Không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng
- Cập nhật: Thứ ba, 12/7/2022 | 8:43:46 AM
Phát biểu tại buổi làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu trường “không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời bổ sung, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng quà lưu niệm của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Mai Nghiêm
|
Chiều 11/7, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã về thăm và làm việc tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Thay mặt lãnh đạo Học viện, đồng chí PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền báo cáo với Đoàn công tác về các mặt hoạt động của Học viện trong 60 năm vừa qua.
Theo đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành lập ngày 16/1/1962. Trong 60 năm xây dựng và phát triển vừa qua, từ những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ của Ban Bí thư Trung ương Đảng giao khi thành lập Trường, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương và sau này khi trở thành bộ phận cấu thành của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự phát triển chung của đất nước Việt Nam.
Trong 60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị - xã hội và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông trong cả nước.
Học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp từ Học viện, phần lớn đã nhanh chóng được nhận vào làm việc đúng ngành nghề ở nhiều cơ quan khác nhau trong hệ thống chính trị đất nước và phát huy tốt khả năng chuyên môn đã được đào tạo. Không ít người đã trở thành gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực công tác của mình, được xã hội thừa nhận và đánh giá cao.
Không chỉ đào tạo cán bộ trong nước, nhiều năm qua Học viện còn đào tạo hàng nghìn sinh viên đại học, học viên cao học, thực tập sinh và nghiên cứu sinh đến từ các nước như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc theo các hiệp định song phương giữa Đảng, Chính phủ Việt Nam và đảng, chính phủ các nước.
Sau khi nghe báo cáo các mặt công tác, các ý kiến phát biểu thảo luận và các kiến nghị, đề xuất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra các giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Phấn đấu giữ vững vị thế là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; là cơ sở nghiên cứu khoa học về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, báo chí, truyền thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho đất nước và cho ngành Tuyên giáo.
Tiếp tục không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời bổ sung, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào chương trình, giáo trình, bài giảng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động của Học viện, phát huy tính năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm của tập thể cán bộ viên chức, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chú trọng xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp, góp phần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức tuyên giáo trong tình hình mới.
Các tin khác
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.