Podcast: Hướng đi nhiều tiềm năng

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/6/2022 | 8:17:02 AM

Khoảng mấy năm trở lại đây, Podcast được một số tòa soạn tại Việt Nam ứng dụng với mong muốn có thêm một phương thức chuyển tải thông tin mới, hấp dẫn hơn, mới mẻ hơn.

Các cơ quan báo chí đã, đang ứng dụng Podcast như thế nào? Đã phát huy được tiềm năng thế mạnh, ưu điểm của nó? Báo Nhà báo & Công luận xin chia sẻ một số ý kiến của các chuyên gia truyền thông cũng như những người trong cuộc về một hướng đi mới đang được đánh giá là khá tiềm năng của báo chí Việt Nam.


Nhà báo Vũ Thế Cường - Giảng viên, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

"Podcast yêu cầu về công nghệ, cách thức làm khá mới mẻ"

Hiện nay mới có vài cơ quan báo chí trong nước ứng dụng Podcast và mang lại hiệu quả. Trong đó có VnExpress, họ đã có doanh thu từ Podcast, còn phần lớn chưa có doanh thu. Nhìn chung podcast có hiệu quả về đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, theo nghiên cứu riêng ở Việt Nam và trên thế giới đã có 30% đến 35% người sử dụng internet có sử dụng Podcast, điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng còn cao trên các báo điện tử.

Tôi muốn nhấn mạnh về hiệu quả thông tin, Podcast đã phát huy vai trò rất tốt ở trên các báo điện tử trong nước hiện nay, nhiều tờ báo đã và đang bắt đầu xây dựng chiến lược để ra kênh Podcast trên tờ báo của mình và chia sẻ đăng tải ở nhiều nền tảng mạng xã hội khác.

Như báo Nhân dân, VnExpress, VOVlive cũng đã cho ra mắt, tuy nhiên tính về tuổi đời của Podcast thì hoạt động này vẫn còn non trẻ ở trong nước. Song tôi cũng đánh giá cao khả năng sáng tạo của các cơ quan báo chí trong nước, dù vừa ra đời nhưng thể hiện rõ sự bắt kịp xu hướng, có chiến lược, đặc biệt phương thức làm đảm bảo về nội dung có chất lượng.

podcast huong di nhieu tiem nang hinh 2

Nhà báo Vũ Thế Cường.

Vừa qua tôi có tham giảng một vài khóa học chuyên về Podcast của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, các học viên đều đặt câu hỏi là làm thế nào để triển khai được ứng dụng Podcast này.

Tôi nghĩ đầu tiên là tư duy của lãnh đạo báo, lãnh đạo ủng hộ sẽ xây dựng được chiến lược, mới giúp được cấp dưới triển khai các công việc. Lãnh đạo thấy được tư duy, vai trò xu hướng của Podcast thì lúc đó mới bắt đầu phân bổ nguồn lực, tài chính… Podcast yêu cầu về công nghệ, cách thức làm khá mới mẻ nên không thể lấy tư duy từ phát thanh truyền thống mang sang.

Nếu là làm phát thanh thì ta phải gọi nó là phát thanh, nhưng đây là Podcast nên cách làm và công nghệ, thiết bị, hình thức thể hiện cần có sự đầu tư hơn. Để làm được việc này, cơ quan báo chí cần phân công người chịu trách nhiệm, đầu tư về công nghệ để đảm bảo tính đồng bộ, nếu CMS của anh đủ mạnh có thể xây dựng bộ công cụ Podcast trực tiếp trên website của mình.

Nếu hệ thống CMS của mình không đủ mạnh có thể tận dụng các nền tảng mạng xã hội như: Spotify, SoundClound, Apple Podcast, Google Podcast để chia sẻ các tác phẩm của mình trên đó. Cái này rẻ nhưng khó ở chỗ sẽ không quản lý được những sản phẩm của mình, dễ bị xâm phạm, dễ bị mất.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam:

"Các toà soạn vẫn nhìn nhận việc đầu tư Podcast như một sự thử nghiệm"

Tôi nhận thấy có một sự hào hứng nhất định ở nhiều toà soạn trong khoảng 3 năm trở lại đây đối với Podcast. Nhiều tòa soạn đã có sự đầu tư, thử nghiệm sản xuất Podcast như: Vnexpress, Zing, gần đây là Báo Nhân dân.

Ở VOV, là đơn vị có lợi thế là nhà sản xuất chương trình phát thanh chuyên nghiệp thì Podcast cũng được sản xuất thường xuyên trong khoảng hai năm nay. Tôi đánh giá, trong câu chuyện Podcast ở các toà soạn là khao khát tìm kiếm một phương thức phân phối nội dung mới, với niềm tin về nhu cầu tiếp nhận nội dung qua hình thức âm thanh.

Cái chưa được là các toà soạn vẫn nhìn nhận việc đầu tư các dự án Podcast như một sự thử nghiệm nên nguồn lực dành cho nó chưa đủ mạnh để tạo ra các sản phẩm tốt, đủ ấn tượng để công chúng chú ý. Podcast do các toà soạn sản xuất hiện nay mới chỉ dừng ở mức là sản phẩm phái sinh của các sản phẩm chính. 

podcast huong di nhieu tiem nang hinh 3

Nhà báo Phạm Trung Tuyến.

Tôi không nghĩ việc các toà soạn quan tâm tới Podcast là một trào lưu nhất thời. Bởi đây là một xu thế và lượng người nghe Podcast trên thế giới vẫn tăng đều. Hai năm gần đây tăng 10% đến 20% mỗi năm (theo Edison research). Tại Việt Nam thì các cá nhân, tổ chức phi báo chí cũng đã tham gia vào việc sản xuất Podcast ngày một nhiều và ấn tượng hơn là các toà soạn báo chí. Dù chủ yếu là cung cấp các chương trình giáo dục, trò chuyện tư vấn, hoặc tâm sự.

Sản xuất Podcast không khó, chi phí rẻ, các nền tảng để sản xuất và phân phối sẵn có… đó là điều khiến các nhà sản xuất nhỏ có nhiều cơ hội. Và cũng là bất lợi nhỏ cho các toà soạn trong việc cạnh tranh. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi các toà soạn quan tâm hơn đến thị trường này, đầu tư nguồn lực, tận dụng lợi thế về nhân sự có chuyên môn để sản xuất podcast thì câu chuyện sẽ khác.

Nhà báo Đinh Đăng Tú – Phó trưởng Phòng Điện tử, Báo Phú Thọ:

"Đưa thông tin của Đảng, Nhà nước và của địa phương tới đông đảo thính giả"

Tôi thấy kênh Podcast rất tiện lợi cho cả người làm và người nghe, có thể dùng ở mọi lúc, mọi nơi, Podcast chắc sẽ phát triển chứ không sớm dừng lại. Trong thời gian qua, Báo Phú Thọ đã xây dựng chiến lược phát triển thể loại báo chí mới này và nhanh chóng đưa kênh Podcast Báo Phú Thọ vào hoạt động từ tháng 11/2021.

podcast huong di nhieu tiem nang hinh 4

Nhà báo Đinh Đăng Tú.

Với mục tiêu đưa thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tới đông đảo thính giả, bổ sung thêm một kênh để tiếp cận với tờ báo Đảng của tỉnh. Chỉ sau thời gian ngắn, đã có hàng trăm tác phẩm Podcast được cập nhật trên kênh và các nền tảng số, thu hút lượng lớn thính giả trong và ngoài tỉnh. 

Báo chí, truyền thông có ưu thế trong việc tạo ra các chương trình Podcast chất lượng bởi có kinh nghiệm dày dặn và sở hữu nguồn tài nguyên thông tin dồi dào. Ngoài ra, mỗi tờ báo đều sở hữu một lượng độc giả "trung thành” cùng với cơ sở vật chất thiết yếu và điều kiện để mở rộng Podcast trên các kênh tin tức của mình.

Tôi thấy Podcast vẫn còn là một cái tên khá mới trên nền tảng công nghệ số. Song với sự phát triển mạnh mẽ và đầy tiềm năng của nó, trong thời gian tới, hình thức "nghe báo” này hứa hẹn sẽ ngày càng phổ biến hơn không chỉ trong giới trẻ mà còn đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của mọi lứa tuổi.

Trong thời gian tới để nâng cao được chất lượng thì đầu tiên là trang thiết bị và hệ thống để sản xuất phải đồng bộ, hiện đại. Trang website của các cơ quan báo chí cũng cần phải nâng cấp mới phát huy được hiệu quả lâu dài.

Ông Huỳnh Sang - Giám đốc SC media (nguyên Biên tập viên Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh - VOH) - Giảng viên thỉnh giảng môn Audio đa phương tiện của Khoa Báo chí - truyền thông Đại Học KHXH&NV TP.HCM:

"Vấn đề là tư duy tiếp cận, nắm bắt xu hướng chứ "tiền” không phải là nguyên nhân cản trở”

podcast huong di nhieu tiem nang hinh 5

Ông Huỳnh Sang - Giám đốc SC media.

Podcast đã phổ biến ở các nước  Âu - Mỹ ngay giữa những năm 2000 rồi! Bây giờ mà ở Việt Nam mới tiếp cận đã là chậm hơn người ta khá lâu. Ban đầu nó tồn tại ở dạng phát hành những chương trình phát thanh trực tuyến. Sau đó hàng loạt platforms ra đời và cho phép Audio Podcast (mp.3) được tải lên đó. Nói chung có thể xem đó là những "siêu thị âm thanh” mà chúng ta mặc sức lựa chọn "món ngon tinh thần” để nghe.

Sau này người ta làm Podcast dưới dạng video Podcast (gọi tắt là Vodcast). Nó được tải lên các trình duyệt web và nền tảng xem video như  YouTube, facebook nhưng thực chất để nghe dưới chế độ hình tĩnh (hoặc hình chuyển động) lồng vào tệp âm thanh.

Ở Việt Nam cũng có vài nền tảng bắt đầu khai thác lĩnh vực Podcast như Soundio chẳng hạn. Nền tảng này vừa ra mắt hồi tháng 5/2022 tại TP.HCM. Theo quan sát của tôi thì báo chí Việt Nam bắt đầu sản xuất Podcast và tích hợp trên web. Một số báo đã đưa Podcast lên các ứng dụng Postcast hosting và phân phối qua một vài platforms như Spotify, Google Podcast...

Đây không còn là "tiềm năng” nữa mà nó đã chứng minh "vị thế” quan trọng của nó trong thời đại truyền thông số (media digital). Nên nhớ bây giờ ai cũng có smartphone trên tay, người ta dễ dàng tiếp cận để nghe Podcast. Còn nghe qua laptop, trên ô-tô, nghe tại nhà cũng tăng rất nhanh.

Xu hướng con người bận rộn, ở một xã hội phát triển người ta sẽ nghe nhiều hơn. Nghe radio trên ô-tô, nghe Audio Podcast  hay nghe Audio Video... Thành ra đây là một thị trường với lượng khách hàng thật sự tiềm năng, hợp thời. Đầu tư sản xuất Podcast và đưa nó lên internet thực chất không tốn quá nhiều tiền.

Có những nhà mạng họ bán các gói dung lượng để chúng ta tạo "kho hàng” trên đó như Buzzspout, Simplecast, Podbean... rồi sau đó phân phối podcast lên các nền tảng nghe như Spotify, Google Podcast, Apple Podcast, Radio Public, Castbox... Thậm chí có cả web hosting như anchor.fm còn cho chúng ta sử dụng miễn phí tạo tài khoản rồi đưa sản phẩm lên kho của họ, sau đó phân phối đi khắp thế giới.

Nói chung, ở đây vấn đề là tư duy tiếp cận, nắm bắt xu hướng thế giới cho kịp thời, không để lạc hậu chứ "tiền” không phải là nguyên nhân cản trở. Có chuyên gia Phương Tây từng khẳng định: tương lai radio là internet. Làm phát thanh trên nền tảng internet có chi phí rất rẻ. (Tất nhiên nó không hoàn toàn thay thế các đài phát thanh). Podcast là cách tiếp cận như vậy! Thậm chí Podcast còn đa dạng hơn, hấp dẫn hơn và có những đối tượng khá "cao cấp” - là trí thức, là các bạn trẻ hiện đại, rành công nghệ...

Ông Bùi Công Duyến - Giám đốc sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty CP Công nghệ NEKO:

"Để phát huy thế mạnh của podcast hơn nữa thì câu chuyện vẫn là ở nội dung”

podcast huong di nhieu tiem nang hinh 6

Ông Bùi Công Duyến - Giám đốc sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS.

Tôi cho rằng Podcast đang thực sự tiềm năng và có nhiều đất diễn ở Việt Nam. Qua theo dõi nhiều nội dung podcast trên các nền tảng phổ biến như YouTube, Spotify và trên chính website của các báo điện tử, tôi thấy nhiều Podcast có lượt nghe tương đối cao. Bản thân tôi cũng nghe Podcast hằng ngày.

Podcast là một kênh tiếp cận thông tin đơn giản, có thể nghe mọi lúc, mọi nơi. Thính giả chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh là có thể tiếp cận đến nội dung này trong khi vẫn có thể làm việc khác. Tôi ví dụ, có ông anh chia sẻ với tôi rằng anh hay đeo tai nghe và nghe Podcast khi đang rửa bát buổi tối.

Ngoài ra, theo thống kê, số lượng ô-tô tại Việt Nam đang không ngừng gia tăng, các tuyến metro, tuyến bus tiếp tục được mở rộng và sự phát triển của nhà thông minh cũng sẽ là tiền đề để thu hút thêm người nghe Podcast tại Việt Nam.

Podcast và phát thanh truyền thống trong giai đoạn hiện nay cũng giống như YouTube, Netflix và truyền hình vài năm trước đây. Với Podcast, thính giả có thể nghe nội dung họ thích ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào từ vô số các nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp và không chuyên.

Theo tôi, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của Podcast hơn nữa thì câu chuyện vẫn là nội dung. Các cơ quan báo chí cần có nội dung hay, phù hợp với đúng đối tượng độc giả của mình hướng đến. Báo Nhân Dân, VnExpress đang làm rất tốt việc này. Vẫn còn rất nhiều mảng nội dung Podcast có khả năng thu hút lượng độc giả lớn đang chờ các cơ quan báo chí khai thác.

Nhà báo Minh Yến - Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt:

"Podcast thực sự là một sản phẩm riêng biệt chứ không phải là âm thanh hóa thông tin”

Sự xuất hiện của Podcast được coi là một cơ hội của báo chí, một xu thế thông tin trên thế giới hiện nay. Với Podcast, Điện tử Dân Việt không phải là đơn vị đầu tiên thực hiện nhưng cũng coi là một trong nhóm những tờ báo bắt nhịp sớm.

Kênh Podcast của Dân Việt cũng mới được ra mắt vào tháng 9/2021. Dân Việt là 1 tờ báo điện tử trẻ và với Dân Việt các loại hình báo chí, thông tin mới luôn là 1 cơ hội để cho tờ báo thử sức và khẳng định mình.

Podcast cũng như vậy, với mô hình tòa soạn hội tụ, hiện nay, Podcast đang là 1 đầu ra mới mẻ của Điện tử Dân Việt và chúng tôi cũng rất hy vọng, sẽ gặt hái được thành công bước đầu từ loại hình này. 

Tôi cho rằng, có thể coi Podcast là một xu hướng tiềm năng với Báo Điện tử Việt Nam hiện nay nhưng "có” với mảng nội dung nào, đối tượng bạn đọc nào, tờ báo nào lại là vấn đề cần phân tích kỹ lưỡng. Bởi như bạn biết, mọi xu hướng mới đều như một cơ hội mới thôi, việc tận dụng cơ hội đó để thành công hay thất bại không phải do cơ hội đó quyết định.

Hiện nay, Podcast có lượng người nghe lớn nhưng rất đặc thù. Không phải tất cả bạn đọc nào cũng thích và có điều kiện thuận tiện cho nghe Podcast. Đặc biệt là ở Việt Nam, đối tượng người nghe Podcast hiện nay còn khá khiêm tốn. Hay nói cách khác, khác với Tiktok, Youtube,… Podcast khá kén người nghe.

Mặt khác, thẳng thắn nhìn nhận thì hiện nay, trong thế giới Podcast, các kênh Podcast cá nhân đang chiếm lợi thế vì nội dung chia sẻ mang tính cá nhân hóa rất cao, quan điểm cá nhân rất rõ nét. Điều này thì báo chí có vẻ như không có lợi thế cạnh tranh.

Tất nhiên, là một cơ quan truyền thông chuyên nghiệp, báo chí có lợi thế về nhân sự, khả năng, ưu thế tiếp cận thông tin và sức ảnh hưởng đến một lượng bạn đọc trung thành nhất định, nên, tôi nghĩ nếu tìm ra hướng khai thác đúng, tìm ra được đối tượng bạn đọc mục tiêu và kiên trì với nó, Podcast sẽ thực sự là xu hướng tiềm năng của báo chí nói chung, báo điện tử Việt Nam nói riêng.

Và thực tế tại Mỹ hiện nay, Podcast cũng đang được coi là "con cưng” của nền công nghiệp quảng cáo. Có nhiều bài và nhiều chuyên gia đã phân tích về những ưu điểm/ưu việt của loại hình Podcast.

podcast huong di nhieu tiem nang hinh 7

Nhà báo Minh Yến - Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt.

Trong quá trình vừa thực hiện, vừa tìm hiểu, học hỏi, tôi nhận thấy Podcast có một số ưu điểm nổi trội. Đó là thuận tiện cho người tiếp cận. Bạn có thể nghe Podcast rất dễ dàng chỉ qua 1 chiếc điện thoại. Nghe bất cứ lúc nào, thậm chí có thể tải file về để chủ động thời gian nghe và môi trường nghe. Và bạn có thể nghe Podcast lúc bạn làm những việc khác như lái xe, làm việc nhà, đi dạo…

Nội dung Podcast đa dạng, ngôn ngữ thể hiện gần gũi, việc truyền tải thông tin qua giọng nói dễ khiến người tiếp cận dễ chịu và cảm xúc, đôi khi như 1 cuộc thủ thỉ trò chuyện - điều mà rất nhiều người cần trong cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực này.

Podcast dễ làm, chi phí đầu tư ít. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chất lượng kém. Với Podcast bạn chỉ cần 1 mic thu, xử lý âm thanh trên máy tính và up lên, thậm chí mọi thứ chỉ cần thu gọn trong 1 chiếc điện thoại.

Podcast tiếp cận "trực diện” với cuộc sống hơn. Tôi nói điều đó bởi vì chính sự gần gũi, dân dã, dễ tác nghiệp của Podcast sẽ khiến Podcast lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc tốt hơn, độc giả cũng tiếp cận thông tin một cách gần gũi "thô ráp” hơn là các loại hình báo chí truyền thống khác.

Và còn một số ưu thế khác mà có lẽ phải thực hiện và tác nghiệp nhiều hơn, tôi mới có thể đánh giá và tổng kết được.

Tôi nghĩ, vấn đề là xác định đúng đối tượng bạn đọc mục tiêu, trúng nhu cầu nghe Podcast của họ và đặc biệt, coi Podcast thực sự là 1 sản phẩm riêng biệt với tất cả tính đặc thù của nó chứ không phải là âm thanh hóa thông tin hay là một dạng thức của phát thanh. Có như vậy, chúng ta mới thực sự đầu tư và nghiêm túc chú tâm nghiên cứu và làm Podcast theo hướng phát huy tối đa lợi thế riêng có của nó.

Theo Báo NB&CL(NT)

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi. Ảnh: ĐCS

Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.

Các đại biểu dự lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Tọa đàm có sự tham gia của ba khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Toà án nhân dân TP Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.

Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Giải Đặc biệt được trao cho nhóm tác giả Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục