Để hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trở về với chính chủ nhân của nó là hết sức cần thiết, thiêng liêng, ý nghĩa, việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao trả kỷ vật nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc ngày 22/7/2023 là hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực tiếp tục tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước; nâng cao ý nghĩa giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Lưu giữ Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thắng lợi, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve về kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, các bên tham chiến thực hiện cuộc tập kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực. Vĩ tuyến 17 được lấy làm ranh giới quân sự tạm thời 2 miền đất nước và dự định sẽ thống nhất bằng một cuộc tuyển cử tự do vào tháng 7/1956.
Để bảo đảm thống nhất lãnh đạo cuộc vận động lập quan hệ Bắc - Nam, ngày 14/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định về việc thành lập Ban Quan hệ Bắc-Nam. Một trong những nhiệm vụ của Ban Quan hệ Bắc-Nam là "nghiên cứu chính sách, theo dõi và góp ý kiến đối với các cơ quan phụ trách về sự thực hiện chính sách đối với đồng bào, cán bộ, gia đình cán bộ miền Nam ra tập kết hoặc tự động ra ở miền Bắc, đối với đồng bào miền Nam đi lại miền Bắc”. Năm 1960, Ban Quan hệ Bắc-Nam đổi tên thành Ủy ban Thống nhất, từ năm 1974 có tên là Ủy ban Thống nhất Chính phủ.
Gặp gỡ các cán bộ đi B nhân dịp Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 |
Từ năm 1959, hàng đoàn cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam công tác và làm nhiệm vụ bí mật, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, giải phóng miền Nam, với biệt danh: đi B. Đi B: là nhiệm vụ bí mật, biệt danh của cán bộ vào Nam trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, giải phóng miền Nam.
Trước khi đi, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ, họ chỉ được mang theo những đồ dùng cá nhân do Ủy ban cấp.
Từ khi tiếp nhận, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tiến hành phân loại tài liệu, thống kê, sắp xếp, chỉnh lý khoa học đối với khối tài liệu Hồ sơ, kỷ vật đi B. Hồ sơ được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên gọi của cán bộ theo địa phương là quê quán hay nơi sinh của cán bộ đi B (tên tỉnh, thành phố).
Toàn bộ danh mục hồ sơ, tài liệu đã được xây dựng cơ sở dữ liệu có đầy đủ thông tin phục vụ việc quản lý, đặc biệt, phần mềm cơ sở dữ liệu thân thiện, với nhiều trường thông tin (họ tên, bí danh, quê quán, thời gian đi B, cơ quan trước khi đi B…) phục vụ nhanh chóng nhu cầu tra cứu, tra tìm quản lý và phát huy giá trị của khối tài liệu này.
Song song với dữ liệu trên máy tính, toàn bộ mục lục hồ sơ tài liệu còn được in thành các bộ mục lục phục vụ cho việc tra cứu tại phòng Đọc của Trung tâm.
Hiện nay, sau khi tiến hành chỉnh lý, sắp xếp khoa học, khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B với khoảng 72.000 hồ sơ do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý, trong đó, 55.722 hồ sơ cán bộ đi B đã xác định được từ 89 địa phương trong cả nước (theo địa giới hành chính trước năm 1975).
Một số giấy tờ trong Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B Niê Y Xuân (Đắk Lắk) |
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B gồm nhiều loại giấy tờ khác nhau, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như chứng minh thư nhân dân, sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn, các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác; quyết tâm thư, Đơn tình nguyện đi B; các giấy tờ chứng nhận trình độ học tập như chứng chỉ và bằng cấp … còn có rất nhiều các loại kỷ vật của cán bộ như Huân chương, Huy chương, Huy hiệu, giấy khen, bằng khen, Album ảnh, Nhật ký, sổ tay, hay những kỷ vật có giá trị vật chất như thẻ tiết kiệm, phiếu thu tiền, vàng, công trái … mỗi một thành phần, nội dung giấy tờ, kỷ vật sẽ là một phần, một mảnh ghép ký ức của cán bộ đi B.
Đây là những hồ sơ, kỷ vật tiêu biểu được lựa chọn trong số 72.000 hồ sơ của cán bộ đi B các địa phương ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam gồm nhiều kỷ vật là các giấy tờ cá nhân như: Giấy chứng minh, Ảnh, Thẻ tiết kiệm, Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen và những giấy tờ, kỷ vật cá nhân khác để trao trả cho cán bộ đi B và thân nhân cán bộ đi B. Chủ nhân của hồ sơ, kỷ vật là những người có công với đất nước, trong đó có các thương binh, liệt sĩ, người bị tù đày, người có nhiều thành tích trong kháng chiến...
Câu chuyện về tâm thư gửi lại
Mỗi người là một hành trình, mỗi người một câu chuyện, mỗi kỷ vật là một miền ký ức của người cán bộ đi B. Giữa những câu chuyện cuộc đời qua hàng nghìn Hồ sơ, kỷ vật như những thước phim quay chậm khi chạm vào ký ức của những người cán bộ tình nguyện vào chiến trường khói lửa để làm nhiệm vụ đặc biệt: đi B, có những câu chuyện hết sức đặc biệt.
Câu chuyện cuộc đời cán bộ đi B Lê Văn Bôi (Bí danh Kim Sơn), sinh quán tại Thôn Thượng Phước, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị không khỏi làm lay động trái tim, cảm xúc của người nghe. Những kỷ vật gắn với những miền ký ức của ông cũng rất riêng, gồm: Lý lịch, Phiếu cá nhân, Giấy tờ đảng viên như Bản khai lập sổ Đảng viên, Phiếu chuyển Đảng, Phiếu báo… ; Giấy chứng nhận, giấy giới thiệu đăng ký nghĩa vụ quân sự, Thẻ cán bộ… Trong Hồ sơ của ông còn có một kỷ vật là thẻ tiết kiệm mang tên Lê Văn Bôi được gửi năm 1963.
Thẻ tiết kiệm của cán bộ đi B Lê Văn Bôi (Quảng Trị). Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, hồ sơ 42304, tờ 33. |
Theo Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ (nay do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý), Ông Lê Văn Bôi, sinh ngày 20/5/1923. Khi còn nhỏ, ông cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, ngày ngày chăn bò, phụ giúp cha mẹ làm ruộng. Lớn lên, được giác ngộ, ông đã tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà. Ông là người cán bộ nhiệt huyết, có quá trình đóng góp cho quê hương, đất nước, cho cách mạng một cách bền bỉ, miệt mài. Ông được kết nạp Đảng ngày 01/8/1948, khi mới 25 tuổi.
Những năm diễn ra cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, ông tích cực tham gia hoạt động trong tiểu đội du kích xã Triệu Sơn quê hương, là Tiểu đội trưởng đội du kích.
Trải qua những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tích cực hoạt động với nhiều nhiệm vụ khác nhau: là du kích chiến rồi giao thông viên, là Trưởng ban Giao thông xã Triệu Sơn, đi học văn hóa, tham gia công an xã và đảm nhiệm trọng trách là Phó Ban Công an xã, thường vụ nông hội xã, cán sự ủy ban xã rồi công tác tại Văn phòng đại đội Cảnh vệ tỉnh Quảng Trị,…
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông tiếp tục lao hoạt động, sau đó tập kết ra miền Bắc, mang theo tinh thần, hành trang của người cán bộ cách mạng yêu nước. Trên miền Bắc lúc này hoàn toàn được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông tích cực lao động, sản xuất trên nhiều lĩnh vực khác nhau: là quản lý nhà trường cán bộ miền Nam thuộc Ban Thống nhất Trung ương, sau đó chuyển sang làm quản lý nhà ăn tập thể Cơ khí Hà Nội, rồi thủ kho phân xưởng đúc gang, Đốc công phân xưởng thép… ở cương vị nào ông cũng đạt được những thành tích quan trọng.
Ông nhận nhiều giấy khen về học tập văn hóa tích cực, về lao động xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, về thành tích công tác xây dựng tổ chức công đoàn… đặc biệt, năm 1961, ông được Chính phủ tặng khen Huy chương hạng Nhất vì đã có thành tích tham gia kháng chiến…
Cuộc sống là một hành trình không mệt mỏi, không màng khó khăn, nguy hiểm, khi cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam diễn ra ác liệt, với tinh thần của người cách mạng trung kiên, yêu nước, theo tiếng gọi của miền Nam, Ông Lê Văn Bôi lại xung phong tình nguyện lên đường về Nam phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc.
Trước khi lên đường, ông đã gửi lại toàn bộ Hồ sơ, giấy tờ cá nhân của mình lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Ngày 06/02/1963, ông đã viết những dòng chữ tâm thư nhắn nhủ, trăn trở viết vội trên mẩu giấy nhỏ, ai biết trước được rằng đó là sự dặn dò như một dự báo về cuộc đời ông, về hành trình của những hồ sơ, kỷ vật gắn với cuộc đời ông.
Lời nhắn nhủ của cán bộ Lê Văn Bôi trước khi đi B, viết ngày 06/02/1963. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, hồ sơ 42304, tờ 33. |
"Đề nghị các đồng chí phụ trách hồ sơ sau khi thống nhất nước nhà không có người nhận thì gởi số tiền đó cho đứa con trai của tôi là Lê Tùng hay mẹ tôi là Bùi Thị Miễn còn anh em là Lê Thủ và Lê Phàn hiện nay còn ở trong Nam”.
Những ngày tháng 7 tri ân, được sự cho phép và sự nỗ lực kết nối của các cơ quan tổ chức các cấp, trong thời gian ngắn, chúng tôi được tiếp cận với thân nhân của cán bộ đi B Lê Văn Bôi, với những kỷ vật đặc biệt, và tinh thần: những giấy tờ cá nhân sẽ được trả lại để trở về với chủ nhân, các bước xác minh thông tin lý lịch làm chúng tôi không khỏi xúc động, ngỡ ngàng… Ông đã ra đi, mẹ ông cũng trở về cõi xa, con trai ông là liệt sỹ Lê văn Tùng. Vợ ông là Bùi Thị Mảng được Truy tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ông được một người cháu ruột Lê Chương là con của người anh em trai thờ cúng, hiện đang sinh sống tại thôn Thượng Phước, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cuộc sống vô thường, 60 năm sau ngày ông gửi lại hành trang, tài sản và lời nhắn nhủ lúc lên đường "đi giữ nước” của mình cho cơ quan tổ chức, ai nghĩ đó sẽ là những dòng di thư dự báo về cuộc đời ông và những kỷ vật ông để lại…
Những kỷ vật của ông sẽ được về bên ông và những người thân của ông tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), vào ngày 22/7/2023 tại Nhà hát Sông Hương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nỗi mong chờ và niềm vui vỡ òa khi kỷ vật trở về...
Mong rằng, những bộ hồ sơ của lớp những người như ông, thế hệ cha ông gìn giữ quê hương, thế hệ các ông đã tái sinh đất nước, sẽ sớm được trở về với chủ nhân, với gia đình, ở nơi xa xôi, ông sẽ mỉm cười thỏa nguyện năm xưa…
Phát huy giá trị hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B
Khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là nguồn tài liệu quý giá và có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phản ánh hoạt động của một cơ quan, tổ chức trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn chứa đựng những hồ sơ, kỷ vật thiêng liêng của các cá nhân đi B.
Với những giá trị, ý nghĩa to lớn, đặc trưng riêng, khác với những khối tài liệu lưu trữ khác, khối Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt, những năm gần đây, khi Pháp lệnh "Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” được ban hành thì nhu cầu khai thác khối tài liệu này càng lớn.
Trong thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao trả bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, trong đó có dữ liệu danh mục và 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B. Sau khi tiếp nhận, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh sách cán bộ đi B và tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B.
Một số giấy tờ trong Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B Trần Hữu Thiệp (Thừa Thiên-Huế) |
Đồng thời, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại Phòng Đọc Trung tâm. Trung tâm còn tổ chức các hoạt động như trưng bày, triển lãm, đăng tin, bài giới thiệu Hồ sơ đi B để thông tin đến nhân dân, cán bộ đi B và thân nhân… Đến nay có khoảng 40% cán bộ đi B, thân nhân đã nhận được bản sao Hồ sơ, kỷ vật của mình.
Trung tâm mong muốn giới thiệu rộng rãi khối Hồ sơ, kỷ vật nhằm thiết thực thông tin để cán bộ đi B và người thân sớm biết được và nhận lại Hồ sơ kỷ vật của mình. Đồng thời, Trung tâm cũng mong muốn được tiếp nhận những kỷ vật chiến trường và kỷ vật sau chiến tranh của những cán bộ đi B để quản lý trọn vẹn những ký ức, kỷ vật xuyên suốt hành trình ra đi và trở về của những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo Báo NDĐT (NQ)