Trường Sa trong tranh: 70 năm Hải quân Nhân dân Việt Nam qua góc nhìn nghệ thuật
- Cập nhật: Thứ năm, 8/5/2025 | 3:50:41 PM
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955-7/5/2025), 50 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, triển lãm mỹ thuật “Bài ca Thống nhất” đang diễn ra tại Công viên Thống Nhất Hà Nội (mở cửa đến ngày 19/5) do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ tổ chức, quy tụ gần 50 tác phẩm mỹ thuật chọn lọc với chủ đề biển đảo và người lính hải quân.
![]() |
"Lá cờ gốm ở Trường Sa", tranh sơn dầu của hoạ sỹ Nguyễn Thu Thuỷ.
|

Tâm điểm của triển lãm là những tác phẩm mang đậm tính lịch sử do các họa sĩ quân đội kỳ cựu như Lê Huy Toàn và Phạm Ngọc Liệu thể hiện.
Hai bức tranh sơn dầu "Sự kiện vịnh Bắc bộ ngày 5/8/1964” và "Đánh đuổi tàu Maddox” tái hiện sinh động thời khắc oai hùng khi Hải quân Nhân dân Việt Nam lần đầu tiên trực tiếp đối đầu và đánh đuổi tàu khu trục Mỹ. Đằng sau mỗi đường nét là những chứng nhân sống – những họa sĩ từng theo chân chiến sĩ ra trận, mang theo ký họa, lưu giữ lịch sử bằng chính đôi mắt người trong cuộc.

Trong khi đó, loạt tác phẩm "Hòn Dáu” (phấn màu) và "Tiếp nhận hàng từ tàu không số ở Cà Mau” của Phạm Ngọc Liệu đưa người xem trở về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ bến K15 ở Hòn Dáu đến các bãi biển miền Nam, hàng nghìn tấn vũ khí và chiến sĩ đã vượt qua sóng dữ để tiếp sức cho tiền tuyến, tạo nên kỳ tích quân sự hiếm có trên thế giới. Qua tranh, câu chuyện trở nên gần gũi, cảm động, gợi nhớ một thời "lặng thầm mà vang dội”.

Dòng chảy lịch sử được tiếp nối qua những tác phẩm mang phong cách hiện đại, đậm tính biểu cảm của lớp họa sĩ sau. Họa sĩ Nguyễn Thanh Tùng ghi dấu với bức "Bác Hồ với Hải quân”, phác họa lại hình ảnh Bác rạng rỡ bên bến vịnh Hạ Long năm 1962. Ánh mắt Bác hướng về biển khơi, ánh lên niềm tin vào tương lai của lực lượng hải quân, cùng câu nói bất hủ: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".

Một dấu ấn nghệ thuật mạnh mẽ đến từ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy – người nhiều năm gắn bó với Trường Sa qua các công trình gốm sứ khẳng định chủ quyền biển đảo. Ba bức sơn dầu trưng bày lần này, đặc biệt là "Em yêu hòa bình” – hình ảnh em bé trong bộ đồng phục hải quân thiếu nhi, tay nâng chim bồ câu trắng – vừa hồn nhiên, vừa thiêng liêng, như lời nhắn nhủ thế hệ mai sau về giá trị của hòa bình và độc lập.



Triển lãm còn ghi nhận sự đa dạng trong phong cách thể hiện và cảm hứng sáng tạo. Từ vẻ hiên ngang, hùng dũng trong "Hiên ngang Trường Sa” của Phạm Hoàng Văn, "Tình ca Trường Sa” của Lê Thế Anh, đến nét phóng khoáng, nhẹ nhàng trong tranh lụa "Bài ca lính đảo” của Đào Thế Am. Chiếc áo lính hải quân trắng muốt, yếm xanh viền sóng tượng trưng cho biển trời, hiện lên như biểu tượng của lòng quả cảm và sự lãng mạn giữa trùng khơi.




Không chỉ là chiến đấu, người lính đảo còn hiện diện đời thường qua các tác phẩm như "Hoa bên người lính đảo” của Trần Thanh Long, hay "Phút bình yên trên đảo Phan Vinh” của Nguyễn Thùy Vân, "Tình ca biển đảo" của Tạ Quang Tâm, "Mùa xuân trên đảo" của Nguyễn Thị Thiền, "Sóng ở Trường Sa" của Đỗ Sự... Họ vừa là chiến sĩ, vừa là nghệ sĩ – chơi đàn, thổi sáo giữa tiếng sóng – những giây phút thảnh thơi quý giá giữa trùng dương đầy bão tố.

Dưới nét vẽ sơn mài, sơn dầu, Acrylic nhiều bức tranh như "Nhà giàn DK1” (Trần Tuấn Long, Đoàn Văn Thân), "Hừng đông” (Hoàng Thanh Như), "Biển thức” (Lương Nguyên Minh), hay "Nắng đảo Trường Sa” (Trịnh Nam), "Những cột mốc chủ quyền" (Đỗ Ngọc Dũng) thể hiện cuộc sống khắc nghiệt nhưng tràn đầy nghị lực của chiến sĩ hải quân giữa đại dương. Những tia bình minh, ánh hoàng hôn, sắc nước trời trong trẻo hay dữ dội – tất cả như hòa vào tinh thần "sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng”.


"Bài ca Thống nhất” không chỉ là một triển lãm mỹ thuật, mà còn là một bản giao hưởng bằng màu sắc và cảm xúc. Mỗi tác phẩm là một lời tri ân, một biểu tượng của lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió. 70 năm trưởng thành và lớn mạnh của Quân chủng Hải quân được tái hiện sống động, đầy tự hào qua từng nét cọ, như một món quà nghệ thuật ý nghĩa gửi tới những người lính biển và đất nước.
Các tin khác

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, vào lúc 6 giờ ngày 1/7/2025, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trên cả nước đã đồng loạt cử hành ba hồi chuông, trống Bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng, phát triển con người Việt Nam, cùng với tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Tại Đại hội Đảng bộ Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã đưa ra nhiều nội dung đóng góp, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện trong nhiệm kỳ mới, trong đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc gia tăng sức mạnh mềm quốc gia thông qua văn hoá.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.