Nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu - Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), Đài Tiếng nói Việt Nam: “Chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý mình có thể là một F0”
- Cập nhật: Chủ nhật, 6/2/2022 | 10:18:08 AM
“Người làm báo mà được sống trong hơi thở của sự kiện, được trộn hòa cảm xúc, được chứng kiến lằn ranh sinh tử… đó là điều đáng tự hào trong sự nghiệp cầm bút. Tự hào hơn là vượt qua nỗi sợ của chính mình, được phát huy bản năng nghề nghiệp, được trải qua thách thức áp lực để mình trưởng thành hơn”...
|
Nữ nhà báo Anh Thu đầy cảm xúc khi kể lại chuyến tác nghiệp đầy trải nghiệm của mình tại tâm dịch TP.HCM năm qua.
F0 không đáng sợ
+ Được biết, Anh Thu là một trong số những nhà báo trẻ của VOV tình nguyện lên đường tác nghiệp tại TP.HCM vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng, phức tạp nhất. Thời điểm đó, điều gì đã thôi thúc bạn?
- Tôi là phóng viên đầu tiên của VOV2 xung phong lên đường vào Nam tác nghiệp sau dòng thông báo của lãnh đạo đăng trên facebook nội bộ. Anh đã gọi tôi xuống nói chuyện và cũng nói rõ những rủi ro, nguy hiểm có thể gặp phải trong chuyến đi và cho tôi một ngày để suy nghĩ lại quyết định của mình. Ngày hôm sau tôi không dành để suy nghĩ lại quyết định mà là để đi tiêm mũi 2, chuẩn bị tư trang cho chuyến công tác. Chắc chắn tôi phải đi chuyến này. Buổi tối hôm đó, tôi nhận được tin báo, gia đình anh chị tôi ở TP.HCM, 4 người đều đã nhiễm virus. Tôi òa khóc.
Đài tổ chức Lễ xuất quân cho Đoàn công tác phía Nam. Tổng Giám đốc trích 10 triệu tiền lương tặng đoàn và mời bữa cơm thân mật trước ngày đi. Lúc đó tôi thấy được sự nghiêm túc của chuyến đi, có khi nào giống với lễ xuất quân vào chiến trường như ngày xưa của cha anh. Khác chăng, kẻ thù ngày nay lại vô hình, vô thanh, vũ khí của chúng tôi là 5K và vaccine. Câu nói dặn đi dặn lại của lãnh đạo và anh chị em đồng nghiệp là: "An toàn nhé!”.
Ngày 1/9, chúng tôi chia làm 2 mũi và xuất phát. Thực lòng trước ngày đi và trên đường đi tôi đã khóc rất nhiều. Tò mò nhưng cũng đầy lo sợ. Nhỡ mình F0 thì lại trở thành gánh nặng của cả đoàn. Rồi liệu ai đó trong chúng tôi có vượt qua được không khi mà con số tử vong vì COVID-19 mỗi ngày cập nhật lại tăng. Chẳng ai trong chúng tôi, kể cả lãnh đạo, dám báo với gia đình về chuyến đi này, sợ người nhà lo.
+ Chắc hẳn là các nhà báo không thể cứ ôm mãi nỗi lo sợ ấy khi lao vào tâm dịch?
- Thực ra, ngày đầu tiên đặt chân đến TP.HCM, một sự u ám trĩu nặng, cả thời tiết và tâm trạng. Buổi đầu tác nghiệp của chúng tôi là tại trạm y tế lưu động quận 7. Phỏng vấn xong bác sĩ, chúng tôi ra xe thì được gọi giật lại. Có một ca cấp cứu F0 tại nhà. Cả hội vội vã mặc đồ bảo hộ cùng chạy xe theo 2 bác sĩ. Đó là gia đình 4 người thì 3 người là F0. Nữ bệnh nhân ngoài 30 tuổi, ho yếu ớt, nói từng câu đứt đoạn. Mẹ của chị - người khỏe mạnh nhất nhà cầu xin bác sĩ hãy cứu lấy con gái. Bác sĩ đo Sp02 và chỉ định phải vào viện điều trị. Tôi lao lên xe cứu thương cùng với bác sĩ.
Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc gần với F0 như vậy. Ở Hà Nội chỉ nghe đến F1, F2 đã sợ rồi. Nhưng lần tiếp xúc "mạo hiểm” đó đã cho tôi hiểu một điều: F0 không đáng sợ. Từ đó tôi mạnh dạn hơn, gạt bỏ lo ngại trong chính bản thân để tiến hơn một bước: Vào ICU - phòng hồi sức tích cực để tác nghiệp.
Tìm cái mới trong cái cũ mới là khó
+ Tác nghiệp ICU đã có khá nhiều các đồng nghiệp triển khai trước đó rồi. Vậy làm thế nào để tìm cách tiếp cận mới trong bể thông tin đã cũ, thưa nhà báo?
- Tâm dịch đã là một đề tài lớn mà tờ báo nào cũng cử phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Những tháng qua, câu chuyện chống dịch ở TP.HCM đã được kể ở nhiều dạng thức khác nhau. Thú thật, áp lực bài vở gánh trên đôi vai kỳ vọng khiến chúng tôi rối tung giữa ngồn ngộn chất liệu cuộc sống. Ngoài những bài thực hiện các chủ đề theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi là những người có mặt tại đó, mắt nhìn, tai nghe, tay chạm vào hiện thực nên luôn đau đáu phải tìm các đề tài cho riêng mình. Câu chuyện cũ nhưng phải tiếp cận ở góc mới. Nhà báo Nguyễn Khiêm - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2) luôn nhắc chúng tôi: "Câu chuyện và góc nhìn mới”.
Tôi nhớ ngày hôm đó ngồi ở phòng điều hành của Bệnh viện dã chiến 16, thực hiện kịch bản livestream cho buổi tối. Tiếng bộ đàm bên cạnh vang lên liên tục. Vị bác sĩ gần đó thở dài và nói: "Công việc buồn chán nhất trong ngày là cập nhật ca tử vong em ạ”. Lúc đó tôi đã nảy ra câu chuyện về những người thông báo tin buồn cho người nhà bệnh nhân.
Câu chuyện về các bác sĩ, bệnh nhân giành giật sự sống trong ICU bao giờ cũng thu hút người đọc/nghe. Nhưng chưa ai kể về những bác sĩ, nhân viên văn phòng bên ngoài ICU thực hiện công việc giao tiếp với người nhà bệnh nhân. Một khi đã vào ICU điều trị COVID-19, chiếc điện thoại là sợi dây liên lạc duy nhất giữa bệnh nhân – bác sĩ bệnh viện - thân nhân. Có chị vừa gọi điện cho thân nhân thông báo tử vong vừa khóc. Tôi đã viết câu chuyện đó rất nhanh sau 2 ngày phỏng vấn. Bài viết nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Các bài viết sau đó, tôi đều dành thời gian suy nghĩ và tiếp cận nhân vật lâu hơn…
+ Lâu hơn để viết được sâu hơn, để cảm nhận được chính xác hơn và cũng để tìm ra được những góc nhìn mới hơn?
- Đúng vậy. Khi mình thực sự sống với câu chuyện, được nghe họ kể nhiều hơn là phỏng vấn hỏi - đáp, cảm xúc nảy mầm và người viết sẽ có câu chuyện riêng. Phải nói thêm rằng, ở "chiến trường” chỉ mất một tuần để làm quen, để thở ngộp trong bầu sự kiện nóng rẫy. Sự thích nghi của con người rất nhanh. Khi không còn sợ F0 nữa, khi đã quen đau với nỗi đau của đồng bào trong tâm dịch, thì cái "quen” sẽ khiến chúng ta dễ chai sạn cảm xúc. Khi nhìn mọi thứ bình thường, bạn sẽ dễ bị bỏ qua những chi tiết hay.
Thực ra thì tôi đã bị thế. Có lúc tôi muốn bỏ về Hà Nội, tôi không biết viết gì ở nơi này, mọi thứ quá cũ với tôi. Thế nhưng, tìm cái mới trong cái cũ mới là khó, cái mới bày sẵn trước mặt thì đâu còn cái lý thú của nghề. Tôi đã thực hiện được phóng sự ảnh "Danh tính của mất mát” kể về những kỷ vật của người mất từ những lần ăn trưa, ngủ trưa ở bệnh viện. Vậy đấy, trong nghề báo có người rất nhanh nhưng cũng có người cần phải chậm lại để nghiền ngẫm, tìm tòi. Tôi may mắn vì sếp chấp nhận cho tôi được chậm.
+ Từ chuyện tình nguyện lên đường tác nghiệp đến nhiều tình huống đầy mạo hiểm, chuyến đi ấy hẳn là ít nhiều có những ám ảnh đối với cuộc đời làm nghề của một người làm báo trẻ?
- Tôi đăng ký đi công tác vì tôi tò mò. Tôi hăm hở bước vào ICU hay lao lên xe chở F0 đi cấp cứu vì đó là bản năng nghề nghiệp. Thực ra lúc đó tôi chẳng nghĩ đến nguy hiểm. Các bác sĩ đã chiến đấu cả mấy tháng trời qua giành giật sự sống cho hàng ngàn F0 thì tại sao chúng ta không thể đến gần và tác nghiệp được. Tôi tin, không phải là tôi, bất kể đồng nghiệp nào khi đặt mình vào bối cảnh đó cũng đều "bản năng nghề” như tôi.
Sự an toàn cho phóng viên là cần thiết. Nhưng việc của phóng viên vào tâm dịch là để phản ánh, kể những câu chuyện thật nhất, đời nhất. Và để làm được thì anh phải dấn thân. Chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý mình có thể là một F0. Tác nghiệp tâm dịch phải chuẩn bị tâm thế cho rất nhiều tình huống. Có những tình huống ngoài cả dự định.
Tối hôm đó tại phòng điều hành, Trung tâm ICU bệnh viện Bạch Mai thuộc Bệnh viện dã chiến 16, TP.HCM. Qua màn hình camera và tấm kính ở hành lang, tôi biết có 2 ca vừa tử vong và đang được đưa ra ngoài nhà lạnh. Khi đó, tôi đang đeo khẩu trang N95 và không mặc đồ bảo hộ vì ở phòng điều hành không phải mặc. Nhưng để kịp, tôi đã cầm máy ảnh lao đi theo hướng xe cáng.
Lần đầu tiên tôi đi trên con đường ra nơi cất giữ thi hài người mất vì COVID-19. Con đường vắng lặng, chỉ có tiếng xe lọc cọc và lá cây xào xạc trong đêm. Bốn nhân viên nhà đại thể và tình nguyện viên lặng lẽ, chẳng ai nói với nhau lời nào. Bàn thờ vẫn còn nghi ngút khói hương giờ lại thắp thêm những nén hương mới. Tôi được ra hiệu đứng cách xa 2m vì tôi không có đồ bảo hộ. Tôi đứng gần đó, theo dõi và bắt khoảnh khắc vào trong ống kính. Hình ảnh người tình nguyện viên ở lại cuối cùng cúi đầu đọc lời cầu nguyện cho người đã mất mà tôi chụp được mãi ám ảnh trong tôi đến bây giờ...
+ Vâng, xin cảm ơn nữ nhà báo!
Theo Báo NB&CL(NT)
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.