Kim Thảo: Lan tỏa màu xanh yêu thương giữa tâm dịch
- Cập nhật: Thứ hai, 7/2/2022 | 8:48:35 AM
BTV Kim Thảo - Truyền hình Công an nhân dân (CAND) được biết đến là quán quân mùa đầu tiên chương trình “Gương mặt truyền hình”. Nhưng chị còn được biết đến với vai trò người dẫn chương trình nhân ái, với nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực trong tâm dịch.
BTV Kim Thảo - Truyền hình Công an nhân dân
|
Cho đi là còn mãi
Từ khi còn là sinh viên cho đến lúc là một MC truyền hình, hoạt động xã hội từ thiện luôn là một phần trong cuộc sống của Kim Thảo. Hàng năm chị và bạn bè thường vận động, quyên góp và tổ chức hỗ trợ các trường hợp cần sự giúp đỡ, đó là những người vô gia cư, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, các em bé sống ở ngoài đường phố…
Và cứ thế như một thói quen, thời điểm tháng 5, 6 TP. Hồ Chí Minh bắt đầu bùng dịch, chị lại tiếp tục hành trình kết nối, chia sẻ chung tay hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Ban đầu là hỗ trợ thực phẩm cho một vài khu cách ly, khu phong tỏa, khu nhà ở của người lao động nghèo, nhặt ve chai, mất việc làm, sau đó lan rộng ra nhiều khu vực khác.
Bếp ăn của nhóm Kim Thảo lúc đầu chỉ 100 – 200 phần cơm một ngày, nhưng khi thành phố áp dụng phong tỏa diện rộng hơn thì số lượng phần cơm tăng lên nhanh chóng. Việc lên danh sách các điểm, khu vực cần được hỗ trợ mở rộng ra nhiều địa bàn được tính toán chi tiết, cụ thể hơn. Điều khó khăn với những bếp ăn nấu là không được phép tập trung nhiều người, Kim Thảo may mắn có sự hỗ trợ của vài người bạn, nấu xong có thêm các bạn tình nguyện viên cùng tham gia mang cơm đưa đến tận tay người dân.
BTV Kim Thảo chia sẻ: Nấu ăn cho nhiều người là công việc không đơn giản, để chuẩn bị đủ lượng thực phẩm ngon sạch, khâu phân loại nguyên liệu và sơ chế cũng quan trọng không kém. Có lần tôi nhận từ Đà Lạt gửi xuống mấy trăm kg rau, củ, quả nhưng do vận chuyển quãng đường xa, trong thời gian giãn cách nên nhiều loại đã bị dập nát, phải ngồi lựa, phân loại, càng chuẩn bị kỹ bao nhiêu thì đồ ăn càng ngon bấy nhiêu.
Ngày này qua ngày khác, có nhiều hôm chị và bạn bè làm đến 9h tối để chuẩn bị, 2h, 3h sáng dậy nấu cơm để kịp mang đi phát buổi sáng. Làm việc bằng trái tim nên chị luôn quan niệm mình ăn như thế nào thì nấu thế, để mỗi phần cơm không chỉ là dinh dưỡng mà còn là tình cảm của người nấu trong đó.
Không chỉ trao cơm theo cách thông thường, mỗi mảnh đời, mỗi số phận mà Kim Thảo gặp gỡ thường bắt đầu bằng những câu chuyện, lắng nghe những chia sẻ để xem họ cần hỗ trợ những gì tiếp. "Chúng tôi dùng cách mời cơm mọi người, mình mời họ có thể từ chối, khi mời phải đem theo sự trân trọng ở đó. Nên nếu họ từ chối họ cũng nhẹ nhàng vui vẻ hơn, có thể là cô có rồi, bác có rồi, con mang cho người khác”, Kim Thảo chia sẻ.
Trong suốt 3 tháng nấu cơm, sau khi nhiều hộ dân đã được hỗ trợ thực phẩm tại nhà, chị chuyển sang cả phát thuốc cho các bệnh nhân đang điều trị tại nhà, mỗi lần phát thuốc sẽ có cả các phần quà là lương thực thực phẩm hỗ trợ bệnh nhân COVID-19. Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, mỗi địa điểm chị đều thực hiện các quy định về phòng dịch, giữ an toàn cho mình và cho mọi người. Không chỉ cập nhật thông tin trên sóng truyền hình, mà thông qua những việc làm thiện nguyện này chị có thể học được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống.
Làm từ thiện trong tâm dịch không hề đơn giản, đó phải là công việc của tập thể, nhờ sự giúp sức của bạn bè, chị đã tìm được một quán ăn (bỏ không trong mùa dịch) để làm nơi lưu giữ lương thực, thực phẩm thiết yếu. Toàn bộ số hàng hóa thiết yếu sẽ tập trung tại đây và từ đó sẽ đóng gói để đi phát cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Khối lượng thực phẩm cần mang đi hỗ trợ mỗi ngày một tăng, Kim Thảo may mắn có sự hỗ trợ của đồng nghiệp và một số người lính miền Bắc tăng cường vào Nam hỗ trợ.
Hành trình sau giờ làm việc
Chia sẻ về việc làm sao vừa làm tốt vai trò của một người dẫn chương trình thời sự, vừa tham gia hỗ trợ cộng đồng, BTV Kim Thảo cho biết: "Tôi luôn biết cách sắp xếp cho công việc hợp lý trước giờ lên sóng. Lên sóng và truyền tải nội dung luôn tạo ra áp lực, nhưng tôi may mắn luôn có sự động viên từ đồng nghiệp trong Ban Biên tập, lãnh đạo cơ quan đại diện Truyền hình Công an nhân dân tại TP.HCM. Mỗi khi xong việc ở cơ quan tôi trở lại việc nấu ăn, chuẩn bị, đóng gói các đồ hỗ trợ người dân”.
Làm hai việc quan trọng cùng một lúc, trong suốt nhiều tháng chị không trở về nhà với gia đình, vì không muốn mang rủi ro cho các thành viên trong gia đình. Niềm vui sum vầy với chị chỉ đơn giản là các cuộc điện cho bố mẹ, kể về những gì diễn ra trong ngày, sau cuộc điện thoại là mọi thứ nhẹ nhõm hơn.
Làm công việc cho cộng đồng luôn đòi hỏi duy trì thể lực và trí lực, đối với nữ BTV Kim Thảo, chị luôn dành thời gian ăn uống khoa học, nạp nhiều vitamin, uống nước chanh xả gừng để tăng sức đề kháng, thường xuyên sử dụng các thuốc sát khuẩn mỗi khi ra ngoài.
Phòng bệnh là trên hết, BTV Kim Thảo chia sẻ: "Tôi nhớ những lần đi phát cơm ở huyện Bình Chánh đến các hộ gia đình F0, khu người lao động gặp khó khăn, không kịp về quê. Đây là khu vực dễ bị lây nhiễm. Sau khi kết thúc mỗi một điểm tôi đều sử dụng nước sát khuẩn ra vùng tay, cả vùng mặt, vì có những điểm bị hở khẩu trang chưa kín hết và không may lần đó da mặt bị rộp đỏ, nhưng đó cũng là kỷ niệm mà tôi sẽ nhớ sau này”.
Suốt hành trình trên những con phố vắng lặng, các con ngõ nhỏ Sài Gòn, Kim Thảo đã hỗ trợ kịp thời không biết bao những trường hợp cần được cứu trợ. Luôn giữ tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh, chị đã gặp không ít hình ảnh dễ thương mà sau đó được ghi lại và đăng tải trên trang facebook cá nhân. Đó là những người vô gia cư, sống trên những chiếc xe kéo, họ có những chú chó nhỏ dễ thương luôn đi theo trong suốt hành trình. Hay một anh ve chai nuôi 2 con chó, khi xin được một phần cơm anh nhường thức ăn cho "2 người bạn”, còn anh ăn cơm trắng… Có những niềm vui niềm hạnh phúc khi đến được đúng người, đúng lúc, nhưng cũng có nỗi buồi khi chứng kiến nhiều hộ gia đình có em bé bỗng nhiên bị mồ côi cả cha, mẹ trong đại dịch, phần lớn các em đều có hoàn cảnh khó khăn.
Hành trình của Kim Thảo sẽ còn tiếp diễn, nhiều dự định, kế hoạch vẫn được xây dựng và bởi còn bao cảnh đời nghèo khó cần đến sự giúp đỡ. "Tôi chỉ nghĩ, mình chỉ sống có một lần trên đời, cố gắng sống sao cho ý nghĩa, đó là câu nói mà tiếp cho mình động lực để mình đi tiếp. Tôi nghĩ mình còn trẻ, còn độc thân hãy đóng góp và làm những gì cho thật có ý nghĩa cho cộng đồng”, Kim Thảo tâm sự.
Không chỉ năng động trong các hoạt động thiện nguyện, mỗi giờ lên sóng BTV Kim Thảo còn lan tỏa tinh thần lạc quan, khơi gợi kết nối tinh thần đoàn kết của mọi người bằng một giọng nói đầy nội lực và cảm xúc. Dù tuổi nghề còn khá trẻ nhưng chị đã đang và sẽ là gương mặt thân quen của Truyền hình CAND. Với Kim Thảo, niềm vui như nhân lên khi kết nối mọi người cùng chung tay góp sức, từ người dẫn chương trình nay chị trở thành người dẫn dắt, tất cả đều được khơi gợi tinh thần đoàn kết, cống hiến 100% sức lực cho cộng đồng, trong cuộc chiến đầy thử thách.
Theo Báo NB&CL(NT)
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.