Sẽ có quy định cụ thể về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/10/2022 | 11:09:50 AM

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung sẽ cụ thể hóa các quy định quản lý dịch vụ, đặc biệt đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chỉ cung cấp gói dịch vụ theo yêu cầu (OTT TV VOD), không cung cấp kênh chương trình… Nghị định số 71/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi thành từ ngày 01/01/2023.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung gồm 4 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 14 Điều, bổ sung thêm 01 Điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP. Các quy định sửa đổi, bổ sung tập trung cụ thể hóa các quy định quản lý dịch vụ, đặc biệt đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chỉ cung cấp gói dịch vụ theo yêu cầu (OTT TV VOD), không cung cấp kênh chương trình; quản lý nội dung cung cấp trên dịch vụ (gồm nội dung theo yêu cầu, chương trình, kênh chương trình).

Điều 2 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận. Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

Nội dung căn bản nhất của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV VOD, gồm cả doanh nghiệp (DN) nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép. Đối với loại hình dịch vụ OTT TV, DN có thể lựa chọn 2 mô hình cung cấp dịch vụ: (i) OTT TV cung cấp cả kênh trực tuyến và nội dung theo yêu cầu (VOD) và (ii) OTT TV chỉ cung cấp VOD (OTT TV VOD). Đối với dịch vụ OTT TV VOD, DN chỉ cần thực hiện kê khai theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông, thay vì phải lập Đề án (Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP). Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước, có những điều kiện về kỹ thuật tương đương như doanh nghiệp nước ngoài, được tham gia cung cấp dịch vụ. DN nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường cũng phải thực hiện thủ tục như DN trong nước.

Điểm quan trọng tiếp theo của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là bổ sung thêm một Điều 20a của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (khoản 11 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP) quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD.

Theo đó, nội dung VOD được phân thành 03 nhóm để thực hiện, gồm: (i) Đối với các chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ; (ii) Đối với phim: DN được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Trong trường hợp DN không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng; (iii) Đối với chương trình thể thao, giải trí: Các DN cung cấp dịch vụ được thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Như vậy quy định này đã nới lỏng hơn so với Nghị định số 06/2016/NĐ-CP. DN được chủ động biên tập, phân loại đối với các loại nội dung VOD là phim, chương trình thể thao, giải trí khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (trước đây, theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, tất cả nội dung VOD đều phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ).

Đối với hoạt động biên dịch các phim, chương trình nước ngoài: Không bắt buộc, trong trường hợp thực hiện biên dịch, phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Quy định này cũng áp dụng đối với việc biên dịch kênh chương trình nước ngoài.

Có thể nói, sự ra đời của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện cho DN trong nước và DN nước ngoài kinh doanh dịch vụ trên cùng mặt bằng pháp lý, bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời không bổ sung thêm thủ tục hành chính.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi thành từ ngày 01/01/2023.

Để Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sớm được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn để phổ biến các quy định mới tại Nghị định đến các tổ chức, DN có liên quan. Chi tiết xem tại đây.

Theo Báo NB&CL(NT)

Các tin khác
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi. Ảnh: ĐCS

Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.

Các đại biểu dự lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí về đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024.

Tọa đàm có sự tham gia của ba khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Toà án nhân dân TP Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.

Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục