Không chỉ là sân chơi nghệ thuật để giới nghệ sĩ sân khấu giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, Liên hoan còn là dịp những người làm nghề nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá diện mạo sân khấu nước nhà, từ đó tìm hướng bảo tồn và phát triển...
Liên hoan Các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức. Hội tụ 106 trích đoạn tiêu biểu thuộc nhiều loại hình sân khấu (chèo, tuồng, cải lương, kịch dân ca, kịch nói, xiếc), Liên hoan thật sự làm nên một "đại tiệc” nghệ thuật giàu sắc màu, cảm xúc.
Sự phong phú, đa dạng về đề tài lịch sử, truyền thống, dân gian, hiện đại trong các trích đoạn là minh chứng sinh động về ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của hơn 1.000 nghệ sĩ đến từ 33 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước.
Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan nhìn nhận, dù chỉ diễn với thời lượng ngắn nhưng phần lớn các trích đoạn đều có kết cấu hợp lý, giúp người xem hiểu được nội dung chuyển tải, qua đó gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, nhân văn về khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp; lên án cái xấu xa, thấp hèn và gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp, tha hóa về đạo đức, nhân cách...
Tiêu biểu phải kể tới "Những vì sao không tắt” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam), "Sóng hận Lục Đầu Giang” (Nhà hát Tuồng Việt Nam), "Oan khuất một thời” (Nhà hát Chèo Hà Nội), "Chôn hề” (Nhà hát Chèo Ninh Bình), "Cúc ơi” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), "Đêm trắng” (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Dòng sông đỏ” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) - là những trích đoạn đã giành giải Xuất sắc tại Liên hoan khi đáp ứng hầu như trọn vẹn các tiêu chí về dàn dựng và diễn xuất, nội dung và nghệ thuật.
Đặc biệt, với 29 trích đoạn kinh điển của nghệ thuật tuồng, chèo truyền thống, các thành phần sáng tạo đã giữ được nguyên tắc, đặc trưng cốt lõi của từng loại hình; giữ được các trò diễn, trò nhời và tiếp nhận, phát huy những giá trị ông cha để lại với tiết tấu mới, phù hợp sự tiếp nhận của khán giả trẻ hôm nay.
54 Huy chương vàng, 60 Huy chương bạc trao cho các diễn viên là kết quả xứng đáng ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn đã tỏa sáng trên sân khấu với "thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”, tạo nên nhiều thang bậc xúc cảm cho người xem qua những vai diễn ấn tượng.
Đáng chú ý, có tới 85/106 trích đoạn dự Liên hoan thuộc các loại hình kịch hát truyền thống. Đây là minh chứng sinh động khẳng định khát vọng sáng tạo, nỗ lực gìn giữ "lửa” nghề của những người làm nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay.
Thật xúc động khi nhiều diễn viên, nhất là những diễn viên ở đơn vị ngoài công lập, đã phải tự đầu tư kinh phí để có thể xây dựng tác phẩm trích đoạn dự Liên hoan. Hội đồng Giám khảo Liên hoan nhận định: Đó là tâm huyết, sự đam mê, trách nhiệm với nghề nghiệp của người nghệ sĩ.
Theo NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đây là liên hoan sân khấu có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất từ trước đến nay. Điểm mới ở liên hoan này là ngoài việc chấm cho diễn viên chính, Hội đồng Giám khảo còn chấm cho cả những diễn viên phụ tham gia diễn xuất trong trích đoạn.
Diễn viên phụ nếu khắc họa được hình tượng nhân vật điển hình, thể hiện được tính cách nhân vật độc đáo vẫn được trao huy chương. Điều này đã góp phần tăng tính hấp dẫn của liên hoan, đồng thời kích thích diễn viên thể hiện vai diễn hết mình.
Tuy vậy, bên cạnh điểm sáng, liên hoan vẫn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Đánh giá về chất lượng nghệ thuật của liên hoan tại lễ bế mạc, nhà viết kịch, TS Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo thẳng thắn: Xét về mặt lý thuyết, tất cả các đơn vị sẽ mang đến các trích đoạn dự thi hay nhất của mình; song trên thực tế, một số trích đoạn dự thi còn rất nghiệp dư.
Tính nghiệp dư thể hiện ở nội dung, kết cấu trích đoạn, phương pháp nghệ thuật, cách thức dàn dựng, hình thức thể hiện và công tác hậu đài.
Có trích đoạn kết cấu không có mở đầu, không có kết thúc khiến Hội đồng Giám khảo phải kín đáo đưa mắt hỏi nhau xem trích đoạn chuyển tải thông điệp gì, và cả bảy thành viên đều không có câu trả lời.
TS NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG
Bên cạnh đó, có những trích đoạn về đề tài hiện đại bị ê-kíp sáng tạo hư cấu tới mức... phản cảm. Những câu chuyện có thật ở cuộc sống bị cường điệu thái quá, tạo ra hình tượng nhân vật vô lý, ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức thẩm mỹ và tâm lý, cảm xúc của người xem.
Liên quan công tác đạo diễn, TS Nguyễn Đăng Chương cho rằng, vẫn tồn tại sự phóng túng thái quá trong xử lý trò diễn, trò nhời ở một số trích đoạn về đề tài dân gian và hiện đại, dẫn đến làm hỏng kết cấu trích đoạn, làm lu mờ sự lấp lánh của nhân vật và diễn viên.
Liên hoan có tới sáu trích đoạn "Đôi lứa xứng đôi” được phóng tác dàn dựng từ tác phẩm "Chí Phèo”, nhưng phần lớn đều giống nhau như "đúc từ một khuôn”. Ba nhân vật trong trích đoạn giống nhau từ hóa trang, phục trang, đạo cụ, tới cách thức biểu lộ tình cảm, động tác hình thể, dáng đi, tiếng cười và xử lý không gian sân khấu…
Đây là minh chứng thực tế về sự xáo mòn, già cỗi, lặp lại, nhâm nhi quá khứ của người sáng tạo, biến nghệ sĩ biểu diễn trở thành "thợ diễn”... đã xuất hiện trên sân khấu đây đó nhiều năm qua.
Thêm một "tiếng thở dài” từ liên hoan là tình trạng các đơn vị vội đến diễn rồi vội đi ngay vì không đủ kinh phí ở lại. Mục tiêu giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các đoàn vì thế không trọn vẹn. Đây cũng là "điểm nghẽn” chưa được tháo gỡ, tồn tại hàng chục năm qua ở các liên hoan sân khấu.
Từ thực tế tại liên hoan lần này, giới chuyên môn nhận ra sự chênh lệch khá lớn về chất lượng nghệ thuật giữa các đơn vị chuyên nghiệp. Nhiều đơn vị hiện đang lâm vào khủng hoảng cả về lượng và chất của đội ngũ diễn viên.
Theo Hội đồng Giám khảo, một trong những nguyên nhân chính là do các địa phương đã sáp nhập, tinh giản một cách cơ học các đơn vị nghệ thuật khi sắp xếp lại biên chế bộ máy. Đây là những hạn chế cần được nhìn nhận thẳng thắn và thực chất để kịp thời tháo gỡ nhằm giữ gìn các giá trị sân khấu truyền thống, tiếp tục đồng hành được với dòng chảy cuộc sống hôm nay.
Điều đó đòi hỏi cần sớm có chính sách đặc thù dành cho các nghệ sĩ sân khấu truyền thống; có chính sách đào tạo nguồn nhân lực để lấp khoảng trống về đội ngũ sáng tạo, biểu diễn sân khấu, để họ yên tâm sống được bằng nghề, theo đuổi đam mê và cống hiến.
Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp phối hợp để các địa phương quan tâm hơn đến việc đầu tư kinh phí cho các đơn vị xây dựng tác phẩm, đi lại, lưu trú khi tham gia các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp cấp quốc gia. Có như vậy, những liên hoan sân khấu mới thật sự là ngày hội nghề nghiệp đúng nghĩa, đem lại hiệu quả tích cực trong thúc đẩy chất lượng sáng tạo nghệ thuật.
Theo Báo NDĐT (NQ)