Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được bảo tồn thế nào?
- Cập nhật: Thứ tư, 19/6/2024 | 3:46:54 PM
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2-9-1969, Bộ Chính trị đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản, giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch để làm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Câu chuyện về những ngày đầu giữ gìn hiện vật, cảnh quan để thành lập Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; bảo tồn, vận hành nó suốt 55 năm qua được chia sẻ trong hội thảo khoa học "55 ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch" ngày 18-6, tại Hà Nội.
Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: T.ĐIỂU
Đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và những người từng công tác tại khu di tích dự, thảo luận về các nội dung như: giá trị di sản Hồ Chí Minh trong khu di tích Phủ Chủ tịch, công tác bảo tồn di sản Hồ Chí Minh trong khu di tích suốt 55 năm qua, tầm quan trọng của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch với công tác phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh... Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đời thế nào? Bà Lê Thị Phượng - giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - cho biết: ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản, giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch để khu vực linh thiêng này trở thành khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nay là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu di tích). Quyết định được đưa ra với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm chiến đấu anh dũng hy sinh để thống nhất đất nước. Đoàn các học viên quân sự đến tham quan, học tập tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: T.ĐIỂU Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết các cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước lúc bấy giờ vẫn được gọi bằng mật danh "Văn phòng 41" hay "CQ 41", đã ngày đêm miệt mài, giữ gìn và bảo quản tốt nhất các di tích, hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Nhờ vậy mà Khu di tích về Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ nguyên trạng như khi Bác còn sống nơi đây trong 15 năm. Cửa vẫn được mở hàng ngày đón tiếp các đoàn khách trong nước cũng như quốc tế vào thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch; đồ đạc trong nhà vẫn được sắp đặt ngay ngắn, sạch sẽ. Toàn bộ di tích, hiện vật, sân vườn, tường rào bao xung quanh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 15 năm Người sống tại khu Phủ Chủ tịch được vẽ bản đồ khoanh vùng "Khu vực 2-9-1969"; chụp ảnh hiện trạng (ngày 16-9-1969), ghi chép, thống kê đăng ký vào sổ kiểm kê di tích. Bà Lê Thị Phượng cho biết quần thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch gồm có 13 di tích: Phủ Chủ tịch, nhà 54, nhà sàn, phòng họp Bộ Chính trị, nhà 67, nhà bếp A, nhà bếp B, nhà Bác ký sắc lệnh, hầm H66, hầm D1... Và 1.738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà di tích; các di tích ngoài trời như ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch, đường xoài, đường mòn Hồ Chí Minh, cầu gỗ qua ao… Thêm 50 cây di tích, là những cây Bác đem về trồng hoặc các tổ chức, cá nhân ở các địa phương hay nước ngoài gửi tặng và Bác trực tiếp chăm sóc. Tất cả di tích, tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay vẫn đang được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống và làm việc. Người dân trong nước và du khách tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: T.ĐIỂU Mở cửa đón khách tham quan 365 ngày trong năm, đón gần 90 triệu lượt khách Khu di tích là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc nên nơi đây mang những nét đặc thù riêng biệt. Công tác bảo tồn di tích này được thực hiện trong điều kiện là một kho mở, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị. Nằm trong không gian cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, Khu di tích thu hút số lượng lớn khách tham quan trong nước và quốc tế. Do đó, các di tích, tài liệu hiện vật luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của tác nhân con người. Đó là những khó khăn, thách thức của Khu di tích trong việc giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn và phát huy di sản của Bác Hồ. Đến nay Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vẫn được giữ gìn nguyên vẹn - Ảnh: T.ĐIỂU 55 năm qua, các thế hệ cán bộ Khu di tích đã không quản ngại khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, bảo quản giữ gìn một cách tốt nhất nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Khu di tích mở cửa đón khách tham quan 365 ngày trong năm. 55 năm qua, Khu di tích đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm. Vào những dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc khánh, mỗi ngày Khu di tích đón hàng vạn lượt người. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định đây chính là trường học lớn cho mọi thế hệ người Việt Nam đến nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, là "điểm đến" trong quan hệ ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Theo BGTV
Các tin khác
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) và Công tác gia đình các cấp trong tỉnh đang tiến hành đánh giá, bình xét các danh hiệu. Quá trình thực hiện được các địa phương, đơn vị phát huy dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch, thực chất.