Chấn chỉnh, xử lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có hiện tượng “báo hóa”: Nỗ lực vì môi trường thông tin lành mạnh Bài 2: Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hải Phòng: Chấn chỉnh bằng cách “phòng xa”…
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2022 | 2:52:42 PM
Chúng tôi lựa chọn phương án “phòng xa” hiệu quả nên đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào sai phạm mang tính chất nghiêm trọng phải xử phạt nặng…
Sở Thông tin & Truyền thông Tp. Hải Phòng làm việc.
|
"Trong công tác rà soát hằng ngày, từ trước đến nay, Sở Thông tin & Truyền thông đều làm rất tốt. Các thông tin trên mạng xã hội, thông tin trên Cổng thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp… đều được các cán bộ theo dõi sát sao và có báo cáo hằng ngày với lãnh đạo Sở. Chính vì vậy, khi có dấu hiệu hay "hiện tượng” gì là chúng tôi đã có ý kiến ngay, tránh trường hợp sai sót. Chúng tôi lựa chọn phương án "phòng xa” hiệu quả nên đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào sai phạm mang tính chất nghiêm trọng phải xử phạt nặng…”, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hải Phòng khẳng định.
Tạo lập một thói quen cảnh báo
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hải Phòng cho rằng, các quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực báo chí, thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành tương đối đầy đủ, chặt chẽ trong thời gian qua, như: Luật Báo chí năm 2016, Luật an ninh mạng năm 2018, Nghị định 72/2013/NĐ-CP; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018…
Tuy nhiên, trong thực tiễn thì hoạt động báo chí và hoạt động thông tin có tính chất báo chí có một ranh giới giao thoa rất đặc thù về mặt thông tin, ranh giới này chỉ được xác định khi có một định chế chỉ ra, định nghĩa rõ Chủ thể thực hiện hoạt động thông tin (hoạt động này bao gồm thu thập, xử lý, đăng phát thông tin trên môi trường và phương tiện xác định của chủ thể đó).
Ngày 22/7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-BTTTT về Tiêu chí nhận diện "báo hóa” tạp chí, "báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa” báo chí. Đây là bộ tiêu chí giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường báo chí lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại.
Đồng thời, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc giám sát, nhận diện "báo hóa” tạp chí, "báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa” báo chí hoặc những dấu hiệu chệch hướng trong hoạt động báo chí tại địa bàn thành phố Hải Phòng để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
"Tiêu chí nhận diện đã cụ thể hóa những nội dung mà trước đây chưa có cơ sở và thiếu căn cứ dẫn đến khó giải quyết, một số báo, tạp chí có thể lợi dụng các khe hở để trục lợi gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan báo chí khác” - ông Huy nhận định.
Trao đổi về các biện pháp chấn chỉnh trong hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, Phó Giám đốc Sở Thông tin & truyền thông Hải Phòng cũng cho rằng, trước khi có tiêu chí nhận diện "báo hóa” tạp chí, "báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa” báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đã thường xuyên trao đổi với các cơ quan báo chí của thành phố, Văn phòng đại diện và phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn thành phố; rà soát hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp theo quy định. Chính cách thức thực hiện trách nhiệm, mang tính thường xuyên, tạo lập một thói quen cảnh báo đã góp phần định hướng, chấn chỉnh rất hiệu quả nên các vi phạm rất ít và không đến mức nghiêm trọng phải xử lý.
Không có vụ việc dẫn đến phải xử lý
Bên cạnh những điều chỉnh kịp thời và sát sao trong vấn đề ngăn chặn "báo hóa” tạp chí, báo hóa trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Sở Thông tin & Truyền thông coi trọng sự phối hợp với các cơ quan báo chí để góp phần "lành mạnh hóa” môi trường thông tin. Hải Phòng hiện có 04 cơ quan báo chí của thành phố, 02 cơ quan báo chí của lực lượng vũ trang, 46 văn phòng đại diện và phóng viên thường trú (27 báo và 19 tạp chí), với hơn 800 nhà báo, phóng viên, cộng tác viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí, gần 500 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; 01 trang thông tin điện tử của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp phép; 12 trang thông tin điện tử tổng hợp do Sở cấp phép hoạt động.
Với các cơ quan báo chí và lực lượng hội viên đông đảo như vậy nhưng việc phối hợp rất kịp thời và linh hoạt. Theo đó, triển khai Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở đã ban hành văn bản số 1516/STTTT-TTBCXB ngày 01/8/2022; Văn bản số 1724/STTTT-TTBCXB ngày 30/8/2022 để hướng dẫn, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về Bộ tiêu chí nhận diện "báo hóa” tạp chí, "báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, "báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa” báo chí để giúp tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Cùng với đó thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí theo quy định pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích; kiên quyết không thực hiện hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi.
Không chỉ vậy, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 664/QĐ-UBND ngày 01/3/2022 về Quy chế phối hợp theo dõi, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng và các quy định pháp luật liên quan; Chỉ thị số 13-CT/UBND ngày 08/8/2022 về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố; đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khi phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, lưu lại bằng chứng, kịp thời báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Sở Thông tin và Truyền thông đã trao đổi, hướng dẫn các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn thành phố về các văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân thành phố hoạt động đúng quy định của Luật Báo chí; đồng thời hướng dẫn, làm việc với các cơ quan báo chí của thành phố về các quy định trên.
Ngoài ra, Sở Thông tin & Truyền thông Hải Phòng cũng tăng cường sử dụng công nghệ để đo kiểm, rà quét, đánh giá hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
"Trong suốt thời gian qua, không có vụ việc "báo hóa” tạp chí, "báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa” báo chí trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến mức phải xử lý” - ông Quang Huy nhấn mạnh.
Trong kế hoạch thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông cũng cho biết: Sở sẽ tiếp tục bám sát Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay; tiếp tục bám sát triển khai Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế phối hợp theo dõi, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng và các quy định pháp luật liên quan; Chỉ thị số 13-CT/UBND ngày 08/8/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố, trong đó thường xuyên kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các cơ quan, đơn vị hoạt động không đúng quy định trong năm 2022 và những năm tiếp theo…
Có thể nói, với việc nhắc nhở, điều chỉnh thường xuyên, liên tục ngay từ khi mới có dấu hiệu, hiện tượng đã giúp việc chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do Sở Thông tin & Truyền thông Hải Phòng quản lý đã đạt hiệu quả cao. Cách làm này cũng giúp những chủ trương của Bộ Thông tin & Truyền thông, của UBND thành phố Hải Phòng đều được triển khai bài bản, kịp thời, góp phần tạo nên môi trường thông tin lành mạnh.
Các tin khác
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.
Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.