Theo ống kính phóng viên ảnh tới Trường Sa
- Cập nhật: Thứ tư, 18/6/2025 | 8:04:37 PM
Với phóng viên ảnh lần đầu ra đảo Trường Sa, đó là một chuyến đi khắc sâu vào tâm trí. Những ánh mắt, nụ cười, làn sóng, ngọn gió… được ghi lại như những lát cắt sống động, không chỉ để xem, để cảm nhận, mà còn để kể lại bằng ngôn ngữ của hình ảnh, ánh sáng và xúc cảm về miền đất thiêng liêng của Tổ quốc.
![]() |
Dù sóng to, gió lớn nhưng những người lính Hải quân vẫn bám biển, bảo vệ vùng đảo thiên liêng của Tổ Quốc.
|
Không để lỡ khoảnh khắc nào
Khi con tàu mang ký hiệu KN390 rời cảng Cam Ranh, đất liền lùi dần phía sau, phía trước là trùng khơi mênh mông. Những con sóng dào dạt ôm lấy mạn tàu như lời chào của đại dương. Mỗi thành viên trong đoàn công tác số 23 đều mang theo một tâm thế háo hức của riêng mình. Nhưng với các phóng viên ảnh lần đầu đặt chân đến Trường Sa, chuyến đi ấy là một cơ hội quý giá, không chỉ để tác nghiệp mà để sống một phần rất khác của đời làm báo.

"Lần đầu tiên ra Trường Sa, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đảo, tôi thật sự xúc động. Đó không chỉ là mảnh đất, mà là máu thịt của cha ông”, nhà báo Mai Anh Minh, Báo Nhân Dân, xúc động chia sẻ. Với nhà báo Đinh Cao Nguyên (Đài Truyền hình Sơn La) quanh năm chỉ nhìn thấy núi non chập chùng, nay được đứng giữa sóng gió đại dương là một trải nghiệm chưa từng có: "Tôi chưa từng một lần thấy biển. Vậy mà giờ đây, tôi đi giữa đại dương, mang trong tim hình ảnh Tổ quốc thiêng liêng hơn bao giờ hết”.
Trên boong tàu, giữa tiếng gió biển rít qua từng khe lan can bắt được hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên nền trời xanh thẳm giữa đại dương bao la, hay ánh mắt người lính gác đảo khi mặt trời lên, nụ cười hồn nhiên của những người lính, quân - dân trong buổi giao lưu văn nghệ… Đối với họ, mỗi khoảnh khắc được ghi lại là một câu chuyện. Để rồi có người rơi nước mắt khi nhìn bức ảnh mình chụp một chiến sĩ trẻ đứng nghiêm trang bên bia chủ quyền, phía sau là mặt biển lấp lánh nắng sớm.


Không cần lời chú thích, ánh sáng trong ảnh, gương mặt trong ảnh cũng đủ để lay động người xem. Các phóng viên ảnh cho biết, họ phải canh từng khoảnh khắc trong điều kiện ánh sáng khó đoán, giữa nắng, gió, nước mặn và sự chòng chành của con tàu. Có khi chỉ một giây lỡ nhịp, khung hình sẽ trôi đi. Chính vì thế, mỗi tấm ảnh là kết quả của sự hòa quyện giữa kỹ năng, cảm xúc và sự tỉnh thức của người đứng sau ống kính.
Trường Sa – Nơi sóng vỗ vào tim người
Từ đảo Song Tử Tây đến Sinh Tồn Đông, từ Trường Sa Lớn đến nhà giàn DK1, mọi hình ảnh ghi lại đều thấm đẫm hơi thở Tổ quốc. Đó là ngọn sóng tung bọt trắng nơi mỏm đá chòi canh, là ánh nắng xiên qua dãy phong ba trên đảo, là giọt mồ hôi của chiến sĩ trong giờ huấn luyện, là bữa cơm giản dị nơi đảo xa, là cái bắt tay thật chặt giữa đất liền và tiền tiêu... "Chủ quyền không còn là khái niệm trừu tượng, mà là gương mặt, là nụ cười, là từng ánh nhìn mà tôi đã bắt được qua ống kính”, nhà báo Mai Anh Minh nói.
Theo đó, từng tấm ảnh như một bản khắc họa sống động về đời sống nơi đảo. Ở đó không chỉ có gian khó, mà còn có niềm tin; không chỉ có gió mặn, mà còn có tình người. Những hình ảnh ấy, bình dị mà xúc động, trở thành tài sản không thể định giá đối với mỗi người làm nghề.


Khi tàu cập bến Cam Ranh, gió Trường Sa vẫn còn luẩn quẩn trong tóc, nước biển vẫn còn mằn mặn trên quần áo các phóng viên. Những phóng viên ảnh mang theo về đất liền không chỉ là hàng trăm, hàng ngàn bức ảnh, mà là ký ức sống động, là cảm xúc, là sự đổi thay thầm lặng trong nhận thức. Những bức ảnh ấy sẽ lên trang báo, in trong triển lãm, xuất hiện trong phóng sự truyền hình... nhưng quan trọng hơn, chúng trở thành một phần của ký ức dân tộc. "Được làm báo ở Trường Sa không còn chỉ là nghề, mà là sứ mệnh”, nhà báo Đinh Cao Nguyên nói.


.jpg)
Đó cũng là lời tự sự chung của tất cả những người đã cầm máy giữa biển khơi, vì hành trình của những phóng viên nơi ấy không dừng lại ở những tấm ảnh được chụp, mà sẽ còn tiếp tục trong từng câu chuyện họ kể, từng lần họ trở lại và từng khoảnh khắc họ lặng lẽ đưa máy lên, chờ một điều kỳ diệu được hiện ra qua ống kính. Bởi Trường Sa, một lần đi là một hành trình thật đặc biệt, một dấu ấn khó phai trong cuộc đời của người làm báo.
Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Không chỉ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, vải thiều đang từng bước được “nâng tầm” thành sản phẩm du lịch độc đáo của Bắc Giang.
.jpg)
Từ niềm say mê văn hóa Việt Nam, chàng trai trẻ Trương An Dân (biệt danh Nemoo) đã tự học vẽ và hoàn thiện bộ tranh “54 Việt Tộc”, khắc họa vẻ đẹp phụ nữ trong trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam theo phong cách tranh Hàng Trống. Tác phẩm không chỉ tạo tiếng vang trên mạng xã hội mà còn vinh dự trở thành hình ảnh quảng bá tại EXPO Osaka 2025 - một trong những triển lãm lớn nhất thế giới, góp phần lan tỏa bản sắc Việt đến bạn bè quốc tế.

Ngày 12/6, Ban tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bắc Giang năm 2025 mở niêm phong, chấm bài dự thi.