Tổ chức việc tang văn minh, tiết kiệm
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/11/2024 | 3:36:59 PM
Hiện nay, việc tổ chức đám hiếu được người dân nhiều địa phương trong tỉnh đồng thuận thực hiện văn minh, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH).
Thi công xây dựng, mở rộng nghĩa trang xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).
|
Xóa bỏ hủ tục, tiết kiệm chi phí
Đầu tháng 10/2024, gia đình ông Phạm Lương Hải ở tổ dân phố 1B, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) tổ chức tang lễ cho người mẹ 95 tuổi theo nếp sống văn minh được nhiều người đồng tình. Tang lễ diễn ra trong một ngày, đội nhạc hiếu giới thiệu người viếng ngắn gọn, bật nhạc thu âm sẵn với âm lượng vừa phải. Đồng thời sử dụng vòng hoa luân chuyển, không chèo đò, rắc vàng mã trên đường và không làm cỗ mời khách.
Ông Hải chia sẻ: "Được cán bộ tổ dân phố tuyên truyền, gia đình thấy tổ chức đám tang giản tiện, con cháu đỡ vất vả, tránh lãng phí, xóa bỏ hủ tục rườm rà . Hơn nữa, mẹ tôi khi còn sống không thích sự ồn ào và luôn nhắc nhở con cháu thực hiện nếp sống văn hóa”.
Tổ chức việc tang gọn nhẹ được nhiều hộ dân trên địa bàn phường Trần Nguyên Hãn thực hiện tốt. Theo ông Vi Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ tổ dân phố tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, đoàn viên về nếp sống văn hóa, tự giác chấp hành quy định. Khi có người qua đời, tổ dân phố nắm bắt kịp thời để đến thăm hỏi, chia buồn, đồng thời tuyên truyền và hỗ trợ gia chủ thực hiện đúng hương ước, quy ước của địa phương.
Hưởng ứng phong trào TDĐKXDĐSVH, các địa phương tập trung xây dựng mô hình, cách làm hay, phù hợp tình hình thực tế cơ sở, mang lại hiệu quả. Nhiều năm nay, xã Xuân Phú (Yên Dũng) là đơn vị điển hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Cùng với xóa bỏ nhiều hủ tục rườm rà, lãng phí, hiện nay khoảng 88% gia đình toàn xã đưa người quá cố đi hỏa táng, trong đó 6/9 thôn có 100% hộ thực hiện.
Tại thôn Xuân Trung, Ban lãnh đạo thôn tích cực tuyên truyền tới người dân về tổ chức việc tang văn minh. Thôn quy hoạch nghĩa trang, huy động bà con đóng góp kinh phí cứng hóa đường đi, xây gạch, đổ bê tông sẵn hàng trăm phần mộ để các hộ dân đưa tro cốt người quá cố về chôn cất.
Ông Nguyễn Viết Hiệp, Trưởng thôn Xuân Trung cho biết: "Huyện hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi trường hợp hỏa táng, thôn hỗ trợ 2 triệu đồng. Đáng chú ý, chi hội người cao tuổi thôn quan tâm nhắc nhở con cháu thực hiện nếp sống văn hóa; phê bình hành vi gây lãng phí, rườm rà trong tang lễ. Không ít ông bà dặn dò con cháu tổ chức tang lễ đơn giản, hỏa táng sau khi mình qua đời”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục nhân rộng
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch, công văn chỉ đạo thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, trong đó có tổ chức việc tang văn minh. Từ năm 2016, TP Bắc Giang đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí từ 30-50 triệu đồng xây dựng điểm hoặc điển hình trong việc cưới, việc tang và mô hình thôn văn hóa.
Năm 2020, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 499 về tăng cường công tác lãnh đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Năm 2020, Huyện ủy Tân Yên có công văn về việc nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH và Công tác gia đình. Huyện Yên Dũng hỗ trợ kinh phí cho các thôn, khu dân cư văn hóa điển hình giai đoạn 2018-2025 với mức thưởng từ 100 - 200 triệu đồng/khu dân cư…
Hầu hết thôn, tổ dân phố thành lập ban tang lễ hỗ trợ các gia đình có người qua đời, đồng thời tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ chấp hành nghiêm hương ước, quy ước về nếp sống văn minh. Nhiều đơn vị phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện giúp công tác tuyên truyền thêm hiệu quả.
TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện: Yên Dũng, Lục Ngạn, Tân Yên, Lạng Giang... hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng đối với mỗi trường hợp hỏa táng. Bà Trần Thị Thơm, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Dũng cho biết: "Ngoài mức hỗ trợ của huyện, nhiều xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố trên địa bàn cũng hỗ trợ từ 1,5-3 triệu đồng/trường hợp hỏa táng. Công tác tuyên truyền, vận động được huyện quan tâm đẩy mạnh”.
Đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH và Công tác gia đình tỉnh, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang tại các địa phương có chuyển biến tích cực; giảm hẳn hủ tục như: Chèo đò, khóc thuê, bắc cầu, rắc vàng mã trên đường... Một số nơi quản lý tốt các đội nhạc hiếu; treo bảng thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang để mọi người chấp hành khi đến viếng; quy hoạch nghĩa trang và có hợp đồng thuê người quản trang để quản lý, dọn vệ sinh môi trường. Tỷ lệ hỏa táng người quá cố tăng hằng năm.
Theo Nghị quyết số 13 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh (tháng 12/2023) việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cần phải được tăng cường. Cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải đi đầu trong việc xây dựng nếp sống văn minh để nêu gương cho quần chúng làm theo. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình và có hình thức xử lý kỷ luật đối với các trường vi phạm...
Để đạt hiệu quả cao hơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác gắn với phong trào TDĐKXDĐSVH. Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, ngành Văn hóa phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức; chú trọng nhân rộng điển hình. Mỗi cơ quan, đơn vị xem việc thực hiện là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm. Phát huy ý thức tự giác của người dân trong xây dựng, chấp hành và giám sát việc thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Theo Báo BGĐT
Các tin khác
Ngày 19-1, Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tổ chức lễ công bố ba chiếc xe ô tô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954-1969 vừa được công nhận bảo vật quốc gia.
Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, mối quan hệ gắn bó giữa hai nước được xây dựng và không ngừng được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Mối quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ đặc biệt, trong sáng, thủy chung và như lời Chủ tịch Souphanouvong từng nói “Tình hữu nghị Việt - Lào cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm và thơm hơn bông hoa nào thơm nhất”.
Vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị Báo chí đồng hành cùng Du lịch Việt Nam” tại Hà Nội.