thứ nhất năm 2020, thì hạng mục Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn vẫn giữ tiêu chí quan trọng nhất là trao cho tác giả có "sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc trong năm”, đồng thời có bề dày sáng tác, cống hiến cho thiếu nhi trong cả sự nghiệp của mình
Sự nghiệp sáng tác văn học thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến đã được ghi nhận bằng các giải thưởng như: Giải Nhì cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi của Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam (1992); Giải Nhì cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi của Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam (1997); Giải Nhất cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi của Bộ Giáo dục & Đào tạo & Hội Nhà văn Việt Nam (2005); Giải Nhất cuộc vận động sáng tác "Bước qua hai thế giới” do Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch tổ chức; Giải B, Giải thưởng Sách Quốc gia cho tác phẩm "Xóm Bờ Giậu" (2019).
Gia tài tác phẩm cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến, bên cạnh "A lô!... Cậu đấy à?" (NXB Kim Đồng, 2022), còn có 10 cuốn giúp ông đủ điều kiện để được "tấn phong” Hiệp sĩ Dế Mèn - giải thưởng danh giá dành cho cả sự nghiệp vì thiếu nhi của một nghệ sĩ.
Đó là "Ốc mượn hồn" (NXB Kim Đồng, 1992), "Vương quốc vắng nụ cười" (NXB Kim Đồng, 1993), "Dế mùa Thu" (NXB Kim Đồng, 1997;), "Thằng Cúp" (NXB Kim Đồng, 2001), "Làm mèo" (NXB Kim Đồng, 2003, tái bản 2015, 2023 – NXB Thời Đại, Dân Trí in lại), "Trăng vùi trong cỏ" (NXB Kim Đồng, 2006), "Chiếc lông ngỗng trời" (NXB Kim Đồng, 2011), "Những truyện hay viết cho thiếu nhi của Trần Đức Tiến" (NXB Kim Đồng, 2013), "Trên đôi cánh chuồn chuồn" (NXB Kim Đồng, 2015, tái bản 2020), "Xóm Bờ Giậu" (NXB Kim Đồng, 2019. tái bản 2020, 2021, 2022).
Khi được hỏi "Ông vẫn tiếp tục sáng tác cho thiếu nhi chứ?”, "Hiệp sĩ Dế Mèn” Trần Đức Tiến khảng khái: "Chắc chắn rồi! Chừng nào còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi”.
Nhà văn Mộc An giành giải "Giải Khát vọng Dế Mèn
Đánh giá chung về giải thưởng năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, khẳng định: Việc giải năm nay tìm được 1 Hiệp sĩ Dế Mèn, 4 Khát vọng Dế Mèn và 2 Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo là một kết quả khá toàn diện.
Nhà văn Uông Triều giành giải "Giải Khát vọng Dế Mèn".
Qua 4 mùa tổ chức, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn ngày càng chuyên nghiệp hơn, thu hút được sự chú ý, sự sáng tạo của đông đảo văn nghệ sĩ và thiếu nhi. Có rất nhiều tác phẩm tốt từ giải thưởng này đã góp thêm sự phong phú vào kho tàng nghệ thuật thiếu nhi. Và cứ mỗi năm, tác phẩm lại nhiều hơn, người tham gia đông đảo hơn và tác phẩm xem ra cũng chất lượng hơn. Đó là điều rất đáng mừng”.
Không chỉ dừng lại ở một lễ trao giải
Sau lễ trao giải, dự kiến ngày 8/6 tại TP Hồ Chí Minh, báo Thể thao và Văn hóa sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan làm triển lãm cá nhân đầu tiên cho Hoàng Nhật Quang. Mục đích chính của triển làm này là sau khi phát hiện, BTC Giải thưởng Dế Mèn muốn thêm một lần giới thiệu tác phẩm của Hoàng Nhật Quang đến với người thưởng lãm và báo đài tại TP.
Hoàng Nhật Quang và gia đình cũng muốn góp phần cho chương trình "Vì mái trường cho em” của báo Thể thao và Văn hóa, nếu có tác phẩm nào đó được bán. Đây là chương trình thiện nguyện được phát động từ ngày 14/4/2022, nhân kỷ niệm 40 năm Thể thao và Văn hóa ra số báo đầu tiên (21/8/1982 - 21/8/2022) với Á hậu Phương Anh và cầu thủ Duy Mạnh là Đại sứ. Thông qua hoạt động chủ yếu là đấu giá nghệ thuật, chương trình nhằm kết nối các văn nghệ sĩ, các Mạnh thường quân và ngành giáo ở các địa phương, nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.
Tới nay, chương trình đã vận động được 600 triệu đồng. Ngày 10/3/2023 trở thành cột mốc đáng nhớ với cô trò ở điểm trường Huổi Khoang, thuộc trường Mầm non Hoa Mai (xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) khi công trình lớp học mới chính thức được khánh thành. Công trình lớp học mới bao gồm 1 phòng học, 1 phòng công vụ và hệ thống vệ sinh khép kín trên tổng diện tích 63m² được xây dựng kiên cố, khang trang với tổng giá trị 312 triệu đồng. Ngoài ra, lớp học cũng được trang bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác chăm sóc, giảng dạy cho các bé, tất cả đều được làm thủ công bởi sự khéo léo từ đôi bàn tay các cô giáo nơi đây.
Nhân dịp khánh thành công trình lớp học, báo Thể thao và Văn hóa đã vận động, quyên góp, ủng hộ và trao tặng điểm trường mầm non Huổi Khoang, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nậm Mằn "Tủ sách Dế Mèn” với khoảng 500 cuốn sách, đồ dùng học tập, trong đó có những đầu sách do NXB Trẻ trao tặng Chương trình.
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.