Bắc Giang: Lễ hội đền Tiên La (Yên Dũng) là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
- Cập nhật: Thứ hai, 12/8/2024 | 8:11:02 AM
Ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 2314/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội đền Tiên La, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
![]() |
Lễ rước tại hội đền Tiên La. Ảnh: CTV
|
Lễ hội đền Tiên La còn gọi là Lễ hội đền thờ Đức vua Trần Minh Tông được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng Hai (âm lịch) hằng năm, tưởng nhớ vị vua nhà Trần có lòng hiếu thảo, nhân hậu, biết trọng dụng người hiền tài.
|
Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội đền Tiên La vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. |
Truyền thuyết người dân làng Tiên La lưu truyền rằng: Thái Thượng Hoàng Trần Anh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Minh Tông để tới cửa Phật là chùa Vĩnh Nghiêm (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) - chốn Tổ thiền phái Trúc Lâm tu hành. Vua Trần Minh Tông khi ấy thường xuyên đến thăm vua cha và đi qua bến đò Lá (thôn Tiên La ngày nay). Yêu mến mảnh đất này, Đức vua đã sai quân đắp đê chống lụt, cấp ruộng cho người lái đò để người dân không phải trả tiền đò mỗi khi qua lại. Sau khi Đức vua mất, nhân dân đã lập đền thờ ngài bên bến đò xưa và tổ chức lễ hội.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lễ hội không được tổ chức nhưng việc hương khói thờ phụng vẫn được nhân dân địa phương thực hiện thường xuyên. Đến những năm 90 của thế kỷ XX, lễ hội được cộng đồng khôi phục tổ chức trọng thể với các nghi lễ như: Giã bánh dày dâng Vua, nghi rước nước về tế, dâng hương, lễ vật của các dòng họ, đồng thời có các trò chơi dân gian đậm bản sắc dân tộc như: Bắt vịt trên cạn, cờ người, vật truyền thống, đánh đu, đập niêu đất, kéo co.
Ngoài giá trị về tín ngưỡng, đền thờ Đức vua Trần Minh Tông được xây dựng từ thế kỷ XIV là công trình kiến trúc độc đáo, còn bảo tồn được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: Tượng thờ Đức vua được tạo tác thời Lê, hệ thống bia đá, sắc phong cổ thời Nguyễn, bình hương đá… Năm 2001, UBND tỉnh Bắc Giang công nhận đền thờ Đức vua Trần Minh Tông là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Lễ hội đền Tiên La có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài. Lễ hội phản ánh nét văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, góp phần gắn kết cộng đồng làng xã, chung niềm tin, cầu cúng thần linh với ước vọng sức khỏe, hạnh phúc và bình an.
Các tin khác

Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng diêm dân của làng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) vẫn quyết giữ gìn cái nghề vất vả mà cha ông đã truyền lại.

Trong kỷ nguyên số với việc phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử thông minh, có rất nhiều kênh và cách để tiếp cận tri thức nhưng văn hóa đọc vẫn giữ một vị trí nhất định, là một kênh quan trọng để “công dân số” ưu tiên lựa chọn. Thế nhưng làm thế nào để lan tỏa văn hóa đọc, để người dân có được những lựa chọn thông minh, tìm về với thế giới tri thức hữu ích trên mỗi trang sách, không chỉ là trăn trở của riêng các nhà xuất bản, phát hành mà là của toàn xã hội.

Bloomberg nhận định, Việt Nam là điểm du lịch phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, đến cuối năm 2025 dự kiến đạt kỷ lục 23 triệu lượt khách quốc tế.

Tối 25/3, tại sân khấu ven bờ sông Hương, UBND thành phố Huế tổ chức Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới” gắn với Festival Huế 2025.