Đề nghị YouTube khôi phục hơn 3.000 video bị xóa thiếu căn cứ

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/8/2023 | 10:30:08 AM

Mới đây, chủ sở hữu bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo là Sconnect Việt Nam đã gửi báo cáo tới các cơ quan chức năng Việt Nam để được tiếp tục hỗ trợ trao đổi với YouTube về việc ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền thiếu căn cứ từ phía chủ sở hữu nhân vật hoạt hình Peppa Pig, đồng thời đề nghị YouTube khôi phục hơn 3.000 video hoạt hình Wolfoo bị xóa khỏi nền tảng này.

Hoạt hình Wolfoo được sáng tạo bởi đội ngũ họa sĩ, biên kịch, kỹ thuật viên người Việt.
Hoạt hình Wolfoo được sáng tạo bởi đội ngũ họa sĩ, biên kịch, kỹ thuật viên người Việt.

Bốn cơ quan tiếp nhận báo cáo gồm: Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA).

Trước đó, việc YouTube xóa nhiều video và khóa một số kênh hoạt hình Wolfoo cũng đã từng xảy ra trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo (do Sconnect Việt Nam sở hữu) và Peppa Pig (do Entertainment One UK Limited tại Vương Quốc Anh - gọi tắt là eOne hay EO sở hữu) từ đầu năm 2022.

Hai bên đã và đang khởi kiện lẫn nhau tại tòa án các nước: Nga, Anh và Việt Nam. Trong đó, vào tháng 6/2022, Hội đồng chuyên gia văn hóa, nghệ thuật của Nga sau khi phân tích so sánh về bộ nhân vật Wolfoo và bộ nhân vật Peppa Pig đã đưa ra kết luận: "Bộ nhân vật Wolfoo là sự sáng tạo độc lập hoàn toàn và không phải là sản phẩm làm lại, phái sinh của bộ nhân vật Peppa Pig”.

Cuối năm 2022, Tòa án thành phố Moskva (Liên bang Nga) đã xét xử vụ kiện Sconnect Việt Nam kiện EO và ra phán quyết chấp nhận một phần các yêu cầu của Sconnect Việt Nam, tuyên EO phải nộp 240.000 rub để bồi thường cho chủ sở hữu bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo.

Tuy nhiên, EO vẫn sử dụng công cụ đánh bản quyền của YouTube để gây bất lợi cho Sconnect Việt Nam, khiến nhiều video cũ bị xóa còn video mới không thể đăng tải.

Để bảo vệ hoạt hình Wolfoo - sản phẩm nội dung số "Make in Vietnam” đạt tới 2 tỷ lượt xem/tháng và được phổ biến trên các nền tảng số toàn cầu với 17 ngôn ngữ, tháng 9/2022, Sconnect Việt Nam đã có đơn khiếu nại gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công thương; Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Sconnect trên môi trường số, cụ thể là trên nền tảng YouTube.

Đề nghị YouTube khôi phục hơn 3.000 video bị xóa thiếu căn cứ ảnh 1

Bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo được trẻ em yêu thích tại nhiều quốc gia. (Ảnh: Internet)

Đầu năm 2023, với sự lên tiếng của các cơ quan chức năng Việt Nam, YouTube đã khôi phục lại một số video bị khóa, mở quyền đăng tải cho 19 kênh bị chặn trên nền tảng, động thái này mang đến những chuyển biến tích cực.

Song, đến tháng 4/2023, trong khi các Tòa án thụ lý vụ kiện tranh chấp bản quyền pháp lý vẫn chưa ra phán quyết cuối cùng, EO lại tiếp tục có hành vi lạm dụng quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, báo cáo vi phạm bản quyền trên YouTube với các video Wolfoo.

Đáng chú ý là Google/Youtube đã tiếp nhận và tiếp tục khóa quyền đăng tải nhiều kênh YouTube và xóa các video Wolfoo đã được YouTube mở ra trước đây. Đây là các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, quyền liên quan (theo đó, Google/Youtube chỉ được xóa/gỡ bỏ video Wolfoo của Sconnect Việt Nam khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án).

Theo báo cáo của Sconnect Việt Nam, EO đã báo cáo bản quyền rất nhiều video Wolfoo của Sconnect với lý do Sconnect sử dụng hình ảnh bối cảnh trong video Peppa Pig vào video Wolfoo. Mặc dù EO không cung cấp được bằng chứng rõ ràng về việc video Wolfoo vi phạm nội dung/hình ảnh cụ thể trong video Peppa Pig nào, nhưng YouTube vẫn gỡ bỏ/xóa hơn 3.000 video Wolfoo khỏi nền tảng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Sconnect.

Theo thống kê của hệ thống SocialBlade, chỉ riêng kênh Wolfoo Family đã mất khoảng 2,4 tỷ lượt xem sau khi bị xóa video vào tháng 5.

Trong tháng 7/2023, EO đã báo cáo bản quyền 18 video Wolfoo với lý do Sconnect đang sử dụng âm thanh trong video Peppa Pig. Các video bị đánh bản quyền âm thanh chỉ chiếm 1 giây/1 video, với các âm thanh cảm thán trong các câu chuyện của nhân vật, cụ thể là các âm: "Hurray”, "oh”, "tiếng cười”, "wow”, "huh”, "hmm”.

Đại diện Sconnect Việt Nam, Luật sư Phạm Văn Anh - Trưởng phòng Pháp chế khẳng định: "Các khung cảnh, bối cảnh trong video Wolfoo đều được tạo ra bởi nhân sự của Sconnect. Các âm thanh đều được thu âm trực tiếp từ các diễn viên lồng tiếng người Việt. Các hình ảnh, âm thanh này được tạo ra dựa trên nguyên liệu và nguyên tắc sáng tạo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, việc EO báo cáo vi phạm bản quyền đối với các khung cảnh, bối cảnh, âm thanh và việc YouTube chấp nhận các báo cáo của EO để xóa/gỡ bỏ video Wolfoo của Sconnect là không có căn cứ và không hợp pháp".

Cũng theo Luật sư Văn Anh, những âm thanh do nhân vật sử dụng trong video nói trên là những từ cảm thán dễ dàng bắt gặp trong hội thoại đời thường và được sử dụng phổ biến trên toàn cầu. Những từ ngữ tạo nên âm thanh này không phải là thành phần quan trọng để tạo nên nội dung tác phẩm, không thuộc sở hữu của bất kỳ chủ thể nào và không là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Sau khi phát hiện vấn đề, Sconnect Việt Nam đã nỗ lực gửi thông tin đề nghị YouTube thực hiện đúng chính sách của nền tảng và thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP, tuy nhiên đến nay chưa nhận được phản hồi và số video bị xoá vẫn tiếp tục tăng.

Sự việc đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số, một ngành nghề đặc thù xuất hiện chưa lâu nhưng đã có những bước phát triển nhanh chóng tại Việt Nam thời gian qua.

Đề nghị YouTube khôi phục hơn 3.000 video bị xóa thiếu căn cứ ảnh 2

Wolfoo là bộ nhân vật hoạt hình Việt Nam đầu tiên có khu vui chơi chủ đề riêng với nhiều hoạt động giáo dục, giải trí. (Ảnh: Sconnect Việt Nam)

Ngày 1/8, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) Hoàng Đình Chung cho biết: "Khi hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số tại Việt Nam, các đơn vị cả trong và ngoài nước cần thực hiện hoạt động cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ các quy định tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về Quyền tác giả, quyền liên quan".

Ông Chung cho biết thêm, qua nội dung báo cáo và kiến nghị, VDCA nhận thấy Sconnect Việt Nam đã thực hiện đúng quy trình về việc cung cấp thông báo yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy nhập tới nội dung thông tin số kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh. Việc gỡ bỏ/xóa hơn 3.000 nội dung video Wolfoo khỏi nền tảng Youtube chỉ căn cứ theo báo cáo vi phạm bản quyền của EO đang thực hiện là không đúng theo trình tự quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, căn cứ theo Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP.

"YouTube cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian khác cần xem xét đầy đủ hồ sơ kỹ lưỡng, khách quan, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chờ phán quyết của tòa án được các bên khởi kiện”, ông Chung nói.

Đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam cũng nhấn mạnh đơn vị này sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ khi được đề nghị từ các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Báo NGĐT (NQ)

Các tin khác
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục