NGHỆ NHÂN ƯU TÚ NGUYỄN VĂN THÊM- “KỂ CHUYỆN” QUÊ HƯƠNG QUA LÀN ĐIỆU CHÈO
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/12/2024 | 3:24:00 PM
Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Văn Thêm sinh ra và lớn lên ở xã Tư Mại, một làng quê cổ, từ xưa đã có phường đi hát chèo. Vì say mê và tâm huyết bảo tồn làn điệu dân ca chèo của Yên Dũng, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Văn Thêm đã sáng tác và đưa vào biểu diễn được khoảng 50 bài hát chèo, tổ chức truyền dạy cho nhiều người học hát chèo trong các thôn xã ở huyện...
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thêm nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2023
|
Chèo xưa và chèo nay đã có những cung bậc phát triển khác nhau. Loại hình nghệ thuật chèo được hình thành và phát triển chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người nông dân thường đi hát vào dịp nông nhàn, hai mùa xuân thu nhị kỳ cấy cày xong xuôi. Từ xưa, các bậc trùm đã gọi là phường chèo. Phường chèo tổ chức theo khoảnh tre của đơn vị làng nên thường gọi là phường chèo làng này, phường chèo làng kia. Nhớ lại một chặng đường dài của cuộc đời, không phải ai cũng nhớ hết. Xã Tư Mại vào đầu thế kỷ 20 đã có 3 phường Chèo và ở Phú Mại có 2 phường Chèo. Vào khoảng năm 1965, ông Kép Mạc tức là ông Nguyễn Văn Mạc làm ở Ty Văn hoá Hà Bắc vừa nghỉ hưu, ông Mạc vốn giỏi về viết chèo và dạy hát chèo khắp vùng nên UBND xã Tư Mại đã mời ông Mạc tham gia Ban Văn hoá xã. Ông Mạc viết hai vở chèo cho thiếu niên biểu diễn là vở Kim Đồng và Đêm hội hoa đăng ( nói về phong trào thiếu niên tham gia bắt bướm trừ sâu cho lúa). Ông Thêm lúc ấy mới 15 tuổi được chọn vào diễn cả 2 vở chèo này. Với năng khiếu sẵn có, ông Thêm nhập vai và học chèo rất nhanh, thầy Mạc rất khen ngợi. Say mê làn điệu chèo như cái duyên vận vào ông từ lúc nhỏ nên những gì thầy Mạc truyền dạy là nền tảng cho ông sau này tự học, tự nghiên cứu. Tuổi trẻ, ông làm nhiều nghề từ nông nghiệp, thương nghiệp rồi đến đi xuất khẩu lao động sang nước bạn Trung Hoa. Vào dịp Tết cổ truyền người Việt ở nước ngoài, ông nhớ quê, nhớ những ngày hội làng có tích chèo rộn ràng làng trên xóm dưới. Ông đã tự sáng tác và biểu diễn cho những người công nhân Việt Nam xa nhà đón Tết đỡ nhớ quê… Sau khi trở về có chút vốn liếng ông học nghề sửa chữa xe máy. Cái thời của những năm 80 đến 90, ông mở tiệm sửa xe ở ngay thị trấn Neo, tiệm đông khách nên ông không có thời gian nghe được chương trình hát dân ca và dạy hát chèo trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào các cung giờ "làm việc”. Vả lại, làm nghề sửa xe thì người ta luôn mặc tưởng là nghề của thợ cơ khí, máy móc luôn khô khan chứ ai biết là lại có một tâm hồn đa mang tình yêu làn điệu chèo đến vậy ở ông. Ông đã nghĩ ra một cách, mua máy ghi âm loại ít tiền để hễ đến chương trình dạy hát chèo, ông mở ra ghi lại để buổi tối nghe lại và tự học. Có lẽ ông mua đến gần 5, 6 cái máy ghi âm rồi, mà nay ông chỉ giữ lấy một cái làm kỷ niệm còn lại ông cho mọi người sưu tầm "đồ cổ”.
Ông kể, cái thời xưa, xe máy không phải ai cũng có. Người đi xe máy chủ yếu là cán bộ sắm để làm phương tiện đi công tác, hai là người có điều kiện. Nên nếu gặp những người khách là cán bộ huyện, xã mà ông phát hiện ra họ cũng yêu văn hoá, văn nghệ là ông chia sẻ giãi bày tâm tư liền. Cũng nhờ nghề sửa xe máy, ông có thêm nhiều người quen thân và quý mến nhau cùng chung ý tưởng mong muốn bảo tồn nét văn hoá truyền thống quê hương. Với niềm đam mê riêng, đã biết bao người tự dấn thân đi tìm kiếm và bảo tồn văn hóa dân gian trong cộng động theo kiểu "vác tù và hàng tổng",điển hình ở huyện Yên Dũng nghiên cứu về chèo có nhà nghiên cứu văn hoá Trần Quốc Thịnh. Ông cụ đã lọc cọc xe đạp đi khắp nơi sưu tầm để xuất bản cuốn sách về các lời chèo cổ trong dân gian từ cộng đồng làng xã vào những năm 90 là minh chứng cho tình yêu văn hoá cổ truyền đến nay.
Chia sẻ với khách tới chơi và tìm hiểu về chèo Yên Dũng, ông Thêm bước từng bước khoan thai nhẹ nhàng và nhập hồn vào điệu chèo, bằng đoạn nói đầu diễn cảm: "Về với quê tôi một miền quê huyền thoại/ Đất Phượng hoàng đẹp mãi tựa bức tranh/ Dãy Nham Biền bát ngát một màu xanh/ Sơn thuỷ hữu tình nơi miền quê… tôi đó”, rồi sau đó tiếp chuyển giọng sang điệu hát luyện năm cung, ánh mắt đầy biểu cảm tự hào: "Sánh với muôn í i miền, Yên Dũng đó quê hương thêm mến thêm thương í i, làng quê tươi đẹp, khang trang phố phường”. "Ai về chùa Kem, nắm í i cảnh dãy Nham Biền, thăm Trúc lâm Phượng Hoàng ì i ì. Nhớ Trần Thủ Độ diệt trăn, ta nhớ Nguyễn Cao, nhớ Hoàng Hoa Thám í để lòng ta thêm tự hào, tình quê dạt dào ì i í. Nhớ về huyện thoại chín mươi chính chim phượng hoàng thời xa xưa”… Giọng điệu uyển chuyển mộc mạc và tình cảm đượm sâu đến da diết, chất chứa bao yêu thương quê hương. Sức mạnh của làn điệu dân ca dân tộc Việt ở mỗi miền là làm lay động lòng người đã trở thành "phên dậu”văn hoá giữ làng, giữ nước từ ngàn đời, luôn hiện hữu ngay chính từ một người dân như NNƯT Nguyễn Văn Thêm. Để viết được một bài ca chèo có sức lay động lòng người. Tác phẩm ấy phải thực sự gợi cảm, chuẩn chỉnh về lề lối giai điệu, gửi gắm bao tự hào về lịch sử, địa linh, nhân kiệt trên đất Yên Dũng thì ông Thêm phải tự tìm tư liệu để nghiền ngẫm, thấu tỏ từng điển tích, từng câu chuyện lịch sử củaquê hương. Mỗi chữ, mỗi câu trong làn điệu chèo dệt lên hình ảnh bao quát và ý nghĩa. Ông giải thích: Đất Phượng Hoàng là dựa vào tích xưa, có 99 con chim phượng đã từng về đậu ở dãy Nham Biền, ngụ ý đây là đất lành, đất có vua đến ngự trên đỉnh núi cao, giờ gọi là đỉnh Non Vua, trong quần thể Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Nhớ Trần Thủ Độ diệt trăn là có tích ngài đã đánh trăn tinh diệt trừ yêu quái ở khe Hang Dầu, giúp dân làng có cuộc sống bình yên ngay dưới chân núi Phượng. Nhớ Nguyễn Cao, Hoàng Hoa Thám, ấy đều là các vị tướng lĩnh đã đến đất này, luyện quân, lập những ruộng làm "đấu đong ngựa” gần chùa Kem (một di tích lịch sử cấp quốc gia ở dưới chân núi Phượng Hoàng hiện nay)… Giải thích xong, ông lại cao hứng hát tiếp: Về chùa Vĩnh Nghiêm, vãn í i cảnh thăm chùa, Trần Nhân Tông sáng ngời ì i í. Đọc Mộc bản kinh xưa, ta nhớ Đức vua, ta cùng gìn giữ í để đời sau nối đời, văn hoá ( Vĩnh Nghiêm) thêm rạng ngời, tự hào thế giới vinh danh cho dòng thiền Trúc lâm ì í ì…” Ngưng một hơi, ông lại tiếp làn điệu say sưa:"Ai về thăm khu lưu í i niệm Bác Hồ, ta nhớ năm nào ì í i, nhớ ngày Bác về thăm, Bác dạy ba cao, hát bài kết đoàn í để cùng chung sức xây đời, quê hương nhớ ơn Người ì i í. Nhớ về Cảnh Thuỵ năm xưa nơi Bác Hồ gửi thư khen.” Còn phần kết nữa, ông thấy khách vẫn chăm chú nghe, nên hát tiếp cho đủ giãi bày tấm lòng: "Miền quê tôi, thêm mến, í i cảnh, yêu người đang chung sức chung tay xây làng văn hoá í để quê hương mãi đẹp giàu, cùng nhau bắc nhịp cầu ì i í, con đường theo Đảng quang vinh mãi muôn đời vàng son (đẹp tươi) ”…
Yên Dũng là mảnh đất giàu vốn truyền thống dân gian từ làng Đông Loan nổi tiếng nói tức đến làng Tư Mại nổi tiếng thương nghiệp rồi danh thắng đẹp từ cổ tự Vĩnh Nghiêm đến dãy núi Phượng Hoàng. Sáng tác của NNƯT Nguyễn Văn Thêm không chỉ là bảo tồn làn điệu chèo mà còn có giá trị quảng bá văn hóa quê hương đến bạn đọc xa gần.
Mai Linh
Các tin khác

Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng diêm dân của làng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) vẫn quyết giữ gìn cái nghề vất vả mà cha ông đã truyền lại.

Trong kỷ nguyên số với việc phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử thông minh, có rất nhiều kênh và cách để tiếp cận tri thức nhưng văn hóa đọc vẫn giữ một vị trí nhất định, là một kênh quan trọng để “công dân số” ưu tiên lựa chọn. Thế nhưng làm thế nào để lan tỏa văn hóa đọc, để người dân có được những lựa chọn thông minh, tìm về với thế giới tri thức hữu ích trên mỗi trang sách, không chỉ là trăn trở của riêng các nhà xuất bản, phát hành mà là của toàn xã hội.

Bloomberg nhận định, Việt Nam là điểm du lịch phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, đến cuối năm 2025 dự kiến đạt kỷ lục 23 triệu lượt khách quốc tế.

Tối 25/3, tại sân khấu ven bờ sông Hương, UBND thành phố Huế tổ chức Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới” gắn với Festival Huế 2025.