Đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật trong hệ thống giáo dục bậc cao

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/6/2023 | 4:28:17 PM

Dẫu được xem là nhân tố chủ lực của ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo đầy tiềm năng trong thời đại số, nhưng hiện nay, nhiếp ảnh chủ yếu chỉ được đào tạo tại một số cơ sở giáo dục bậc cao về báo chí và điện ảnh ở nước ta.

Tiết thực hành của sinh viên chuyên ngành Ảnh báo chí, Học viện Báo chí tuyên truyền. (Ảnh: NHẬT QUANG)
Tiết thực hành của sinh viên chuyên ngành Ảnh báo chí, Học viện Báo chí tuyên truyền. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Nằm trong khuôn khổ của sự kiện Photo Hanoi’23, tọa đàm "Nhiếp ảnh nghệ thuật trong giáo dục bậc cao” đã đặt ra những vấn đề bức thiết liên quan đến công tác đào tạo ngành nhiếp ảnh. Chương trình do Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cần nhiều hơn các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ nhiều cơ sở đào tạo nhiếp ảnh trong và ngoài nước, các diễn giả trong tọa đàm đã nêu lên hiện trạng, chỉ ra những khó khăn trong hoạt động đào tạo về nhiếp ảnh, đồng thời đề xuất một số gợi ý cho việc phát triển đào tạo về nhiếp ảnh ở Việt Nam hiện nay.

Đặt vấn đề tại sự kiện, PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: "Quan niệm về nhiếp ảnh ở Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vượt thoát ra khỏi những khuôn khổ cũ. Thực tế, vẫn còn tồn tại khoảng cách tương đối lớn trong cách nhìn nhận nhiếp ảnh như một lĩnh vực nghệ thuật thực thụ từ các hệ thống đào tạo chuyên sâu cho đến từng cá nhân thực hành”.

Hiện nay, ở nước ta, nhiếp ảnh chủ yếu được đào tạo tại một số trường chuyên giảng dạy về báo chí hoặc điện ảnh. Và dù có không ít cộng đồng thực hành nhiếp ảnh, nhưng phần đa các sản phẩm được giới thiệu vẫn dừng lại ở ảnh tư liệu và ảnh thương mại hơn là ảnh nghệ thuật.

Việc thiếu vắng những cơ sở đào tạo kiến thức và thực hành chuyên sâu cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự ra đời và phát triển đúng nghĩa của thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) là một trong số ít các cơ sở giáo dục chính quy trên toàn quốc có chương trình giảng dạy riêng biệt về ngành nhiếp ảnh nghệ thuật, bao gồm 2 phân môn kép là Video Art và Nghệ thuật sắp đặt.

Tiến sĩ Phan Lê Chung, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) cho biết: "Việc đào tạo ngành nhiếp ảnh nghệ thuật được chúng tôi ấp ủ từ năm 2011, nhưng mãi đến năm 2013 mới đưa vào giảng dạy chính thức. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đầu triển khai, đội ngũ giảng viên của trường gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất đến 2 năm sau, hệ thống kiến thức và các giáo trình của ngành mới dần được hoàn thiện”.

Đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật trong hệ thống giáo dục bậc cao ảnh 1
Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) xác định nhiếp ảnh là ngành đào tạo mũi nhọn của nhà trường. (Ảnh: NVCC)

Thách thức đối với hoạt động đào tạo và thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật không chỉ là câu chuyện riêng lẻ của từng cá nhân, tổ chức hay cơ sở. Vấn đề trên cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của toàn bộ hệ thống quản lý và đào tạo về nhiếp ảnh ở nước ta.

Điều này đặt ra trách nhiệm cho các trường cao đẳng, đại học không chỉ chú trọng vào việc phát triển về số lượng và chất lượng nhân lực; mà còn cần thay đổi về định hướng tư duy, xây dựng những sản phẩm nhiếp ảnh gắn liền với tạo ra các giá trị mới trong quan niệm thẩm mỹ.

Ngoài ra, nhiếp ảnh nghệ thuật cũng cần được soi sáng dưới góc nhìn tiếp cận liên ngành, đặt trong quan hệ mật thiết với sự phát triển công nghệ số, xem xét trong mối tương quan với các loại hình nghệ thuật thị giác. Chỉ khi làm được điều đó, ngành nhiếp ảnh mới có thể nhanh chóng nắm bắt thị hiếu của công chúng, đóng góp những tác phẩm có giá trị nhân văn cho cộng đồng.

Chú trọng nền tảng nghệ thuật trong giảng dạy nhiếp ảnh

Để xây dựng những chương trình đào tạo chuyên nghiệp, phù hợp với thực tiễn, hoạt động nghiên cứu nhằm xác định vị thế và giá trị của nhiếp ảnh trong tiến trình hình thành của nghệ thuật đương đại là vô cùng cần thiết.

Ngay từ khi ra đời, nhiếp ảnh đã thách thức không ít loại hình nghệ thuật truyền thống như hội họa hay điêu khắc, bởi độ sắc nét và tính chân thực khi tái tạo cuộc sống bằng hình ảnh chỉ thông qua một cú bấm máy.

Song song với sự tiến bộ của công nghệ số, nhiếp ảnh đã trở thành một mắt xích không thể tách rời khỏi hoạt động sống của xã hội hiện đại. Dưới nhiều hình thức đa dạng, loại hình này đã len lỏi vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, trở thành công cụ đắc lực để con người lưu trữ, sáng tạo và truyền tải thông tin.

Ông Pascal Beausse, Giám đốc phụ trách Bộ sưu tập nhiếp ảnh tại Trung tâm quốc gia Nghệ thuật Pháp, cho rằng, vấn đề ở đây không phải là xem xét nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật mà là cần nhìn nhận tính nghệ thuật trong nhiếp ảnh. Vào thời điểm nhiếp ảnh ra đời, nghệ thuật thị giác buộc phải biến hóa để trở nên phù hợp với bối cảnh và xu hướng chung trên thế giới.

"Các quốc gia cần có những cơ sở đào tạo chính quy để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Họ sẽ là những nhiếp ảnh gia, giám tuyển, nhà phê bình, nhà nghiên cứu, tư vấn viên… sở hữu kiến thức về nền nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng”, ông Pascal Beausse chia sẻ thêm.

Đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật trong hệ thống giáo dục bậc cao ảnh 2

Nhiếp ảnh là một trong những ngành nghề nhận được nhiều sự quan tâm trong các ngày hội tư vấn tuyển sinh ở nước ta. (Ảnh: NGỌC KHÁNH)

Mọi chuẩn mực đối với nghệ thuật đều có tính tương đối. Thế nhưng, nó cũng yêu cầu từng cá nhân thực hành phải tuân theo những quy luật nhất định trong quá trình sáng tạo. Đây là nền tảng cho sự phát triển của mọi loại hình, bao gồm cả nhiếp ảnh. Vì vậy, chương trình đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật không chỉ cần tập trung giảng dạy các kỹ năng, kỹ thuật chụp mà còn cần đề cao về năng lực thẩm mỹ của mỗi sinh viên.

Thạc sĩ Đồng Hiếu, nhiếp ảnh gia, giảng viên Khoa Nhiếp ảnh, Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội so sánh: "Ai cũng có thể viết và sử dụng thuần thục con chữ hằng ngày, nhưng rõ ràng không phải ai cũng là nhà văn. Việc trở thành một nhiếp ảnh gia nghệ thuật chuyên nghiệp cũng tương tự như thế”.

Muốn tạo ra những sản phẩm nhiếp ảnh có giá trị, những người theo đuổi công việc này nên hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của hoạt động chụp. Nếu như ảnh báo chí chú trọng về thông tin, ảnh thương mại hướng đích đến cuối cùng là lợi nhuận, thì ảnh nghệ thuật lại tạo ra cái đẹp, mang đến giá trị chân-thiện-mỹ cho cuộc sống. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải am hiểu sâu sắc về thế giới, có cá tính sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu, trong thời gian tới, Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự định sẽ xây dựng chương trình đào tạo cử nhân nghệ thuật thị giác. Cùng với hội họa và điêu khắc, nhiếp ảnh là một trong những hợp phần quan trọng được cấu thành trong chuyên ngành này. Đây là tín hiệu tích cực của công tác nghiên cứu, mở ra hướng đi mới cho việc đào tạo và phát triển ngành nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp ở nước ta.

Theo Báo NDĐT (NQ)

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục