Sơn ta độc đáo bởi nguyên liệu, với đặc tính mềm, màu sắc trầm ấm sâu thẳm, độ bám cao mà các loại sơn khác không thay thế được. Tuy nhiên, để có một sản phẩm hoặc tác phẩm sơn mài hoàn chỉnh, phải trải qua các quy trình cầu kỳ, sơn, vẽ, mài, đánh bóng, hoàn thiện lên đến 12 nước sơn. Người thợ phải kiên trì làm thủ công, xử lý nhiều công đoạn kỹ thuật trong nhiều tháng. Thêm nữa, các tác phẩm sơn mài nghệ thuật có giá trị cao, kén người làm, người xem và cả người mua. Đối tượng khách hàng của các tác phẩm sơn ta phải là người am hiểu kỹ thuật sơn mài truyền thống. Đến làng Hạ Thái bây giờ, thợ làm sơn ta đúng kỹ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Là thế hệ sau tiếp nối học và làm nghề sơn mài, họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn khắc Đặng Cao Cường, sống và làm việc tại làng Hạ Thái cho biết: Thích ứng với thời cuộc, giới họa sĩ đương đại dùng cốt gốm hoặc nhựa tổng hợp (composite) để làm vóc. Chất liệu mới này có ưu điểm nhẹ, đáp ứng được những bức tranh công trình khổ lớn, lên đến 100m2, trong khi đó, chất liệu gỗ chỉ đáp ứng kích thước đến 1m4. Quy trình sản xuất sản phẩm bằng chất liệu sơn mới được giản lược vài bước, dễ làm hơn. Tuy không mang lại màu sắc trầm ấm, độ sâu và bền màu như sơn ta, nhưng sơn công nghiệp có màu sắc tươi tắn, bóng bẩy, bắt mắt. Dù hoàn thiện sản phẩm theo lối truyền thống hay hình thức sơn mài mới, những người dân làng nghề Hạ Thái đều chung mục tiêu giữ gìn và phát triển nghề.
Tương tự, làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương ngày nay) hình thành và phát triển đến nay đã gần 600 năm. Sản phẩm khắc in mộc bản của thôn Thanh Liễu đa dạng, từ kinh sách, thơ văn, tranh trang trí, phù, ấn, triện, tranh thập vật... Mộc bản trường học Phúc Giang được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương do nghệ nhân Nguyễn Huy Vượng, người làng Hồng Lục (tức Thanh Liễu) thực hiện khắc in vào năm 1758. Làng nghề không chỉ nổi tiếng với kỹ thuật khắc mộc bản tinh xảo mà còn là nơi tạo ra nhiều ván in mộc bản quý giá. Nhiều bản in kinh sách do các nghệ nhân Thanh Liễu thực hiện đang được lưu giữ trong chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà (tỉnh Bắc Giang), chùa Bà Đá (Hà Nội).
Để làm được một tấm mộc bản, nghệ nhân phải trải qua khoảng 30 bước, từ chọn gỗ, ngâm gỗ, xẻ gỗ, cắt chà bào, làm phẳng... rồi mới đến khắc, in ấn. Theo thời gian, máy móc và công nghệ in ấn hiện đại xuất hiện khiến nghề khắc in mộc bản mai một. Các nghệ nhân trong thôn chuyển sang khắc dấu tư pháp, khắc bia mộ..., chỉ còn ít hộ giữ được nghề truyền thống.
Tham gia xây dựng thương hiệu sơn mài Việt Nam, nghệ nhân Vũ Huy Mến nhìn nhận, sơn mài truyền thống Việt Nam là nghề đặc biệt, các nước khác không dễ gì có được. Tác phẩm nghệ thuật sơn mài có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Vì vậy, nghề này khó thực hành và đào tạo. Kinh tế thị trường phát triển buộc người thợ phải đổi mới, tuy nhiên nếu nghề sơn mài truyền thống bị mai một, là điều đáng tiếc. Sơn mài truyền thống trở nên "đuối” trên sân nhà, nhưng nghệ nhân Vũ Huy Mến nhìn nhận, trong nghề nghiệp luôn phải đổi mới và sáng tạo. Cái cũ tồn tại và phát triển được chính là nhờ cái mới. Nếu như Hạ Thái xây dựng được địa điểm như chợ gốm Bát Tràng, chắc chắn làng nghề sẽ thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, lưu trú sáng tác và giá trị làng nghề sơn mài sẽ được lan tỏa rộng rãi.
Bên cạnh câu chuyện sáng tạo trên chất liệu truyền thống, sử dụng di sản đúng, hiệu quả và không làm mất đi bản sắc văn hóa, việc khai thác, sử dụng nguồn lực di sản trong phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế cá nhân là vấn đề trăn trở trong các làng nghề thủ công truyền thống. Công cuộc này đòi hỏi nhiều yếu tố cộng hưởng, trong đó cộng đồng, Nhà nước, nhà đầu tư cùng chung tay, tạo ra thị trường thu hút khách hàng, thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp đồng thời quảng bá, truyền dạy và lan tỏa giá trị làng nghề trong nhịp sống đương đại.