Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong báo chí Bài 1: Các cơ quan báo chí cần nghiên cứu lựa chọn công nghệ mới để đi tắt đón đầu
- Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2022 | 4:03:03 PM
Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - viết tắt là AI) đang trở thành một xu thế tất yếu trong nhiều lĩnh vực đời sống. Không chỉ ở trong phòng nghiên cứu đơn thuần, AI đã, đang đi vào hàng loạt ứng dụng của cuộc sống hiện đại nói chung và trong hoạt động báo chí nói riêng.
Nhà báo Nguyễn Cao Cường, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất chương trình VTVcab tại một buổi tập huấn về truyền thông.
|
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa đến những thay đổi ngày càng nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông. Luôn tận dụng tối đa những ưu thế của công nghệ để phát triển, nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động phát triển báo điện tử nhằm thu hút thêm đối tượng bạn đọc, tăng tính tương tác và đặc biệt là có thêm doanh thu.
Vậy AI có thể thực hiện những công việc nào trong lĩnh vực báo chí? Các cơ quan báo chí đang sử dụng như thế nào? tòa soạn và độc giả sẽ được hỗ trợ gì...?
AI làm các tác phẩm báo chí đa dạng, sinh động hơn
Trong thời đại kỷ nguyên số, AI không chỉ mang đến lợi ích cho các công ty, đơn vị triển khai thực hiện mà còn đóng góp rất lớn cho sự phát triển xã hội. Thời gian gần đây, đại dịch COVID-19 đã mang lại cho AI những cơ hội phát triển và thách thức trong tương lai, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn bao giờ hết.
Không ở đâu xa, trong đời sống hàng ngày khi chúng ta sử dụng Facebook, Google hay Apple, người dùng đã tương tác với AI. AI đề xuất ảnh, gửi video và sau đó gửi các quảng cáo liên quan tới những vấn đề, nội dung người dùng đang quan tâm, tìm kiếm. Người dùng thậm chí tương tác với AI hàng chục lần một ngày mà không hề biết.
Tận dụng các ưu thế của công nghệ, ngành báo chí thế giới và trong nước đã thay đổi để thích ứng. Thực tế đã có nhiều hãng tin trên thế giới đã áp dụng và thấy rằng AI có thể mang lại rất nhiều lợi ích để nâng cao chất lượng báo chí. Trong đó tập trung tận dụng AI để giúp người đọc tìm kiếm và nhanh chóng chọn lựa mục tin tức phù hợp với mình.
Với các tờ báo có số lượng bài lớn, cập nhật đưa lên mỗi ngày, AI có thể làm cho người dùng vượt qua khó khăn trong việc lựa chọn các bài viết theo chủ đề hoặc đọc lại các bài mà họ mong muốn. Bởi vậy các hệ thống lưu giữ các từ khoá, các tít bài sẽ tổng hợp, lựa chọn, gợi ý phân tích hành vi của người đọc để đưa ra những bài báo khớp nhất đối với sở thích của họ.
Hiện nay, trong nước đã có một số báo điện tử như VOVLive, VnExpress, Thông tấn xã Việt Nam, Zing News, Dân trí, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Lao Động hay Báo Nhà báo và Công luận... đã áp dụng trí tuệ nhân tạo. Trong đó ứng dụng công cụ báo "nói”, nghĩa là máy đọc, chứ không phải người đọc tin tức cho độc giả.
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, nhà báo Trần Việt Hưng, Tổng thư ký tòa soạn báo điện tử Thanh Niên cho rằng: "Với công nghệ AI trên Báo Thanh Niên, chúng tôi mong muốn đem đến cho khán giả một trải nghiệm hoàn toàn mới cùng những tiện ích mà nền tảng báo điện tử truyền thống không thể, cũng như cung cấp thêm những nội dung số khác ngoài tin tức truyền thống. Trong thời gian tới chúng tôi kỳ vọng biến trang báo điện tử Thanh Niên thành người bạn thân thiết có thể dần dần hiểu được những nhu cầu của bạn đọc”.
Tương tự tại báo điện tử VietnamPlus, từ tháng 11/2018 đã tung ra chatbot tự động tương tác với độc giả, trong đó có công nghệ tự động chuyển từ văn bản sang giọng nói (text to speech) để tạo ra một bản tin âm thanh.
Bên cạnh đó, báo VietnamPlus còn sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu về thói quen của người dùng, từ đó, hệ thống xuất bản sẽ tự động đề xuất nội dung theo sở thích của người đọc, giúp họ cá nhân hóa trang tin. Thông qua việc thu thập dữ liệu, VietnamPlus có thể phục vụ độc giả tốt hơn.
Chia sẻ với báo Nhà báo và Công luận, nhà báo Nguyễn Cao Cường, Phó giám đốc Trung tâm sản xuất chương trình VTVcab cho biết: "Đã có một số cơ quan báo chí lớn trong nước dùng lập trình của một số doanh nghiệp, trong đó có ứng dụng robot có thể đọc tin tức, sự kiện thời sự bằng giọng miền Nam, miền Bắc, miền Trung, giọng nam, giọng nữ... đó cũng là một cách của ứng dụng AI, việc này rõ ràng làm đa dạng hơn, sinh động hơn các tác phẩm báo chí".
Hợp tác, kết nối chuyển giao ứng dụng công nghệ hiện đại nhất
Việc ứng dụng AI như một phương pháp tự động hóa, giúp thao tác người dùng được ngắn gọn, tiện lợi hơn đã có tác động mạnh trong việc cải thiện, phân phối, tiêu thụ nội dung. Tuy nhiên hiệu quả đó có được duy trì hay không, các thể loại báo chí có cùng tích hợp để sử dụng AI hay không, việc nghiên cứu, ứng dụng đòi hỏi tiêu tốn thời gian, nguồn lực kinh tế, con người sẽ được cơ quan báo chí đó thực hiện như thế nào? vẫn là câu hỏi lớn.
Trên thực tế, nếu một tờ báo nghiên cứu và đưa được một robot vào sử dụng cho báo mình nhưng cuối cùng cũng chỉ vài trăm người sử dụng một ngày thì cuối cùng hiệu quả không cao, cơ quan báo chí đó sẽ không phát huy được nguồn lực đầu tư ban đầu.
Đánh giá một cách tổng quát về việc ứng dụng AI trong hoạt động báo chí trong nước hiện nay, nhà báo Nguyễn Cao Cường chia sẻ: "Về cơ bản ứng dụng AI với báo chí ở Việt Nam là chưa có nhiều thành tựu, đơn giản như ứng dụng các chức năng của Google vào việc trình bày của báo hay của một loại bài nào đó chúng ta còn chưa khai thác một cách đầy đủ, tận dụng tiện ích của Google. Tôi lấy ví dụ ứng dụng về dự báo thời tiết, hiện ít người xem trên các báo mạng hay tivi, chủ yếu sử dụng trên các app (phần mềm) có sẵn của nước ngoài, cập nhật một cách liên tục trên điện thoại, họ thậm chí có cách trình bày dễ hiểu, phân tích đến từng giờ, với nhiều thông số, dữ liệu cụ thể, sinh động...”
Có thể nói, từ thực tế này đòi hỏi mỗi một cơ quan báo chí phải đa năng, sẽ không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ sản xuất tin bài, đó còn là một toà soạn của công nghệ, của những sáng tạo nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Bài toán đặt ra là làm sao để bắt kịp được sự phát triển công nghệ trong làm báo tiên tiến trên thế giới, làm sao để đi tắt đón đầu. Đó phải là tiến trình tự nhiên, đến lúc nhu cầu của công chúng được nâng cao thì báo chí phải vào cuộc, vì thực tế cho thấy báo chí Việt Nam thực hiện kiếm tiền nhờ ứng dụng các công nghệ còn kém, ít tập trung đi vào nghiên cứu chiều sâu nhu cầu của công chúng, thị trường người đọc.
Tuy nhiên nếu so sánh báo chí với hệ thống thương mại điện tử hiện nay, có thể thấy hệ thống thương mại điện tử đang làm rất tốt việc ứng dụng AI vào hoạt động nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng. Họ phân tích được dữ liệu khổng lồ trên các nền tảng, trên môi trường mạng, biết được nhu cầu của công chúng, khách hàng là gì, từ đó thu hút, "lôi kéo” người dùng vào gần với họ và doanh thu, lợi nhuận, quảng cáo... cũng bắt đầu từ đó. Đối với báo chí, rồi có lúc nào đó công chúng thay đổi cách tiếp cận thông tin của họ thì báo chí cũng phải thay đổi để bắt kịp thị trường.
Nhà báo Nguyễn Cao Cường gợi ý: "Để ứng dụng AI một cách hiệu quả, mỗi một người đứng đầu cơ quan báo chí, tạp chí cần nghiên cứu các công ty công nghệ mới, các tờ báo nổi tiếng trên thế giới, họ đã ứng dụng công nghệ gì đã mang lại hiệu quả, từ đó có thể ký kết hợp tác, kết nối với họ chuyển giao công nghệ một cách bài bản, đồng bộ, lúc đó cơ quan báo chí đó sẽ không cần phải nghiên cứu sáng tạo gì thêm mà vẫn tạo ra hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động”.
Các tin khác
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Ngày 11/11, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu tập 3 và 4 bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng.