Triển lãm "Nhà báo vẽ" - Nơi lan tỏa niềm lạc quan, bản lĩnh, tình cảm của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/3/2022 | 8:44:48 PM
"Ngoài tài năng làm báo, làm thơ, viết sách…, hôm nay công chúng còn được thấy một tài năng khác của anh, đó là tài năng hội họa, chúng ta thấy được tình cảm của anh gửi gắm trong đó". Đó là chia sẻ của nhà báo Lê Quốc Minh về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại Triển lãm "Nhà báo vẽ".
Thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tiếp nhận bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trao tặng. Ảnh: Sơn Hải
|
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022; chào mừng thành công Đại hội lần thứ XI, Hội Nhà báo Việt Nam và mở đầu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2022), ngày 3/3, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm "Nhà báo vẽ" và giới thiệu bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Triển lãm giới thiệu 2 cụm tranh vẽ chính, gồm: chân dung nhà báo (100 bức, khổ 70x90cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4); Bộ sưu tập tranh áp phích chống dịch và Mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.
Là nhà báo kỳ cựu từ khi bước chân vào con đường hội họa, ông đã cho ra đời hơn 400 bức tranh chân dung của nhiều nhà báo, nhà thơ, doanh nhân, diễn viên, cầu thủ nổi tiếng...
Hơn 40 năm cầm bút, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nổi tiếng là tay viết phóng sự lão luyện. Nhiều tác phẩm phóng sự của ông đã được in thành sách như: "Ba hồi chuông", "Ăn Tết trong rừng chó sói", "Tôi đi bán tôi", "Kính thưa ô-sin"… Ngoài ra, nhà báo cũng viết nhiều thể loại khác như truyện thiếu nhi, thơ, tản văn, giáo trình dạy học môn phóng sự….
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một cây phóng sự được nhiều bạn đọc yêu thích, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955, nghỉ hưu từ 2015) nguyên Ủy viên BCH, Phó Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam (khóa VIII, IX), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo, kiêm giảng viên báo chí của một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước.
Từ tháng 4/2021, trong thời gian điều trị bệnh tai biến và bị cách ly do đại dịch Covid, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã quyết tâm thực hiện chương trình hành động "Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”. Ông say mê viết văn, viết báo, in sách, giảng dạy trực tuyến… và đặc biệt yêu thích việc vẽ chân dung các đồng nghiệp, bởi thế đã có khoảng 400 bức chân dung đã ra đời. Tranh áp phích tuyên truyền chống dịch của ông đã được một số báo đài và tạp chí in làm trang bìa và giới thiệu trân trọng.
Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đem các họa tiết chống dịch này in trên các mẫu áo dài thời trang và ra mắt công chúng giữa năm 2021. Dù vẫn còn mang tính chất nghiệp dư, song tranh của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được nhiều người xem ghi nhận và đánh giá cao bởi có phong cách và đậm tính thời sự, đồng thời toát lên niềm lạc quan, bản lĩnh và tình cảm sâu sắc của một nhà báo trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách có phần nghiệt ngã nhất.
Tham dự và phát biểu khai mạc triển lãm, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Là cây bút phóng sự nổi bật trong làng báo Việt Nam hơn 40 năm qua, tôi biết anh Huỳnh Dũng Nhân đã rong ruổi khắp các tỉnh thành của Việt Nam và kể lại nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời, nhiều trăn trở xã hội với ngòi bút trữ tình, hóm hỉnh, sâu sắc và thấm đẫm tính nhân văn.
"Anh là con trai nhà báo Huỳnh Hùng Lý, một nhà báo có tên tuổi công tác tại Báo Nhân Dân Miền Nam từ năm 1952, rồi tập kết ra Bắc và làm ở báo Nhân Dân..., Bản thân anh Huỳnh Dũng Nhân cũng lớn lên trong khu tập thể cán bộ Báo Nhân Dân tại Hà Nội, đội mũ rơm đi học chữ và học vẽ dưới bom đạn Mỹ. Anh là người nhiệt tình trong công tác hội, nhiệt tình với hoạt động bảo tàng”, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định: Ngoài tài năng làm báo, làm thơ, viết sách…, hôm nay chúng ta còn được thấy một tài năng khác của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đó là tài năng hội họa. Ngắm nhìn những bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung các nhà báo tiền bối và chân dung các đồng nghiệp, những người bạn của anh, chúng ta thấy được tình cảm của anh gửi gắm trong đó.
Công chúng còn được ngắm những bức tranh áp phích tuyên truyền chống dịch đậm tính thời sự, những bức vẽ toát lên niềm lạc quan, bản lĩnh và tình cảm sâu sắc của một nhà báo trong những hoàn cảnh khó khăn thử thách khắc nghiệt đặc biệt là trong thời gian tác giả bị tai biến và cách ly do đại dịch Covid 19. Khi gặp bệnh trọng anh đã vượt lên hoàn cảnh, lựa chọn cách sống tích cực, lạc quan và luôn vươn lên trong cuộc sống. Thế giới màu sắc của Huỳnh Dũng Nhân là thế giới tình cảm, nhân văn, là hướng tới cái đẹp và tình yêu thương con người. Càng thấy rõ anh tha thiết yêu nghề, yêu người, khi cầm bút lẫn khi cầm cọ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đánh giá cao Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức sự kiện này, đặc biệt đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhân dịp Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI và đang có các hoạt động hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày thành lập. Nhà báo Lê Quốc Minh đề nghị trong thời gian tới đây Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo Việt Nam mà còn là địa chỉ hấp dẫn để các nhà báo có thể lựa chọn tổ chức những sự kiện có ý nghĩa như thế này.
Chia sẻ tại sự kiện, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết: Tôi được sinh ra trong một gia đình làm báo, lớn lên trong khu tập thể báo Nhân Dân ở Hà Nội. Suốt cuộc đời tôi gắn với cây bút, không may sau này tôi bị bệnh khi về hưu, bị cách ly vì dịch bệnh Covid-19, trong thời gian đó tôi thấy màu, bút vẽ của con gái mục đích ban đầu là vẽ "chơi” khi có thời gian rảnh. Xem tranh được bạn bè đồng nghiệp và động viên, làm báo mấy chục năm nay, nhưng cầm bút vẽ mới được vài tháng nay.
Sau ba tháng nằm giường bệnh, khi ngồi dậy được tôi bắt đầu vẽ, một ngày tập trung vẽ được vài tấm, đến nay đã vẽ được khoảng 500 tấm, chọn triển lãm ở đây 200 – 300 tấm. Tôi may mắn được nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đưa các tờ áp phích tuyên truyền chống dịch, nhiều bức tranh được in và giới thiệu tại chương trình áo dài Việt Nam càng được nhiều công chúng quan tâm.
"Việc kết hợp triển lãm chân dung nhà báo và giới thiệu bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid càng làm cho triển lãm có chiều sâu hơn, sau nhiều thời gian hoãn do dịch, hôm nay sự kiện được tổ chức thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu và thắng dịch của cả nước. Đây cũng là sự kiện hoàn thành ước mơ của tôi, gồm ước mơ viết và vẽ, là hoạt động cực kỳ đáng nhớ đối với nghề và cuộc đời của tôi”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự.
Sự kiện trưng bày được diễn ra từ ngày 03/3/2022 đến hết 15/3/2022, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Toà nhà Hội nhà báo Việt Nam - lô E2, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hoà. Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Theo Báo NB&CL(NT)
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.