Tổ chức chương trình “Trung thu không xa cách” ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ vào ngày 17/9

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/9/2024 | 2:24:42 PM

Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, hướng đến ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 3, đặc biệt là các em nhỏ, Nhà hát Kịch Việt Nam cùng nhiều nghệ sĩ chung tay tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Trung thu không xa cách” vào ngày 17/9 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).

Chương trình có sự chung tay của nhiều nghệ sĩ (Ảnh: Ban tổ chức).
Chương trình có sự chung tay của nhiều nghệ sĩ (Ảnh: Ban tổ chức).

Toàn bộ chương trình được các nghệ sĩ biểu diễn miễn phí. Số tiền bán vé, tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm sẽ được gửi đến người dân vùng bão, lũ thông qua các tổ chức uy tín.

Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, "Trung thu không xa cách” được tổ chức theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ.

Đây cũng là chương trình thể hiện tinh thần chung sức vì cộng đồng của nghệ sĩ, tiếp nối thành công của chuỗi chương trình "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” từng được tổ chức thành công trong đợt dịch Covid-19.

Dù được xây dựng rất gấp rút nhưng chương trình đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tham gia của không chỉ các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam, mà còn của nhiều nghệ sĩ khác như: Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, ca sĩ Hà Myo, Câu lạc bộ Sao Tuổi thơ…

"Chúng tôi sẽ cố gắng biểu diễn một đêm thật cảm xúc, nhưng không phải một chương trình nặng nề về mất mát đau thương, mà giúp khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi được hoà vào trong không khí đón Tết Trung thu ở khắp mọi miền đất nước”, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc chia sẻ.

Theo Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, bão lũ đổ về khi Trung thu đã rất gần, cho nên nhiều em nhỏ ở các tỉnh bị ảnh hưởng do bão lũ gần như mất hẳn mùa Trung thu. Khi ảnh hưởng bão lũ, những hoạt động vui Trung thu trở thành thứ yếu nhưng giáo dục thông qua nghệ thuật, vui chơi giải trí vẫn là nhu cầu của trẻ em. Chương trình "Trung thu không xa cách” được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu này, đồng thời hướng các em nhỏ biết yêu thương, sẻ chia với các bạn vùng ảnh hưởng bão lũ.

Tại chương trình, bên cạnh các tiết mục nghệ thuật như múa rối, xiếc, ảo thuật, sẽ có màn múa lân sư rồng, rước đèn ông sao cùng nhiều hoạt động nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc, san sẻ yêu thương. Các nghệ sĩ cũng dự kiến sẽ xây dựng tiểu phẩm ngắn với nội dung ngợi ca, tôn vinh tinh thần sẻ chia trong bão lũ.

Ban tổ chức cho biết đã liên hệ với các nhà xuất bản, đơn vị sản xuất đồ dùng, dụng cụ học tập để tổ chức thành các quầy bán sách, đồ dùng học tập tại Nhà hát trong đêm biểu diễn. Theo đó, các phụ huynh, em nhỏ khi đến xem trực tiếp chương trình tại Nhà hát Hồ Gươm, ngoài ủng hộ thông qua hình thức mua vé còn có thể ủng hộ bằng hình thức mua sách, vở, đồ dùng học tập, cùng các hình thức khác.

Chương trình sẽ được livestream trên kênh cá nhân của Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, YAN, Câu chuyện Hà Nội và nhiều kênh khác trên Youtube.

Dịp này, từ ngày 15/9, thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ cũng tổ chức các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào vùng lũ, như: Nhà hát Múa rối Việt Nam với chương trình "Trăng Trẻ thơ”; Nhà hát Tuổi trẻ với "Dạ tiệc đêm rằm”; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với hòa nhạc "Lalo Stravinsky”; Nhà hát Chèo Việt Nam với chương trình "Tâm sự quê”; Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam với đêm nhạc "Hà Nội - Những tháng năm”...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các chương trình nghệ thuật phải bảo đảm phù hợp tình hình thực tế, thể hiện đạo lý tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc. Tiền quyên góp và một phần tiền bán vé trong quá trình tổ chức các chương trình sẽ gửi về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, yêu cầu công khai, minh bạch về tài chính.

Theo Báo BGĐT

Các tin khác

Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng diêm dân của làng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) vẫn quyết giữ gìn cái nghề vất vả mà cha ông đã truyền lại.

Trong kỷ nguyên số với việc phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử thông minh, có rất nhiều kênh và cách để tiếp cận tri thức nhưng văn hóa đọc vẫn giữ một vị trí nhất định, là một kênh quan trọng để “công dân số” ưu tiên lựa chọn. Thế nhưng làm thế nào để lan tỏa văn hóa đọc, để người dân có được những lựa chọn thông minh, tìm về với thế giới tri thức hữu ích trên mỗi trang sách, không chỉ là trăn trở của riêng các nhà xuất bản, phát hành mà là của toàn xã hội.

Đến cuối năm 2025, Việt Nam dự kiến đạt kỷ lục 23 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: iViVu

Bloomberg nhận định, Việt Nam là điểm du lịch phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, đến cuối năm 2025 dự kiến đạt kỷ lục 23 triệu lượt khách quốc tế.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính phát biểu tại lễ khai mạc.

Tối 25/3, tại sân khấu ven bờ sông Hương, UBND thành phố Huế tổ chức Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới” gắn với Festival Huế 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự