Để nghệ nhân yên tâm cống hiến
- Cập nhật: Thứ tư, 26/7/2023 | 2:09:50 PM
Với đặc thù di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với con người, từ quá trình sáng tạo, thực hành đến trao truyền không thể thiếu vai trò của các nghệ nhân - “linh hồn”, “báu vật sống” của cộng đồng.
Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Tích (thứ hai từ phải sang), xã Sơn Hải (Lục Ngạn) biểu diễn hát Then, đàn Tính.
|
Trao truyền di sản quý
Ông Nguyễn Văn An (SN 1939), dân tộc Sán Dìu, thôn Bèo, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) có nhiều đóng góp đối với việc bảo tồn dân ca Sán Dìu. Được mẹ dạy hát dân ca Sán Dìu từ thời thiếu niên, sau này lớn lên, ông tiếp tục truyền dạy cho nhiều người dân trong và ngoài xã. Năm 2009, ông vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) dân ca Sán Dìu xã Giáp Sơn. Đây là CLB dân ca đầu tiên của huyện Lục Ngạn, sau này lan tỏa ra nhiều xã khác.
Đến nay, ông An dạy cho khoảng 200 người biết hát dân ca dân tộc Sán Dìu. Ông còn biên soạn sách về dân ca, cùng ban chủ nhiệm CLB vận động, kết nạp thành viên trẻ vào sinh hoạt, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Năm 2015, ông An được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT), năm 2022, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND).
Bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Ngạn cho biết: Toàn huyện có 32 CLB hát dân ca, trong đó có 9 CLB dân ca Sán Dìu. Qua các đợt bình xét, phong tặng của Nhà nước, huyện có 8 NNƯT, 1 NNND. Đây là những người có công sức, đóng góp rất lớn cho việc lưu truyền dân ca dân tộc thiểu số. Không chỉ truyền dạy, nhiều nghệ nhân là chủ nhiệm CLB tổ chức cho các thành viên đi học hỏi kinh nghiệm, giao lưu ở nhiều nơi nhằm lan tỏa di sản văn hóa trong cộng đồng.
Ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng), NNƯT Nguyễn Văn Thêm (SN 1950), Chủ nhiệm CLB Chèo của huyện cũng dày công khôi phục, sưu tầm, gìn giữ những làn điệu chèo trên vùng đất Phượng Hoàng. Yên Dũng có nhiều làng chèo truyền thống song trải qua thăng trầm của lịch sử, các làng chèo bị mai một, tiếng chèo vì thế cũng trầm lắng.
Suốt nhiều năm, ông Thêm lặn lội đến khắp các xã, thị trấn trong huyện tìm hiểu, gặp gỡ những người am hiểu về chèo để tìm hiểu về nguồn cội, các tích chèo ở mỗi miền quê còn lưu giữ, đồng thời dày công nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu về hát chèo.
Năm 2005, ông đề xuất cấp có thẩm quyền thành lập CLB chèo của huyện, được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Hiện nay, CLB có gần 30 thành viên duy trì sinh hoạt đều đặn. Ngoài khôi phục những điệu chèo truyền thống, ông tìm hiểu, sưu tầm tư liệu về các di tích lịch sử, văn hóa, kịp thời nắm bắt các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của huyện để sáng tác bài hát, viết kịch bản và dàn dựng hoạt cảnh chèo để tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân. "Điều tôi tâm đắc nhất đó là khôi phục được nghệ thuật chèo truyền thống từng bị mai một”, ông chia sẻ.
Thực hiện Nghị định số 62 ngày 25/6/2014 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, qua 3 đợt xét tặng (2015, 2017, 2020), tỉnh Bắc Giang có 38 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu NNƯT; 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NDND. |
Với đặc thù di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với con người, từ quá trình sáng tạo, thực hành đến trao truyền không thể thiếu vai trò của đội ngũ nghệ nhân - "linh hồn”, "báu vật sống” của cộng đồng. Bằng tài năng, sự tâm huyết, các nghệ nhân là những người trực tiếp tham gia vào việc sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thực hiện Nghị định số 62 ngày 25/6/2014 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, qua 3 đợt xét tặng (2015, 2017, 2020), tỉnh Bắc Giang có 38 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu NNƯT; 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NDND.
Động viên, khích lệ kịp thời
Đến nay số nghệ nhân còn sống là 33 người (4 NNND, 29 NNƯT). Các nghệ nhân luôn tâm huyết, gìn giữ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tích cực tham gia truyền dạy cho học viên các CLB ở cộng đồng, nhất là các học viên trẻ với tinh thần tự nguyện; tham gia các hội thi, liên hoan cấp khu vực, quốc gia đạt được nhiều thành tích.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quang Hải (thứ 2, từ phải sang) trò chuyện với các nghệ nhân về công tác bảo tồn di sản văn hóa. |
Việt Yên là huyện có số nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhiều nhất với tổng số 22 người (3 người đã mất). Bà Dương Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện cho biết: Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của huyện có công sức đóng góp rất lớn của các nghệ nhân.
Như "con tằm nhả tơ", suốt mấy chục năm qua, các nghệ nhân nhiệt huyết, tận tình, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn vất vả tích cực truyền dạy miễn phí những làn điệu dân ca cho người dân trong vùng, nhất là lớp trẻ. Hằng năm, vào các dịp đặc biệt, UBND huyện, các xã, thị trấn đều tặng quà để động viên, khích lệ các nghệ nhân.
Các nghệ nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu được kèm tiền tiền thưởng một lần. Cùng đó, một số địa phương cũng đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ. Ví như năm 2022, UBND huyện Lục Ngạn ban hành Đề án Phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. UBND huyện hỗ trợ các nghệ nhân, người có uy tín tham gia giảng dạy tiếng nói, hát dân ca với mức 3 triệu đồng/1 nghệ nhân hoặc người có uy tín/1 lớp.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết hỗ trợ NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Theo đề xuất, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với NNND và 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với NNƯT. Khi nghệ nhân mất được hỗ trợ chi phí mai táng với mức 7 triệu đồng. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành thực hiện các bước tiếp theo để xây dựng nghị quyết, dự kiến trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp vào tháng 12 năm nay.
Theo ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm động viên các nghệ nhân tiếp tục sáng tạo, thực hành, truyền dạy để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của địa phương đối với những đóng góp của các nghệ nhân.
Theo BGĐT(NQ)
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.