Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”: Góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2022 | 2:59:34 PM

Báo chí ngay từ khi ra đời đã mang trong mình sứ mệnh cao cả là thông tin, phản ánh đúng sự thật. Vì vậy, sức mạnh của báo chí trước hết là ở sự thật, nằm trong sự thật. Không thông tin, phản ánh những gì sự thật vốn có, báo chí không còn lý do để tồn tại.


Khi báo chí chủ động định hướng dư luận, tạo dựng "bệ đỡ tinh thần” cho công chúng có niềm tin tích cực, đồng thuận về tư tưởng và hành động, sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tiến lên. Những năm qua, "con tàu” báo chí đôi lúc chạy lệch khỏi đường ray "chuẩn mực văn hóa”. Một số nhà báo, cơ quan báo chí có những hành vi, biểu hiện lệch chuẩn, chạy theo xu hướng thương mại hóa, biến tờ báo thành công cụ phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, xa rời nhiệm vụ chính trị và giá trị nhân văn. Văn hóa báo chí đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết và việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí cần được thực hành "như thói quen rửa mặt mỗi ngày”.

Báo chí tiên phong truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Báo chí là một phần của văn hóa và đội ngũ những người làm báo không thể nằm ngoài dòng chảy ấy. Mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Mỗi nhà báo phải nỗ lực nâng cao chất lượng từng tác phẩm của mình, để xây dựng một nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu vừa giàu tính nhân văn, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: "Muốn đi xa thì phải về gần. Hơn lúc nào hết báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi của mình”. 

Báo chí văn hóa theo nghĩa đó chính là báo chí vì con người, lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người. Hai năm vừa qua, tinh thần cống hiến của báo chí trong đại dịch COVID-19 được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Những năm qua, nhiều tờ báo, nhiều chương trình, chuyên mục... đã góp phần tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt điển hình, góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp. Trong đó, có những chương trình tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tiêu biểu như Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức và duy trì suốt 13 năm qua; Đài Truyền hình Việt Nam cũng duy trì đều đặn chuyên mục "Việc tử tế”, "Cặp lá yêu thương”... giàu ý nghĩa nhân văn.

Nhà báo có vinh dự lớn lao là người dẫn dắt, định hướng dư luận. Họ phải có khát vọng đẹp, mong muốn thúc đẩy xã hội phát triển thì mới hội đủ điều kiện để trở thành một nhà báo xứng tầm, "bút sắc, tâm sáng”. Muốn thế, người làm báo phải có tri thức văn hoá, nhất là văn hóa ứng xử, bởi do đặc thù nghề nghiệp, nhà báo phải tiếp xúc, làm việc với nhiều tầng lớp giai cấp, xã hội. Văn hóa ứng xử báo chí là quan trọng nhất hiện nay, đó là cách ứng xử của nhà báo với nhân dân nói chung, bạn đọc nói riêng trong khi tác nghiệp. Sự tương tác có văn hóa giữa nhà báo với đối tác cũng là thể hiện đạo đức của người làm báo.

Bên cạnh những phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam nói chung, thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước của người hoạt động báo chí Việt Nam tuy chưa được phát động chính thức thành một phong trào rầm rộ nhưng cũng được đẩy mạnh. Tiêu biểu là việc tranh đua Giải Báo chí Quốc gia hằng năm, Giải Báo chí toàn quốc của các ngành, các lĩnh vực. Từ đó xuất hiện nhiều tấm gương trong đội ngũ các nhà báo.

Họ đã dũng cảm đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, biểu dương cái mới tích cực, được đồng nghiệp và bạn đọc quý mến, kính trọng. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật. Do phải vận hành trong cơ chế kinh tế thị trường khắc nghiệp, ít được sự tài trợ của cơ quan chủ quản và Nhà nước, một số cơ quan báo chí lơi lỏng quản lý để nhân viên, nhà báo của mình lạm dụng tác nghiệp báo chí để sách nhiễu, gây áp lực đối với người dân và danh nghiệp, để lại nhiều dấu ấn không đẹp. Có ý kiến cho rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp "sợ” báo chí như bây giờ không phải là không có cơ sở.

Một số cơ quan báo chí, nhất là những tạp chí mới thành lập có biểu hiện cửa quyền đối với người đọc, người dân... Tất cả những điều đó đang làm suy giảm phần nào lòng tin của bạn đọc, của nhân dân, của lãnh đạo đối với cơ quan báo chí và người làm báo. Do đó, chưa bao giờ vấn đề đạo đức báo chí lại đáng lo ngại như hiện nay.

Vì thế, việc phát động phong trào thi đua về văn hóa báo chí nói chung rất cấp thiết và quan trọng khi mà chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo khát vọng của con người Việt Nam để đưa đất nước phát triển vượt bậc.

gop phan nhan len nhung gia tri tien bo nhan van trong hoat dong bao chi hinh 2

Tránh việc "đánh trống bỏ dùi"

Khi phát động phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã yêu cầu phong trào thi đua phải được lan tỏa thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo; trong đó các cơ quan tổ chức phong trào phải hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào ở các cấp hội, cơ quan báo chí.

Trước yêu cầu này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đưa ra 3 giải pháp để phong trào đi vào thực tế, tránh việc "đánh trống bỏ dùi”"phát” mà không "động”.

Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần có nhận thức đúng đắn và đẩy đủ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có đánh giá, kiểm tra, tổng kết đối với từng nhà báo và từng cơ quan.

Thứ hai, những tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm hay, thí dụ tốt cũng cần được tuyên dương và tuyên truyền một cách đa dạng, phong phú và hấp dẫn.

Cuối cùng, ông khẳng định rằng khi hoạt động này trở thành nhu cầu tự thân của các cơ quan báo chí và nhà báo, phong trào sẽ không chỉ là những hoạt động hình thức, thụ động mà sẽ là việc làm thực chất, là mong muốn của các cơ quan báo chí và nhà báo.

Tiến sỹ Lê Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Báo chí nhấn mạnh: "Các cơ quan báo chí phải đảm bảo thu nhập cho những người làm báo để họ sống được với nghề, không bị dao động với những cám dỗ vật chất; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ và đạo đức báo chí cho các nhà báo; gia tăng cơ chế cho công chúng giám sát, đánh giá các cơ quan báo chí và các nhà báo”.

Thực tế đã có nhiều phong trào thi đua mang tính hô hào, hình thức. Để phong trào lần này hiệu quả, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân cho rằng cơ quan báo chí cần có sự giám sát của bạn đọc và người dân.

"Những năm 60-70 của thế kỷ trước, hầu như tờ báo nào cũng để dòng chữ "Hoan nghênh bạn đọc phê bình báo” ở vị trí trang trọng nhất. Nay thì từ rất lâu chúng ta bỏ mất phương châm này”, ông nói.

Thiếu tướng cho rằng nhân dân có thể gửi đơn thư phản ánh, ý kiến giám sát qua các cơ quan quản lý báo chí như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam... Từ đó, các cơ quan báo chí có thể lấy đó làm căn cứ để theo dõi phong trào thi đua.

Đề cao đạo đức, văn hóa báo chí

Nghị quyết số 33-NQ/TW "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Luật Báo chí; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí.

Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã chú trọng xây dựng đội ngũ những người làm báo có lập trường chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, đất nước và nhân dân; có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; biết vượt qua cám dỗ, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Điều này tạo nên nét đẹp văn hóa cho không chỉ người làm báo mà cả cơ quan báo chí.

Với số lượng nhà báo, phóng viên đông đảo, tác nghiệp trên khắp đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí đặt ra yêu cầu cao về đạo đức, văn hóa của nhà báo. Nhà báo Tạ Bích Loan - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ: "Trên cơ sở Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng Bản Quy tắc tác nghiệp của VTV phù hợp với đặc thù của truyền hình và thực tế tác nghiệp. Bản Quy tắc với 8 nguyên tắc tác nghiệp, đã trở thành cẩm nang đạo đức nghề nghiệp, công cụ tham chiếu trong quá trình tác nghiệp dành cho các hội viên, nhà báo của VTV”.

Thời gian qua, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 kéo dài suốt hai năm, hoạt động báo chí đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo nhận định của nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: "Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan báo chí làm tốt công tác giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng cho người làm báo, đề cao văn hóa báo chí, vẫn còn một số tổ chức Hội Nhà báo chưa thực sự chú trọng công tác này. Đáng tiếc vẫn còn một bộ phận phóng viên thiếu tu dưỡng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, có những hành vi tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Chỉ tính năm 2021, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đó chỉ là con số rất nhỏ trong hàng vạn người làm báo, nhưng cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nghề báo và danh dự của những người làm báo chân chính.

Vì vậy, việc phát động Phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cũng không ngoài mục đích góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí; qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao "sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội. Hơn nữa, việc triển khai sâu rộng phong trào này còn là cú hích thúc đẩy đội ngũ những người làm báo Việt Nam thực hiện tốt hơn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - một người thầy vĩ đại đã khai sáng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Theo Báo NB&CL(NT)

Các tin khác
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi. Ảnh: ĐCS

Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.

Các đại biểu dự lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Tọa đàm có sự tham gia của ba khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Toà án nhân dân TP Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.

Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục