Nhà báo Nguyễn Ngân- VTV: Phải đến gần hơn với nhân vật, câu chuyện để truyền cảm xúc đến khán giả
- Cập nhật: Thứ hai, 20/6/2022 | 5:51:26 PM
Nhà báo Nguyễn Ngân cho rằng “để tác phẩm truyền hình luôn hấp dẫn được khán giả, người làm truyền hình cần đến gần hơn với nhân vật, câu chuyện, sự thật… và có những khoảnh khắc đắt giá. Từ đó để lại ấn tượng với khán giả. Điều này đòi hỏi sự nhạy cảm của người làm nghề”.
|
Phóng sự truyền hình "Nơi điều trị nghiện trở thành nơi buôn bán ma túy” của nhà báo Nguyễn Ngân, Phạm Quảng Nam, Đỗ Chí Hiếu được Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI đánh giá cao. Không chỉ nêu bật vấn đề nhức nhối trong xã hội mà mỗi hình ảnh trong phóng sự đều cho thấy nỗ lực của cả ê-kíp với mong muốn có chương trình đặc biệt mang dấu ấn Thời sự - VTV đến khán giả. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Ngân để hiểu rõ hơn quá trình triển khai phóng sự truyền hình này.
+ "Nơi điều trị nghiện trở thành nơi buôn bán ma túy” được phát sóng vào tháng 10/2021 trong lúc dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp trong cả nước, vậy thời điểm đó chị và ê-kíp có những khó khăn gì?
- Thời điểm đó chúng tôi nhận được thông tin của bạn đọc vào đúng đợt dịch bệnh bắt đầu căng thẳng, chúng tôi xin giấy đi đường của cơ quan. Nhưng làm thủ tục thời điểm đó cũng không dễ. Trải qua nhiều các bước xét nghiệm, test COVID-19, thực hiện các phương án phòng chống dịch.
Chúng tôi đã từng làm nhiều phóng sự về ma túy, những nơi mua bán, sử dụng ma túy ở nhiều địa phương khác nhau. Nhưng biết được sự việc là một chuyện, việc thu thập thông tin, hình ảnh, chứng cứ lại là một câu chuyện dài khác.Chúng tôi may mắn khi người dân ở nhiều địa phương ủng hộ, họ cũng yêu cầu việc này phải tuyệt đối giữ bí mật. Khi quay lấy hình không để ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân. Chúng tôi thường không sử dụng âm thanh hay bất cứ hình ảnh nào liên quan đến người tố cáo.
+ Làm phóng sự điều tra về ma túy, chắc hẳn chị đã có những tình huống dở khóc dở cười, tình huống không may phát sinh mà đòi hỏi nhiều kỹ năng để xử lý?
- Có một tình huống trong phóng sự khá nguy hiểm. Khi túc trực từ sáng sớm đến 9h tôi có bảo đồng nghiệp là tôi đi xuống dưới để lấy hình ảnh cận, vì là con gái nên sẽ đỡ bị nghi ngờ. Khi đó tôi quan sát các đối tượng đã tản đi hết. Tôi muốn xuống ghi lại hình ảnh bơm kim tiêm dưới nền đất, đó là hình ảnh mà góc máy từ trên cao không đặc tả được.
Ngay lúc đó có mấy đối tượng từ đâu xuất hiện, quá bất ngờ tim tôi đập nhanh, tay chân run. Nhưng may mắn là họ nhầm tôi là người sử dụng ma túy đang bị làm rơi đồ, vì lúc đó tôi mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mít ngồi làm gì đó dưới nền đất… họ hỏi em đánh rơi ở đâu? Có phải sợ công an nên vứt đi?...
Lúc đó tôi cố gắng bình tĩnh và nghĩ ra được phương án tốt cho mình, nói chuyện với các đối tượng. Cũng nhờ vậy tôi đã trò chuyện và biết thêm được nhiều điều về đường dây này, cách hoạt động của nhóm buôn bán, muốn mua hàng thì mua qua ai... Ở đây mình phải xử lý một cách linh hoạt, trong mọi hoàn cảnh. Tôi có một suy nghĩ là trong khó khăn nếu mình mong chờ những điều tốt đẹp thì mọi thứ sẽ lại tốt đẹp…
+ Đối với truyền hình, hình ảnh có lẽ là quan trọng nhất, hình ảnh đắt sẽ tạo nên sức hấp dẫn khán giả ngay từ đầu, chị nghĩ thế nào về quan điểm này?
- Vì là truyền hình nên trong quá trình làm việc tôi đều cố gắng làm cho hình ảnh được sống động nhất, hình ảnh phải rõ ràng nhất, phải nói là tôi hơi khó tính về hình ảnh. Điều này đòi hỏi sự phối hợp tốt với quay phim. Ngôn ngữ hình ảnh đối với tác phẩm truyền hình bao giờ cũng quan trọng hàng đầu, dù nội dung có tốt đến đâu mà hình ảnh không hấp dẫn thì khó mà thu hút khán giả. Hình ảnh đó phải trực tiếp, chính diện, đặc tả sẽ giúp cho khán giả đến gần hơn với những câu chuyện mà mình đang kể.
Điều này đòi hỏi sự nhạy cảm của phóng viên. Mình đang ở hiện trường và mình biết được khán giả cần thấy gần hơn khoảnh khắc này. Khác với phóng sự truyền hình thông thường, đối với phóng sự điều tra có lẽ mọi người hiểu là chỉ chứng minh được vấn đề là xong, nhưng quan điểm của tôi là cứ phải cố gắng hết sức có thể. Nên mỗi khi làm phóng sự tôi đều trao đổi với đồng nghiệp rằng cần những hình ảnh như thế nào…! Tuy nhiên mong muốn là một chuyện, thực tế lại phát sinh nhiều khó khăn, mình cần chuẩn bị các phương án…
Chúng tôi mong muốn báo chí phải có giải pháp
+ Ma túy là một vấn đề nhức nhối của xã hội, tàn phá nhiều gia đình, dẫn đến phạm tội, mất trật tự, an toàn xã hội. Mỗi phóng sự của chị về đề tài này được phát sóng có sức ảnh hưởng ra sao?
- Nó mang lại nhiều tác động tới cộng đồng dân cư, công an, chính quyền các cấp vào cuộc. Tuy nhiên hoạt động buôn bán ma túy thường chuyển dịch địa bàn vì nhu cầu sử dụng của các đối tượng vẫn còn.
Chúng tôi khi làm phóng sự bao giờ cũng mong muốn câu chuyện sau khi phát sóng không dừng lại ở việc có công an đến đây, lực lượng chốt chặn hay tăng thêm lực lượng an ninh ở khu vực điều trị người nghiện… mà cần mở rộng ra xử lý nguồn cung cấp, tăng cường quản lý.
Chúng tôi mong muốn báo chí phải có giải pháp. Việc này cần kiên trì, dài lâu. Chúng tôi sẽ theo đuổi, làm thường xuyên, không dừng lại ở phản ánh sự việc.
+ Những phóng sự nói chung và đặc biệt là phóng sự điều tra của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam luôn có sức hấp dẫn khán giả riêng biệt, theo chị điều gì tạo sự đặc sắc này?
- Với những phóng viên Ban Thời sự chúng tôi được yêu cầu luôn có thêm độ lùi, độ lắng của thông tin, làm việc cẩn trọng và hướng tới khán giả, nhất là khán giả trẻ. Đồng thời cần sự nhạy cảm về chính trị, khi đưa ra vấn đề cần phải hiểu bản chất, tỉnh táo, khách quan, không bị cảm xúc cá nhân chi phối. Quan tâm đến sự an toàn của những người cung cấp thông tin và cả những tác động sau đó với họ. Không vì chạy theo độ nóng của thông tin, mà vội vàng cung cấp tin chưa khách quan.
Mỗi phóng sự khi đã phát sóng đều có sự chắc chắn, thẩm định thông tin nhiều nguồn. Tất cả những đề tài được lãnh đạo Ban Thời sự yêu cầu phóng viên nhìn nhận ở nhiều góc độ, cố gắng đưa được tiếng nói của các cơ quan chức năng liên quan, trách nhiệm giải quyết vấn đề.
+ Cuộc sống hiện đại đôi khi khiến người làm báo căng thẳng, áp lực sẽ càng tăng lên khi là nữ nhà báo với vai trò"người giữ lửa” trong gia đình?
- Câu hỏi đó luôn trong suy nghĩ của tôi, làm sao để vẫn duy trì được tình yêu với công việc này mà vẫn cân bằng và lo lắng chu toàn được cho cuộc sống gia đình. Tôi luôn biết ơn những người thân trong gia đình, đồng nghiệp ở cơ quan đã luôn đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu, đôi khi cả hy sinh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi làm nghề. Để đi bền lâu với công việc này đúng là đòi hỏi rất nhiều điều mà chúng tôi phải cố gắng…
+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Theo Báo NB&CL(NT)
Các tin khác
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.