Những kỷ niệm khó quên

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/1/2022 | 3:28:26 PM

Năm 2021, mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 nhưng phóng viên Báo Quân đội nhân dân vẫn luôn kịp thời có mặt ở các “điểm nóng” để theo dõi, phản ánh những sự kiện thời sự nổi bật trong nước và quốc tế. Qua quá trình tác nghiệp đã để lại những kỷ niệm sâu đậm, khó quên đối với mỗi phóng viên...

Đại úy QNCN Đoàn Văn Viên cắt tóc cho một thành viên đoàn công tác khi tàu ở vị trí cập phao tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga. Ảnh: VĂN HIẾU
Đại úy QNCN Đoàn Văn Viên cắt tóc cho một thành viên đoàn công tác khi tàu ở vị trí cập phao tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga. Ảnh: VĂN HIẾU

Trải nghiệm cắt tóc trên biển

Tôi may mắn được Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân tin tưởng cử đi đưa tin về Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 tại Liên bang Nga. Trong thời gian tham gia sự kiện, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên và điều khiến tôi nhớ mãi là trải nghiệm được cắt tóc... giữa đại dương.

Chuyện là, trong những ngày tàu lênh đênh trên biển, một lần, khi nghe thông báo trên loa: "Chiều nay tàu mở nước, đề nghị các thành viên đoàn công tác và cán bộ tàu sử dụng tiết kiệm trong quá trình hành quân trên biển!”, tôi bật dậy, cầm cây kéo mượn từ nhà bếp rồi đứng trước gương với ý định tự cắt tóc. Thấy thế, anh Đức Tuấn, phóng viên Báo Hải quân Việt Nam ở cùng phòng liền tiến đến, nhìn xung quanh đầu tôi rồi chạy vụt ra khỏi phòng. Một lúc sau, anh hồ hởi quay lại thông báo: "Ra đuôi tàu nhanh nào, sẽ có "tay kéo vàng” phục vụ chú”.

Tôi đi theo anh Tuấn. Lúc này đã cuối giờ chiều, gió không quá mạnh nhưng sóng vỗ làm thân tàu lắc lư. Đến nơi thì tôi đã thấy một người đợi sẵn. Qua câu chuyện làm quen, tôi được biết anh là Đại úy QNCN Đoàn Văn Viên, Tiểu đội trưởng Radar pháo, Tàu 011-Đinh Tiên Hoàng, được tăng cường cùng đoàn công tác và Đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam trên biên đội Tàu 015-Trần Hưng Đạo, Tàu 016-Quang Trung (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) tham dự Lễ duyệt binh tàu hải quân nhân kỷ niệm 325 năm thành lập Hải quân Liên bang Nga và tranh tài môn "Cúp biển” trong khuôn khổ Army Games 2021.

Tôi thoáng chút chần chừ, không phải do kén chọn mà băn khoăn sóng gió thế này liệu có thể cắt tóc được không? Anh Đức Tuấn dường như đã nắm được suy nghĩ của tôi: "Không lo đâu, sóng này chứ sóng nữa thì anh Viên vẫn cắt được hết”. Chỉ nhoẻn miệng cười, anh Viên bảo tôi ngồi xuống.

Không ghế tựa, gương hay áo choàng như ở quán cắt tóc thường thấy, nhưng "đồ nghề” của anh vẫn có đủ những thứ cần thiết như: Tông đơ điện, kéo, lược, dao cạo. Một tay tôi nắm chặt thành tàu, tay kia cầm điện thoại làm... gương soi. Tàu vẫn chạy, anh Viên cũng bắt đầu làm việc. Đôi lúc, thân tàu lắc lư theo từng cơn sóng, ấy thế mà anh vẫn trụ vững. Chưa đầy 15 phút sau, mái tóc của tôi đã gọn gàng. Tôi ngắm nghía, xuýt xoa cảm ơn thì anh cười khiêm tốn: "Mình chỉ nghiệp dư thôi, chú hài lòng là tốt rồi”.

Hôm tham gia ghi hình về công tác huấn luyện của đội tuyển, tôi mới biết anh Viên cũng là vận động viên trong kíp bắn pháo đối hải AK-176. Chúc mừng thành tích của anh và đội tuyển khi đã thi đấu xuất sắc, giành giải nhất ở nội dung này, tôi giơ cao ngón cái về phía anh và tấm tắc: "Không chỉ chắc tay kéo mà anh còn chắc tay điều khiển radar bám bắt mục tiêu nữa”. Lần này cũng vậy, anh nhoẻn miệng cười khiêm tốn: "Vui lắm chú ạ! Nỗ lực của cả tập thể đã được đền đáp xứng đáng”.

Thiếu tá PHẠM VĂN HIẾU (phóng viên Phòng biên tập Thời sự quốc tế)

* * *

Ấn tượng trên thao trường

Năm 2021, Quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đăng cai hai môn thi "Vùng tai nạn" và "Xạ thủ bắn tỉa" trong khuôn khổ Army Games. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân gồm 10 đồng chí được Ban biên tập cử đi tác nghiệp tại sự kiện quan trọng này. Chúng tôi hầu hết đều lần đầu tham gia tuyên truyền tại Army Games, mặc dù có thuận lợi là tổ chức ở trong nước nhưng khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là rào cản về mặt ngôn ngữ.

Những kỷ niệm khó quên
Tình đoàn kết, hữu nghị của các vận động viên trên thao trường Army Games 2021. (Ảnh: TUẤN HUY) 

Một số đoàn nói tiếng Nga hoặc biết tiếng Nga, một số khác lại sử dụng tiếng mẹ đẻ hoặc tiếng Anh, do đó, khi muốn trao đổi một vấn đề hay phỏng vấn lãnh đạo, vận động viên các đoàn, chúng tôi đều phải nhờ sự giúp đỡ của các sĩ quan liên lạc, có khi phải dịch "bắc cầu" từ ngôn ngữ nước bạn sang tiếng Nga, rồi lại dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt và ngược lại, đồng thời sử dụng tất cả các ngôn ngữ hình thể, ký hiệu, dấu hiệu để trao đổi với bạn.

Tại môn thi "Xạ thủ bắn tỉa", cánh phóng viên ảnh, quay phim thường phải đứng ở vị trí cách vận động viên 150-200m, do đó, việc ghi hình rất khó khăn vì thao trường rộng mà hành động của các vận động viên đều ở tốc độ cao. Còn tại môn thi "Vùng tai nạn", khả năng tiếp cận được cải thiện hơn ở các đường pít dọc thao trường, nhưng việc phải vừa quay, chụp, vừa di chuyển theo các vận động viên đòi hỏi phóng viên phải có thể lực rất tốt, thậm chí có lúc phóng viên phải chạy nhanh hơn cả vận động viên.

Những kỷ niệm khó quên
Trung úy Nguyễn Tuấn Huy chạy như bay để kịp theo sát các vận động viên. (Ảnh: GIANG HUY) 

Trong hơn một tuần tham gia tuyên truyền Army Games 2021, bám sát từng trận đấu, từng buổi họp bất kể ngày, đêm của Ban tổ chức, Ban trọng tài và các đội thi, chúng tôi đều có chung nhận định: Các đội, các vận động viên tranh tài quyết liệt nhưng cũng đầy tình đoàn kết, hữu nghị. Đặc biệt, hình ảnh cả thao trường theo sát từng bước chân xạ thủ số 4 của đoàn quân đội Venezuela để khích lệ, động viên xạ thủ kiên trì không bỏ cuộc, nỗ lực hoàn thành phần thi "Bắn trong hành tiến" và sau đó, các vận động viên Việt Nam, Lào, Venezuela cùng nhau tay trong tay chụp ảnh, hô vang "Hồ Chí Minh” trên thao trường đã để lại trong chúng tôi ấn tượng sâu sắc về tinh thần thể thao cao thượng tại Army Games 2021.

Trung úy NGUYỄN TUẤN HUY (phóng viên Ban Ảnh) 

* * *

Tác nghiệp trong tâm dịch

Trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, giữa tháng 7-2021, tôi cùng Thiếu tá Trần Duy Văn, phóng viên Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh và Thiếu tá Phạm Huy Quân, Trưởng ban Biên tập-Hiệu đính, Phòng Thư ký tòa soạn được Ban biên tập điều động gấp từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để tuyên truyền công tác phòng, chống dịch.

Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi đã liên tục nghe thấy tiếng còi hú của xe cứu thương, cảm nhận được sự phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh, nhưng ai cũng mong được đến hiện trường tác nghiệp ngay lập tức. "Đại bản doanh” của chúng tôi trong suốt thời gian công tác là Trạm khách T67, Bộ Tham mưu, Quân khu 7. Ngay buổi tối hôm ấy, chúng tôi đã có mặt tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga chi nhánh phía Nam làm xét nghiệm SARS-CoV-2 để chuẩn bị "ra quân".

Những kỷ niệm khó quên
 Phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: HUY QUÂN) 

Giai đoạn này, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, lây lan nhanh, Thiếu tá Phạm Huy Quân liên tục nhắc nhở chúng tôi phải chú ý công tác phòng dịch. Bên cạnh đó, vì điều kiện tác nghiệp khó khăn và cơ hội thâm nhập hiện trường không phải lúc nào cũng có nên mỗi khi có dịp, chúng tôi cố gắng khai thác tối đa tài liệu, phỏng vấn nhiều người, lưu số điện thoại nhân vật...

Tôi nhớ mãi hôm tác nghiệp tại khu điều trị bệnh nhân nặng của Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175. Khi đang quay phim một bác sĩ nhập dữ liệu trên máy tính, thấy con số tử vong hằng ngày, tôi chững lại, phải một lúc sau mới có thể tiếp tục làm nhiệm vụ. Còn Thiếu tá Trần Duy Văn, mặc dù tác nghiệp ban đêm nhưng do phải mặc bộ quần áo bảo hộ cấp 4, di chuyển nhiều, thao tác liên tục nên người ướt đẫm mồ hôi...

Thiếu tá VŨ DUY HIỂN (phóng viên Ban đại diện miền Trung-Tây Nguyên)


BD- Theo Báo QĐND

Các tin khác
Các đại biểu dự lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Tọa đàm có sự tham gia của ba khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Toà án nhân dân TP Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.

Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Giải Đặc biệt được trao cho nhóm tác giả Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.

Các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng sách

Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự